MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh phim “Song Lang” - Bông sen vàng Liên hoan phim quốc gia 2019. Ảnh do ĐLPCC cung cấp. Ảnh: P.V

Ấn tượng Điện ảnh 2019

Việt Văn LDO | 30/12/2019 09:22

Năm 2019 khá sôi động với điện ảnh Việt và có nhiều chuyện để nói, từ sáng đến tối, từ những scandal lùm xùm như “đường lưỡi bò” trên phim hoạt hình Mỹ, vụ phim “Ròm” vi phạm Luật điện ảnh, thắng lợi ở Busan, vụ phim “Vợ Ba” bị phản ứng khi có diễn viên 13 tuổi đóng cảnh “nóng” đến hàng loạt phim Việt ra rạp, chạy đua doanh thu phòng vé, cuối năm còn ồn ào với “Chị chị em em”, “Mắt biếc”... Năm 2019 cũng là năm có Liên hoan phim quốc gia - sự kiện điện ảnh 2 năm một lần…

Luật Điện ảnh cần sửa đổi

Hai vụ “xì căng đan” nổi cộm đặt lại vấn đề cần cải tổ về cơ chế và hội đồng kiểm duyệt phim chính là vụ bản đồ “lưỡi bò” được “cài cắm” tinh vi trong phim hoạt hình “Everest, người tuyết bé nhỏ” và phim truyện “Ròm” của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy vi phạm Luật điện ảnh, lại đoạt giải “New Currents” của LHP quốc tế uy tín Busan (Hàn Quốc) lần thứ 24 - một trong những LHP có vị thế hàng đầu Châu Á.

Giờ đây khi bụi thời gian lắng xuống, nhìn tĩnh lại thấy mọi sự không đơn giản như thế. Vì sao “Everest, người tuyết bé nhỏ” ra mắt trên 20 nhà báo, chiếu cả tuần liền không ai phát hiện ra, cho đến cả người nào tinh đến mức nhìn ra cảnh nguy hiểm đó chỉ vài chục giây. “Ném đá” tơi bời Hội đồng duyệt phim theo kiểu vùi dập cũng không nên, đó là tai nạn nghề cần rút kinh nghiệm sâu sắc, chứ chẳng ai cố tình để lọt lưới “lưỡi bò”. Vụ “Điệp vụ biển đỏ” trước đó lại bị lờ đi, trong khi vi phạm rõ mồn một hơn nhiều.

Còn vụ phim “Ròm” chưa có giấy phép phổ biến phim của Cục điện ảnh, và nhà sản xuất có quốc tịch nước ngoài nhưng không đưa kịch bản thẩm định, đoạt giải ở Busan có nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng cũng cần đặt ra câu hỏi nếu phim không bị vi phạm, liệu Busan có trao giải không? Bởi LHP Busan “thích” những gì gai góc, ngược chiều, kể cả đi ngược lại quan điểm chính thống.

Trước đó thì “Vợ Ba” của nữ đạo diễn Ash Mayfair (Nguyễn Phương Anh) sau khi chinh chiến trời Tây, về nước chiếu lập tức đã tạo “sóng” dư luận, vì có diễn viên chính 13 tuổi đóng cảnh “nóng” trong phim. Cục bảo vệ trẻ em và nhiều cơ quan khác, nhiều cá nhân, kể cả đại biểu quốc hội cũng lên tiếng phản ứng, cho đó là vi phạm quyền trẻ em. Nhưng một số không ít cho rằng đó là sự thiển cận, áp đặt vì nghệ thuật không phải là cuộc đời, và mẹ cô bé đã đồng ý. Ngoài ra, kịch bản “Vợ Ba” gửi đi Cục điện ảnh giám định cũng khác với bộ phim, và ngay bản phim duyệt ở nhà với bản phim đi nước ngoài cũng khác.

Tất cả cho thấy đã đến lúc Luật Điện ảnh ngày càng bộc lộ những hạn chế, bất cập cần có những sửa đổi, điều chỉnh để phù hợp với tốc độ phát triển điện ảnh. Đã có những hội thảo lấy ý kiến về Luật Điện ảnh (sửa đổi) và hy vọng nó có hiệu lực vào sớm 2020. 

Chỉ có phim hay, phim dở

Việc vinh danh các tác phẩm tại Liên hoan phim quốc gia 21 tại Vũng Tàu cho thấy xu hướng nghệ thuật và thị trường, Nhà nước và tư nhân, tất cả cùng song hành tiến bước, tạo ra một nền điện ảnh Việt Nam của “những dòng sông đều chảy”.

Thoạt nhìn thì “Song Lang” của Leon Quang Lê là phim nghệ thuật, còn “Cua lại vợ bầu” của Nhất Trung, “Hai Phượng” của Ngô Thanh Vân đều là phim công phá phòng vé, tạo doanh thu “khủng”. Nhưng xét đến cùng thì thời nay làm gì còn rạch ròi nghệ thuật và thị trường.

Làm phim ai chẳng muốn có khán giả và muốn có thì phim phải hay. Bỏ cả đống tiền, thậm chí gán nợ cả nhà đề làm phim mà thị hiếu khán giả Việt “chả biết đâu mà lần”, lắm lúc thất thường “như nắng, như mưa”, nhà sản xuất làm phim quá dũng cảm mới nhảy vào lĩnh vực này.

Nên khái niệm phim hay, phim dở thì đúng hơn. Năm qua, một loạt phim Việt ra rạp và rơi cảnh “thê thảm”. Có nhà sản xuất còn lên Facebook kêu gọi “giải cứu phim”. Chết, sao làm dở lại bắt người ta bỏ tiền đi xem, mua sự khó chịu vào người, trong khi bao món ngon khác thừa mứa kia.

Chỉ số ít trụ lại, thậm chí thắng đậm, minh chứng cho quy luật ở lĩnh vực nào thành phần tinh túy cũng chỉ chiếm khoảng 20%.

Trẻ đang lên

“Đả nữ” Ngô Thanh Vân đang nổi lên như một gương mặt sáng giá cho điện ảnh Việt, vừa làm diễn viên, vừa làm nhà sản xuất. Ngoài “Hai Phượng” đình đám năm 2019, chị còn là nhà sản xuất của một “Song Lang” đầy chất nghệ thuật và thực sự “vô đối” trong cuộc đua Bông sen vàng.  Bước đường sự nghiệp của Ngô Thanh Vân rất bài bản, vững chắc của một tầm nhìn xa.

Ngô Thanh Vân cũng là cái tên nằm trong số đạo diễn trẻ đang nổi lên mấy năm gần đây. Từ Vũ Ngọc Phượng (“12 chòm sao, vẽ đường cho yêu chạy” cho đến “100 ngày bên em”, “Anh trai yêu quái”) cho đến Trịnh Đình Lê Minh (“Thưa mẹ, con đi), Leon Quang Lê (“Song Lang”)… Và một số các bạn trẻ khác làm phim độc lập, dù không phải tất cả đều đi đúng hướng nhưng vẫn có một số gương mặt mới đầy triển vọng, có những sáng tạo mới mẻ, tham dự các LHP quốc tế. Cái tên được nhắc nhiều gần đây là Phạm Ngọc Lân.

Điện ảnh Việt bước vào năm 2020, với những niềm hy vọng mới…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn