MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoa hậu Ý Nhi. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Ai có lỗi lớn trong những phát ngôn bị chỉ trích của Hoa hậu Ý Nhi?

Bình An LDO | 08/08/2023 15:47

Dù muốn hay không, câu chuyện phía sau những phát ngôn bị dư luận phản ứng dữ dội của Hoa hậu Ý Nhi cũng vẫn phải bàn lại, bởi ở đó đặt ra nhiều vấn đề mang tính xã hội.

Khủng hoảng truyền thông xoay quanh những phát ngôn của tân hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi đặt ra nhiều vấn đề, ở đó, trách nhiệm không chỉ thuộc về tân hoa hậu mà còn là của rất nhiều người.

Sự thổi phồng về danh vị hoa hậu của ban tổ chức

Trong mọi cuộc thi sắc đẹp, có thể nhận thấy, sự thổi phồng quá mức về danh vị và vương miện hoa hậu của ban tổ chức.

Họ “nhồi nhét” vào tư duy, nhận thức của những cô gái trẻ về sứ mệnh cao cả, về việc nếu trở thành hoa hậu – cô gái ấy sẽ là đại diện của nhan sắc Việt thi đấu ở đấu trường quốc tế, đưa Việt Nam bước ra thế giới.

Xưa nay, mỗi khi thắng cuộc ở một cuộc thi sắc đẹp, tân hoa hậu luôn hô hào về hòa bình thế giới, về những sứ mệnh cao cả sẽ thực hiện, sẽ đại diện cho phụ nữ Việt, nhan sắc Việt đi chinh chiến thế giới, sẽ tự hào khi hô vang 2 tiếng “Việt Nam” trước thế giới.

Khi khủng hoảng truyền thông lan rộng vì phát ngôn của tân hoa hậu, số đông dư luận cho rằng, đã đến lúc ban tổ chức các cuộc thi hoa hậu ngừng “tiêm nhiễm” sự ảo tưởng về vị thế hoa hậu cho các cô gái trẻ.

Người đoạt vương miện chỉ là người giành giải nhất trong một cuộc thi mang tính giải trí. Cô ấy đạt được những tiêu chí về cái đẹp của ban giám khảo cuộc thi ấy, chứ không đại diện cho bất cứ ai, bất cứ quốc gia nào.

Đã từ lâu, trên thế giới không còn quan tâm đến các cuộc thi hoa hậu. Ở Mỹ, thi sắc đẹp giống như một gameshow mang lại lợi nhuận cho ban tổ chức, không hơn.

Khi người đẹp Việt đi thi quốc tế luôn đứng đầu trong danh sách bình chọn, truyền thông Mỹ từng kinh ngạc trước khả năng “cày view”, “cày vote” của khán giả Việt.

Giữa bối cảnh thế giới đã thờ ơ với hoa hậu, dư luận và khán giả Việt vẫn “sôi sục” vì hoa hậu.

Ban tổ chức các cuộc thi hoa hậu hãy ngừng thổi phồng về danh vị và vương miện. Ảnh: Sen Vàng

Đã đến lúc, hoa hậu cần đứng đúng vị trí xã hội của mình, là người đoạt giải nhất ở một gameshow. Ngừng thổi phồng chuyện “đại diện cho quốc gia”, “đại diện cho nhan sắc Việt”, hay đưa hai tiếng Việt Nam ra thế giới.

Việc trở thành quốc gia nhiều hoa hậu nhất thế giới chắc chắn không có tính quyết định đến vị thế kinh tế, chính trị của quốc gia đó trên trường quốc tế.

Sự hời hợt của giới trẻ về lịch sử

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, câu trả lời của tân Hoa hậu Ý Nhi liên quan đến nhà thơ Hàn Mặc Tử, vua Quang Trung không sai, nhưng thiếu tế nhị, thể hiện sự am hiểu lịch sử nông cạn của cô gái trẻ.

Không chỉ tân hoa hậu, đã nhiều lần, việc học sử và điểm thi môn lịch sử đã thấp đến mức báo động ở các kỳ thi.

Khi giới trẻ thờ ơ, nhận thức về lịch sử nông cạn, hời hợt, đó là câu chuyện của cả xã hội. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, trách nhiệm trong việc này liên quan đến trường học, gia đình.

Câu chuyện về sự tự tin

Việc tân hoa hậu xếp “độ nổi tiếng” của mình ngang với nhà thơ Hàn Mặc Tử, vua Quang Trung đã gây ra muôn vàn tranh luận không hồi kết trên các diễn đàn mạng xã hội.

Quanh những phát ngôn bị chỉ trích của tân hoa hậu cho thấy nhiều vấn đề xã hội cần bàn lại. Ảnh: Sen Vàng

Ở những ý kiến bênh vực, các tài khoản mạng xã hội cho rằng, Huỳnh Trần Ý Nhi thể hiện sự tự tin của mình. Cô chỉ đơn giản liệt kê ra một danh sách những người cô cho là nổi tiếng của Bình Định, chứ không có ý định phân chia cao thấp.

Phía phản đối cho rằng, dù với bất kỳ lý do gì, liệt kê đơn giản đến mấy, cũng không thể xếp tân hoa hậu trên cùng một dòng viết với nhà thơ Hàn Mặc Tử và vua Quang Trung.

Câu chuyện về sự tự tin cũng được mang ra mổ xẻ, phân tích. Nhiều phụ huynh cho rằng, khoảng 10 năm trở lại đây, từ trường học đến gia đình bỗng nhiên nổi lên phong trào dạy trẻ tự tin, luôn yêu bản thân, dám nói lên tiếng nói cá nhân, dám thể hiện mình trước đám đông, đặt bản thân lên vị trí cao.

“Nhưng tự tin đến đâu là vừa đủ? Muốn tự tin phải cần đến những yếu tố nào? Có phải lúc nào cũng cần phải thể hiện sự tự tin hơn người không? Tự tin trong hoàn cảnh nào?... Không phải gia đình, thầy cô nào cũng dạy trẻ kỹ lưỡng về sự tự tin, mà chỉ hô hào các em, “Hãy tự tin lên. Phải tự tin nhé”. Nếu không hiểu kỹ về tự tin, trẻ có thể trở nên kiêu ngạo” – chị Đỗ Mỹ Linh, một phụ huynh đưa quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn