MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NTK Huệ Thi mang ẩm thực đặc trưng của Quảng Nam lên áo dài. Ảnh: Ban tổ chức

Áo dài cần có danh vị để trở thành một thương hiệu văn hóa

Anh Trang LDO | 05/01/2024 09:31

Nhiều nhà thiết kế thời trang áo dài đã có những chia sẻ về ý tưởng, chất liệu sáng tạo trang phục này trong tương lai, đồng thời họ cũng nói lên nỗi niềm, trăn trở để biến áo dài trở thành một thương hiệu văn hóa.

Áo dài cần một ngôi vị danh chính ngôn thuận

Hàn Quốc đã biến trang phục hanbok thành biểu tượng văn hóa và xa hơn là thương hiệu văn hóa. Trang phục hanbok được đưa vào các khu du lịch để vừa quảng bá, vừa có thể mở dịch vụ kinh doanh. Ở Việt Nam, áo dài được coi là biểu tượng văn hóa, tuy nhiên, áo dài chưa được công nhận là quốc phục, hay có một “ngôi vị”, danh vị cụ thể.

Chia sẻ với Báo Lao Động ngày 4.1, NTK Minh Hạnh nói: “Xưa nay, áo dài đã là một sản phẩm của thời trang. Ở Việt Nam, hầu hết mỗi người sẽ có một chiếc áo dài từ nam tới nữ hay trẻ con. Điều này, chứng tỏ thị trường rất tiềm năng và người Việt Nam rất yêu thích trang phục truyền thống.

Ngoài ra, điều này còn thể hiện việc, trong tiềm thức, trong trái tim của mỗi người Việt Nam đều coi áo dài là di sản.

Tuy nhiên, phải nói thẳng rằng, tại sao đến giờ này, áo dài chưa có được sự công nhận nào bằng văn bản, chưa có được sự thừa nhận “danh chính ngôn thuận” để trở thành di sản của Việt Nam? Đó là câu hỏi tôi rất trăn trở bấy lâu nay. Bởi khi áo dài trở thành di sản thì mọi người sẽ yêu quý, tôn trọng nhất định cho áo dài”.

Theo NTK Minh Hạnh, các nhà thiết kế chỉ là mắt xích kết nối với nhau để khơi dậy sáng tạo, đổi mới, duy trì thiết kế áo dài... Thế nhưng để có một môi trường phát triển đúng nghĩa thì cần phải có quy định rõ nét để thị trường áo dài phát triển bền vững, trở thành thương hiệu văn hóa của Việt Nam.

Thị trường của áo dài

NTK Huỳnh Bảo Toàn chia sẻ với phóng viên Lao Động: “So với thời điểm trước suy thoái kinh tế, hiện tại, doanh thu bán áo dài thương hiệu của tôi đã giảm 70%. Chúng tôi đang cố gắng duy trì để đi qua thời điểm khó khăn. Nhưng tương lai không biết, sẽ như thế nào bởi theo tôi được biết, khó khăn vẫn còn đang ở phía trước”.

Áo dài được mặc quanh năm trong nhiều dịp khác nhau, thế nhưng những ngày giáp Tết là thời điểm mà áo dài được nhiều người chưng diện và tìm mua hơn cả. Theo xu thế chung, thì thị trường áo dài sẽ trở nên sôi động hơn những ngày giáp Tết Nguyên đán.

Nhưng NTK Thanh Thúy (tỉnh Điện Biên) cho hay: “Với tôi, tiềm lực kinh tế của áo dài được phân bổ đều trong năm. Bởi, mỗi thương hiệu sẽ hướng tới đối tượng khách hàng khác nhau.

Mỗi khi có ý tưởng mới dựa trên sự tìm hiểu về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, tôi sẽ cho ra các mẫu áo dài phù hợp xu hướng và được mọi người đón nhận. Nhất là áo dài gắn liền với văn hóa vùng miền như: Điện Biên, Tây Bắc, Huế... đều được mọi người yêu thích”.

Theo NTK Thanh Thúy, miếng bánh thời trang đang bị chia nhỏ. Ở phân khúc thời trang áo dài có giá thành bình dân, trung bình rất nhiều nên tính cạnh tranh càng lớn. Nhà thiết kế Thanh Thúy phải cân nhắc nhiều về bài toán kinh tế giữa đầu tư, sản xuất với doanh số.

“Tôi muốn những người thợ, người nghệ nhân khi làm việc cho mình phải có một nguồn thu nhập xứng đáng và ổn định” - NTK Thanh Thúy bộc bạch.

Trong bài toán kinh tế của NTK Thanh Thúy, cô sử dụng nguyên liệu hoàn toàn trong nước. Nguyên liệu sản xuất ở nước ngoài, cụ thể là từ Trung Quốc giá thành sẽ rẻ hơn rất nhiều. Nhưng khách hàng của cô là những người có sự am hiểu về thời trang nên cô không muốn đi “đường tắt”. Sự cân bằng về giá cả là bài toán kinh doanh để thương hiệu áo dài thời trang của NTK Thanh Thúy có được tệp khách hàng trung thành. Cô mong muốn, khách hàng cảm thấy hài lòng với số tiền bỏ ra khi mua áo dài và họ sẽ quay lại nhiều lần sau.

Trong thời điểm suy thoái kinh tế, các nhà thiết kế thời trang áo dài cho biết, họ phải tìm cho mình con đường riêng để duy trì thương hiệu đi qua thời điểm khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn