MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà Nghiên cứu Huế - Nguyễn Đắc Xuân trong một lần điền dã tại ngôi Miếu Đôi làng Dã Lê Chánh. Ảnh: Trung Hiếu

Ẩn tình ngôi Miếu Đôi làng Dã Lê Chánh

Nguyễn Trung Hiếu (thực hiện) LDO | 10/09/2023 07:45

Người dân làng Dã Lê Chánh (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang chuẩn bị lễ giỗ Vua Quang Trung lần thứ 231 tại ngôi Miếu Đôi trong làng. Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa Huế (Hội) dự kiến sẽ tổ chức buổi tọa đàm khoa học về ngôi Miếu Đôi. Nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân - Chủ tịch Hội - người góp phần phục dựng lại tài liệu lịch sử của di tích này đã có cuộc trao đổi với PV Báo Lao Động.

Miếu Đôi làng Dã Lê Chánh xây dựng đời Minh Mạng, qua tra cứu, sưu tầm tư liệu và điền dã, có thể xác định nhân dân trong vùng thờ cúng vị anh linh nào và họ có công trạng gì với đất nước, thưa ông?

- PGS.TS Đỗ Bang và thầy giáo Trần Viết Điền trong nhiều chuyến điền dã, sưu tập trước đây, chắt lọc từ chuyện kể của người làng Thanh Thủy Chánh đăng trong sách Những khám phá về hoàng đế Quang Trung, xác định rằng, tại đây lưu giữ 2 vò “hoa cái - xương sọ” của hai vua Thái Đức và Quang Trung.

Thông tin của con cháu cụ Nguyễn Đắc Đạo - Phó vệ úy triều Nguyễn kể lại, sau ngày thất thủ Kinh đô, cụ cố xác nhận việc này là có thật. Cụ Nguyễn Đắc Đạo là một võ quan Triều Nguyễn, chứng kiến sự kiện táng 2 vò “hoa cái” ở Miếu Đôi trong cuộc chạy loạn giặc Pháp của triều đình ra phía Bắc. Cho nên thông tin trên phù hợp với sự kiện mà ông Đỗ Bang và ông Trần Viết Điền viết về Miếu Đôi qua lời kể của người làng Thanh Thủy Chánh.

Chúng tôi ủng hộ làng Dã Lê Chánh thờ phụng 2 ngài Thái Đức và Quang Trung. Trong tọa đàm khoa học Hội chúng tôi đã kết luận công việc của chúng tôi giúp cho làng các tư liệu lịch sử, còn việc nghiên cứu để xác nhận Miếu Đôi là di tích lịch sử là việc của cơ quan văn hóa, lịch sử, của chính quyền.

Có ý kiến cho rằng, Miếu Đôi làng Dã Lê Chánh thờ phúc thần, thiên thần… không phải được xây dựng để thờ “hoa cái” các vị vua Tây Sơn, ông có bình luận gì không?

- Ngôi miếu này cách cầu ngói Thanh Toàn chỉ 2km. Hội bắt đầu khảo sát Miếu Đôi làng Dã Lê Chánh và nhận thấy Miếu Đôi khang trang, uy nghiêm; trên Miếu Đôi không có bất cứ một chữ hoặc trang trí, hoành phi, câu đối. Điều này khác lạ với tất cả các miếu thờ lớn nhỏ trong làng thường có bia biển nói về công đức người được thờ tại miếu.

Hội đã khảo sát các Miếu Đôi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho kết quả: Miếu Đôi ở thôn An Cựu Nhất thờ Âm hồn và Phúc thần; Miếu Đôi ở làng Thanh Thủy Chánh là nơi thờ hai vị “Lang lại nhị đại tướng quân”, đã bị hủy trong chiến tranh; Miếu Đôi ở làng Phước Tích thờ ngài khai canh và ngài Tổ nghề gốm. Không có Miếu Đôi nào ẩn danh người thờ như Miếu Đôi làng Dã Lê Chánh.

Ngoài hiện tượng ẩn danh, Hội còn tìm thấy những gì để xác định tầm quan trọng của ngôi Miếu Đôi và xác định rằng, đó là nơi bí mật gìn giữ một phần di thể của vua Thái Đức và Quang Trung?

- Đại diện các dòng họ làng Dã Lê Chánh họp tại đình làng để cung cấp thông tin về các vò “hoa cái” của vua Thái Đức và Quang Trung táng ở khu vực Miếu Đôi theo truyền khẩu của tiền nhân.

Khảo sát cho thấy, Miếu Đôi được “tạo lập” từ năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Cuối năm Duy Tân thứ 5 (1912) được trùng tu thờ người ẩn danh. Vì giữ bí mật nhân thân của anh linh, từ thời các vua Nguyễn còn trị vì, cho nên trên miếu và văn sớ của làng từ xưa đến nay không có bất cứ một một dòng, một chữ nào liên quan đến hai bậc anh linh trên. Những lần lễ bái ở Miếu Đôi chỉ khấn nguyện các anh hùng có công với đất nước chứ không biết rõ những anh hùng đó là ai. Tuy vậy, Miếu Đôi vẫn được giữ gìn, chăm sóc chu đáo trên 100 năm qua.

Xét về hiện tượng vật thể và phi vật thể chúng ta thấy người thờ bí mật ở Miếu Đôi có những đặc điểm sau: Thứ nhất, những người được thờ có công trạng lớn nhất so với tất cả các nhân thần của làng Dã Lê Chánh; Thứ hai, hiện tượng 2 miếu lớn nhỏ chứng tỏ 2 người được thờ ở Miếu Đôi là anh em; Thứ ba, tuyệt đối giữ bí mật với triều Nguyễn và dân làng; Thứ tư, không biết rõ những người được thờ ở Miếu Đôi nhưng dân làng Dã Lê Chánh truyền đời săn sóc, bảo vệ, giữ bí mật của Miếu Đôi một cách trân trọng nhất.

Xét những hiện tượng lạ ở Miếu Đôi làng Dã Lê Chánh với thông tin do nhà sử học Đỗ Bang đưa ra chúng tôi thấy hai anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ được thờ ở Miếu Đôi là rất có lý.

Tuy vậy, một sự kiện lịch sử ba, bốn trăm năm không được nghiên cứu mà chỉ căn cứ trên hiện tại để đi đến kết luận rất dễ sai lầm. Vì vậy Hội đồng tình với việc làng Dã Lê Chánh thờ cúng 2 vua Thái Đức và Quang Trung theo truyền thống “thương dân, dân lập đền thờ”. Làng Dã Lê Chánh đã tích cực tu sửa Miếu Đôi và làm một số việc chuẩn bị lễ giỗ vua Quang Trung lần thứ 231 sắp tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn