MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Poster phim “Scent of A Woman” (1992), “City Hall” (1996) và “The Irishman” (2019). (chụp lại từ IMDB)

Al Pacino, truyền cảm hứng với sự phẫn nộ của tâm hồn

Bùi Trí Hiếu (nhà phê bình điện ảnh) LDO | 18/09/2021 07:00
Vài năm gần đây, nhiều phim Việt hay phim remake thích đi sâu khai thác vào thế giới tội phạm, để hấp dẫn khán giả. Tuy nhiên, nhân vật ông trùm - “bố già” mafia trong các phim Việt còn rất ít và chưa gây được ấn tượng mạnh. Nhìn lại huyền thoại điện ảnh Hollywood Al Pacino với sức sáng tạo bền bỉ của mình sẽ là bài học tham khảo hữu ích…

Đã bước vào tuổi 80, nhưng Al Pacino hiện vẫn là một trong những gương mặt điện ảnh gạo cội xuất sắc trong giàn sao “già” của Hollywood. Ông nổi tiếng nhờ những vai diễn bạo liệt, mạnh mẽ và gây ấn tượng lâu dài với khán giả.

Nhưng cuộc đời ông thực sự chưa từng “trải thảm đỏ” như bao người khác mà phải vất vả hơn các diễn viên cùng trang lứa. Câu chuyện về sự vươn lên của Al Pacino thực sự truyền cảm hứng cho bất cứ ai đang gặp khó khăn trong mùa dịch Covid này.

Khởi đầu gian khó

Al Pacino sinh ra trong một gia đình tan vỡ. Bố mẹ ly thân khi mới 2 tuổi, Pacino lớn lên với ông bà ngoại và mẹ. Thưở ấu thơ, ông thường tự diễn kịch với những đứa trẻ trong xóm bằng truyện tranh hay truyện hài. Ông diễn thường xuyên, với đủ loại vai diễn, ở bất cứ đâu, đến mức mọi người trong khu phố gọi ông là “diễn viên”.

Theo tờ The New Yorker xuất bản năm 2014, Pacino bắt đầu hút thuốc lúc 9 tuổi, nhai thuốc lá lúc 10 tuổi và uống rượu mạnh khi lên 13 tuổi. Ông được nhận vào Trường trung học biểu diễn nghệ thuật Manhattan nhờ năng khiếu diễn xuất nhưng lại bỏ học năm 16 tuổi vì không thích lớp dạy tiếng Tây Ban Nha.

Mẹ ông thì bảo: “Diễn viên không dành cho những người như mẹ con mình, người nghèo không làm mấy nghề đó!”.

Khi trả lời phỏng vấn với tạp chí Interview xuất bản năm 2018, ông tự nhận mình là kiểu người “sinh tồn”, gặp đủ kiểu người ở chốn khốn cùng của New York và từng sống nhiều ngày chỉ bằng một miếng Pizza cũ. Al Pacino từng cùng với Martin Sheen (sau này diễn viên phim hạng B có tiếng) làm việc tại công ty kịch The Living Theatre và diễn 16 vở một tuần. 

“Chúng tôi chuyền cái mũ sau mỗi vở diễn. Ai đó sẽ thả vài đồng vào mũ. Đó là cách chúng tôi kiếm cái ăn”, ông kể lại.

Năm 21 tuổi, mẹ ông mất và sau đó là ông ngoại cũng nối tiếp qua đời. Pacino đối mặt với nỗi đau khủng khiếp và cảm thấy lạc lối. 

Sự nghiệp bắt đầu rộng mở

Có thể nói, nhắc đến Al Pacino là người ta sẽ nghĩ ngay đến Michael Corleone trong loạt ba phần phim chuyển thể từ tiểu thuyết The Godfather (Bố già) (1972-1974-1990). Đó là vai diễn có ảnh hưởng nhất trong sự nghiệp của ông, nhưng ít ai biết rằng ông đã suýt mất đi vai diễn để đời đó. Nếu không nhờ đạo diễn của phim là Francis Ford Coppola tình cờ nhìn thấy diễn xuất của Al Pacino qua The Panic in Needle Park (1971), bộ phim đầu tiên mà ông thủ vai chính.

Sau đó, đạo diễn Francis đã thuyết phục Mario Puzo, tác giả cuốn tiểu thuyết, chọn Al Pacino cho vai Michael Corleone mặc dù Pacino mắc nhiều lỗi như xuất hiện với bộ dạng ngái ngủ, quên lời thoại và phải diễn thử lại ba lần để thuyết phục đạo diễn.

Ngoài Bố già, Al Pacino đã thành công hóa thân gangster thứ hai mang phần dữ dội và bạo lực hơn với vai Tony Montana trong Scarface (Mặt sẹo) (1983). Phim được làm lại từ bộ phim cùng tên năm 1932 do diễn viên đoạt giải Oscar Paul Muni thủ vai chính. Có lẽ chính tuổi thơ vất vả lớn lên trên đường phố và kinh nghiệm hóa thân từ hai phim trước là vai cảnh sát chìm Frank Serpico trong Serpico (Cuộc đời của Serpico) (1973) và vai kẻ cướp ngân hàng Sonny Wortzik trong Dog Day Afternoon (Buổi chiều đen đủi) (1975) đã khiến Al Pacino làm nên một “mặt sẹo” khét mùi thuốc súng, điên dại và khát máu. Cả ba nhân vật của ông đều có chung đặc điểm, đó là gào thét, phẫn nộ và thể hiện sự phản kháng với cuộc đời như ông đã từng.

Tuy nhiên, thành quả quý giá nhất với ông có lẽ là vai trung tá mù Frank Slade trong phim Scent of A Woman (Hương đàn bà) (1992). Đây chính là vai diễn đã giúp ông đoạt được giải Oscar danh giá. Nếu có ai ấn tượng về cách Pacino diễn quá đỗi giống như người mù thì với một số người từng là hàng xóm của ông từ ngày bé không hề bất ngờ, như ông Kenneth Lipper, người sau này trở thành phó thị trưởng thành phố New York, cũng là nhà sản xuất và biên kịch phim City Hall (Tòa thị chính) (1996) cũng có sự góp mặt của Al Pacino.

Mặc dù đã bước sang tuổi 80, nhưng niềm đam mê với nghề diễn xuất vẫn chưa tàn lụi, Al Pacino đã cùng hợp tác với những nhân vật gạo cội của làng giải trí như Robert De Niro, Joe Pesci và đạo diễn Martin Scorsese để tạo nên một bộ phim mafia cuối cùng được làm theo phong cách cũ của nhiều thập kỷ trước, The Irishman (Người Ai-len) (2019). Bộ phim như là một món quà tri ân của thế hệ già gửi lại những nuối tiếc của tuổi trẻ và nỗi buồn trước sức mạnh của thời gian đang đuổi đi những ngày xưa cũ.

Nhìn lại những phim Việt mang đề tài tội phạm mà ta xem gần đây, điển hình nhất là phim truyền hình Người phán xử. Hầu hết thiếu sót của các phim là vẫn xoay quanh đổi mới tình tiết để mời gọi khán giả. Nhà làm phim và cả diễn viên vẫn còn xem thường sự biểu hiện tâm lý nhân vật của kẻ phản diện. Thể hiện “một màu” không đủ để người xem thấy quá hào hứng mà cảm thụ được không khí của phim. Sự hồi hộp bị cắt ngỡ ngàng bởi những thủ đoạn, mưu mô hay sự xảo quyệt chỉ là vật chết. Còn con người mới là thể sống, sự sinh động và là sinh khí của bộ phim mà không ra “hồn người”. Vậy thì thay đổi kịch bản đến mấy cũng vẫn là “bình mới rượu cũ”,  không thoát khỏi “lối mòn” bao năm nay của điện ảnh nước nhà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn