MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Màn trống khai hội lễ hội đền Trần Thái Bình 2024 đặc sắc với sự góp mặt của 175 tay trống, tượng trưng cho 175 năm vương triều nhà Trần hưng thịnh. Ảnh: Trung Du

Ấn tượng lễ khai mạc Lễ hội đền Trần Thái Bình 2024

TRUNG DU LDO | 23/02/2024 06:03

Thái Bình - Từ 20h tối ngày 22.2 (tức ngày 13 tháng Giêng), tại Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt đền thờ và lăng mộ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), UBND tỉnh Thái Bình long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội đền Trần xuân Giáp Thìn 2024.

Lễ khai mạc với chủ đề "Hào khí Đông A - Tiếng vọng ngàn năm" thu hút hàng nghìn người dân địa phương, du khách thập phương, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo từ Trung ương đến các địa phương về dự.

Dù trời mưa nhỏ nhưng hàng nghìn người vẫn không quản đường sá xa xôi về dự khai mạc lễ hội đền Trần 2024. Ảnh: Trung Du

Phát biểu khai mạc lễ hội, bà Trần Thị Bích Hằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Trưởng ban Chỉ đạo tổ chức lễ hội đền Trần Thái Bình xuân Giáp Thìn 2024 - khẳng định: "Tự hào là nơi phát tích của vương triều Trần, từ nhiều thập kỷ qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình đã chú trọng triển khai các hoạt động thiết thực để tôn vinh những giá trị đặc biệt của các di sản văn hóa thời Trần trên quê hương, đồng thời tiếp tục khẳng định, nâng cao vị thế của lễ hội, đáp ứng nhu cầu tâm linh của các tầng lớp nhân dân.

Việc tổ chức lễ hội thường niên đã, đang và sẽ phát huy giá trị văn hóa, lịch sử; tạo ra sức bật mới, góp phần xây dựng quê hương Thái Bình ngày thêm xứng tầm với truyền thống, ngang tầm với thời đại".

Bà Trần Thị Bích Hằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình phát biểu tại lễ khai mạc lễ hội đền Trần 2024. Ảnh: Trung Du

"Lịch sử đã chọn vùng đất Hưng Hà - Thái Bình địa linh nhân kiệt, nơi phát tích dựng nghiệp của nhà Trần; vì vậy, Di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần tại Hưng Hà, Thái Bình có vị trí quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam - nơi hội tụ những giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa vô cùng quý giá.

Điều đó cần được trân trọng, giữ gìn và phát huy, trở thành bản sắc văn hóa, niềm tự hào của dân tộc; trở thành địa chỉ giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho các thế hệ người dân Việt Nam, điểm đến hấp dẫn về du lịch văn hóa tâm linh ngày càng lan tỏa, thu hút đông đảo đồng bào, du khách của cả nước và bạn bè quốc tế", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh.

Tái hiện về các khoa thi cử ở triều đại nhà Trần. Ảnh: Trung Du

Vùng đất Long Hưng xưa, Hưng Hà nay là nơi phát tích, dựng nghiệp vương triều Trần, nơi chứa đựng những dấu ấn lịch sử, gắn chặt với triều đại nhà Trần, là nơi gia tộc nhà Trần dấy nghiệp, cũng là nơi yên nghỉ của các liệt tổ nhà Trần.

Kể từ khi khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần được phục dựng và tôn tạo, lễ hội đền Trần đã được khôi phục và duy trì theo đúng định lệ cổ truyền. Lễ hội có nhiều lễ thức cổ truyền mang đậm tính nhân văn cùng những trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống có cội nguồn từ thời Trần được duy trì nghiêm cẩn và bền vững.

Tái hiện cảnh trồng lúa nước, sản xuất nông nghiệp gắn với đắp đê bảo vệ mùa màng ở thời nhà Trần. Ảnh: Trung Du

Lễ hội đền Trần Thái Bình tại Di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần diễn ra từ ngày 13 - 17 tháng Giêng hàng năm là hoạt động văn hóa tâm linh tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước, mang đậm giá trị nhân văn, dấu ấn văn hóa, có ý nghĩa lịch sử lớn lao, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, thể hiện nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất, con người Thái Bình.

Tái hiện cảnh vua Trần và Thái sư Trần Thủ Độ bàn bạc đối sách đánh quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất năm 1258. Ảnh: Trung Du

Năm 2014, khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt; lễ hội đền Trần của tỉnh Thái Bình được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tháng 9.2021, quần thể khu di tích đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tổng thể với diện tích 195,01 ha.

Nhân dân, du khách ra về sau khi lễ khai mạc kết thúc. Ảnh: Trung Du

Trong buổi lễ khai mạc, đông đảo nhân dân địa phương, du khách thập phương đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật với màn trống hội "Long Hưng - Tôn miếu triều Trần", vở diễn bán thực cảnh kết hợp trình diễn 3D Mapping "Hùng oanh một cõi trời Nam" gồm 4 chương.

Ngay sau chương trình khai mạc, các vị đại biểu đã dự lễ bái yết tại sân tòa trung tế đền Vua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn