MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cho đến hiện tại, Phạm Hương được xem là hoa hậu có phần ứng xử trôi chảy nhất.

“Ám ảnh” chuyện hoa hậu Việt thi ứng xử

Bích Hà LDO | 12/11/2017 07:48
Mỗi mùa hoa hậu qua đi, không thiếu những chuyện “cười ra nước mắt” của các người đẹp khi thi ứng xử.

Ứng xử luôn là phần thi được khán giả quan tâm đặc biệt trong các cuộc thi nhan sắc. Đây là phần thi có thí sinh ghi điểm bởi vẻ đẹp trí tuệ nhưng cũng có người mất điểm vì câu trả lời ngô nghê.

Lắm chuyện bi-hài

Hoa hậu Đại dương 2017 vừa kết thúc, ngoài những chuyện lùm xùm liên quan đến nghi án mua giải, chọn người từng phẫu thuật thẩm mỹ đăng quang, cuộc thi còn được nhắc tới bởi những phần thi ứng xử “khó đỡ” của top 5.

Trong đó, cô gái 21 tuổi đến từ Bạc Liêu có tên là Võ Ngọc Lụa đã khiến khán giả cười ngất với câu trả lời: “Nếu trở thành hoa hậu sẽ đi… vòng vòng xóm”.

Cụ thể, khi nhận được câu hỏi từ Hoa hậu Ngô Phương Lan: Nếu đăng quang ngôi vị cao nhất của cuộc thi, sẽ làm gì để truyền đi thông điệp về bảo vệ biển, thí sinh Ngọc Lụa ấp úng đáp: "Nếu hôm nay em may mắn trở thành tân Hoa hậu Đại dương 2017 thì đầu tiên em sẽ trở về nhà ôm cha mẹ mình một cái.

Việc tiếp theo là em sẽ đi vòng vòng xóm của em dạy mấy đứa nhỏ cách nhặt rác thế nào, dạy những đứa bé đó cách bảo vệ môi trường không được xả rác bừa bãi. Em cũng sẽ kêu các bạn đồng trang lứa chung tay bảo vệ môi trường".

Câu trả lời của Ngọc Lụa gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Người cho rằng cô quá thật thà, người mỉa mai “chân dài, não ngắn” để nói về mối liên hệ giữa sắc đẹp và trí tuệ không song hành cùng nhau.

Ở mùa giải đầu tiên, cuộc thi Hoa hậu Đại dương cũng gây sự chú ý bởi câu trả lời “mở giàn khoan” của một thí sinh. Không chỉ cuộc thi này, “thảm họa” ứng xử xảy ra ở các cuộc thi người đẹp, hoa hậu không phải là chuyện lạ, từ cuộc thi cấp quốc gia như Hoa hậu Việt Nam đến những cuộc thi cấp khu vực, tỉnh, thành. Đây cũng là phần thi được coi là đáng sợ nhất, hao tổn tâm sức nhất của các người đẹp Việt, cũng là phần thi khiến khán giả “đau tim nhất”.

Những ai thường xuyên theo dõi các cuộc thi sắc đẹp chắc vẫn không quên màn ứng xử “bất hủ” với câu nói “Em mơ ước trở thành chim, hí hí…” của thí sinh Vũ Thúy Vy tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 1999.

Có những thí sinh, dù được đánh giá rất cao, nhưng vì phần thi ứng xử mà tuột mất cơ hội. Nhiều người còn nhớ Đào Thị Hà - cô gái gây ấn tượng tại Hoa hậu Việt Nam 2016 bởi ngoại hình đẹp và nụ cười "tỏa nắng". Dù được đánh giá cao, cô gái xứ Nghệ chỉ vào top 5 chung cuộc, để lại tiếc nuối, vì màn ứng xử ấp úng, lắp bắp của mình.

Hay người đẹp Nguyễn Thị Loan cũng từng khiến hàng triệu khán giả “giật mình” khi trả lời: “Hà Nội là “liềm” tự hào trong em…!”. Cho đến hiện tại, mỗi khi nhắc lại giây phút đó, Nguyễn Thị Loan vẫn run và ám ảnh.

Phần trả lời ứng xử của thí sinh Hoa hậu Đại dương 2017 đã khiến nhiều khán giả tranh cãi.

Thi ứng xử như “trả bài”

Phần thi ứng xử không chỉ là nỗi ám ảnh của thí sinh mà thường xuyên trở thành nỗi lo lắng và áp lực lớn nhất của BTC các cuộc thi sắc đẹp. Nếu như các thí sinh của hoa hậu thế giới đều gần như "tay bo" trên sân khấu với câu hỏi hoàn toàn ngẫu nhiên, thì ở Việt Nam, BTC sẽ chuẩn bị sẵn “ngân hàng câu hỏi” và câu trả lời để thí sinh ôn tập trước.

Có điều khi đứng trên sân khấu, trước áp lực khán giả, các người đẹp quên hết “văn vở” và bắt đầu nói những câu không ra đầu ra cuối. Bởi để có kiến thức cần phải học tập, tích lũy trong cả một quá trình, chứ không thể có được bằng cách “học vẹt” câu trả lời.

Năm 2016 từng xảy ra tranh luận gây gắt về phát ngôn “thấy nhục khi xem hoa hậu” của đạo diễn Lê Hoàng. Sở dĩ ông có cảm giác này là vì phần thi ứng xử của các cuộc thi nhan sắc liên tục lặp lại những câu hỏi giống nhau, chẳng hạn như “đăng quang sẽ làm gì” và thí sinh cũng trả lời những câu giống nhau.

Đặc biệt, với các câu hỏi về đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, ai cũng trả lời là “sự hy sinh”. Vì cuộc thi nhan sắc Việt quá "nghèo" câu hỏi ứng xử, nên có mấy câu cũ đem ra hỏi đi hỏi lại, còn thí sinh cũng "nghèo" kiến thức, chỉ lên ứng xử theo kiểu "rập khuôn", "trả bài".

Thi hoa hậu bây giờ tôn vinh điều gì?

Nhiều người đã đưa ra câu hỏi này sau khi các cuộc thi nhan sắc kết thúc. Phần thi ứng xử tượng trưng cho vẻ đẹp trí tuệ, nhưng hiếm thí sinh nào có phần thi ứng xử trôi chảy, khiến khán giả thỏa mãn. Còn về nhan sắc, mấy năm gần đây, hầu như cuộc thi nào kết thúc cũng xảy ra tranh cãi, tân hoa hậu bị chê xấu.

Các cuộc thi hoa hậu luôn có tiêu chí người đẹp đăng quang sẽ là đại diện sắc đẹp cho quốc gia, quảng bá vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam, con người, văn hóa Việt Nam ra bạn bè quốc tế. Nhưng đến nay, rất ít người đẹp sau đăng quang làm được điều đó, mà đọng lại chỉ là những scandal, thị phi vây quanh họ mỗi ngày.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều cuộc thi hoa hậu lớn nhỏ trên toàn quốc cũng đồng nghĩa với việc số người đẹp đạt danh hiệu bước ra từ đó càng nhiều. Nếu trước kia, ngôi vị hoa hậu thể hiện sự cao sang, tôn vinh vẻ đẹp học thức, nhân cách, thì vài năm trở lại đây, hoa hậu Việt lại luẩn quẩn trong vòng vây của những thị phi. Vì lợi nhuận, nhà tổ chức cũng không quan tâm đến chất lượng thí sinh, mà cốt chỉ tìm cho đủ người để vào đêm chung kết…

Vì sao người đẹp Việt thi ứng xử kém? Một trong nhiều lý do: Vì các nhan sắc của chúng ta chưa được trang bị kỹ năng giao tiếp trước đám đông, nhất là khả năng thuyết trình, hùng biện ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Hơn nữa, những cuộc thi nhan sắc bây giờ cũng chỉ là những game show giải trí. Nhất là bây giờ, danh hiệu, vương miện phút chốc đã thay đổi cả cuộc đời của một cô gái trẻ, để cô gái ấy phải gánh trên vai một sứ mệnh mới quá nặng nề so với tuổi đời của cô. Không phải vô lý, khi nhiều khán giả đưa ra kiến nghị nên dẹp bớt những cuộc thi nhan sắc đi, vì ngày càng nhạt nhẽo và vô bổ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn