MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Áo dài Huế từ sản phẩm văn hoá đến công nghiệp văn hoá. Ảnh: Phan Thanh Hải

Áo dài Huế - Từ sản phẩm văn hoá đến công nghiệp văn hoá

Hoàng Văn Minh LDO | 24/11/2021 09:53

Áo dài Huế là một sản phẩm văn hoá. Và áo dài Huế đang được định hình, hướng đến là một sản phẩm công nghiệp văn hoá để phục vụ du lịch.

Không chỉ phục hưng truyền thống văn hoá

“Chúng tôi luôn kiên định quan điểm đây là một đề án dài hơi, không chỉ nhằm phục hưng một truyền thống văn hóa, một di sản của cố đô Huế mà còn góp phần thiết thực để hỗ trợ ngành du lịch dịch vụ phát triển” - TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn Báo Lao Động về đề án xây dựng “Huế - Kinh đô áo dài”.

Áo dài Huế từ sản phẩm văn hoá đến công nghiệp văn hoá. Ảnh: Phan Thanh Hải

Theo ông Hải, Cố đô Huế là địa phương đang nỗ lực triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên nền tảng của di sản, văn hóa và bảo vệ bản sắc Huế.

Các ngành công nghiệp văn hóa trong đó điện ảnh, thiết kế, thời trang, thủ công mỹ nghệ truyền thống, du lịch văn hóa là những ngành trọng tâm. Áo dài là sự kết hợp tổng hợp của các lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, thiết kế, thời trang, lại là sản phẩm phục vụ trực tiếp cho du lịch văn hóa nên đặc biệt được xem trọng.

Bản thân “Áo dài Huế” đã là một thương hiệu nổi tiếng, một sản phẩm du lịch dịch vụ rất được ưa thích. Đó là một trong những lý do để lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao cho Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, xây dựng đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”. Và đề án này đang được triển khai mạnh mẽ, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng khắp đến cộng đồng các tầng lớp nhân dân.

Cố đô Huế là nơi sản sinh ra chiếc áo dài ngũ thân từ đầu thế kỷ XVII, được nâng lên thành quốc phục của người Việt Nam dưới thời Nguyễn. Sau Đổi Mới, thành phố Huế cũng là nơi đầu tiên khôi phục và đưa áo dài nữ vào học đường, công sở, để từ đó lan tỏa ra toàn quốc.

Và từ năm 2020, Huế lại một lần nữa đóng vai trò tiên phong trong việc phục hồi và đưa áo dài nam vào công sở, tạo ra hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ, ngày càng lan tỏa tích cực trong cộng đồng.

Không hề đếm cua trong lỗ

TS Phan Thanh Hải cho rằng, biến áo dài Huế thành một sản phẩm công nghiệp văn hoá hóa hoàn toàn có tính khả thi. Bởi, Thừa Thiên Huế luôn có các chính sách, cơ chế phát huy nghề may đo áo dài truyền thống Huế để phục vụ những người có điều kiện, yêu chuộng sự cầu kỷ, tỉ mẩn, tài hoa của các nghệ nhân.

Chiếc áo dài theo đó không đơn thuần là sản phẩm may mặc mà là cả một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng giá trị văn hóa Huế. Nhưng, cũng phải hướng đến tạo dựng những sản phẩm công nghiệp phục vụ khách hàng đơn giản hơn nhưng lại chiếm số đông, có yêu cầu khác về tỷ lệ, hàm lượng thủ công và công nghiệp ở từng khâu sản xuất và từng sản phẩm.

Là một trung tâm du lịch lớn của đất nước với hàng triệu du khách viếng thăm mỗi năm, Huế không thể không công nghiệp hóa dây chuyền sản xuất sản phẩm để đáp ứng nhu cầu du khách.

“Năm 2019, thời điểm chưa có dịch COVID-19 và du lịch hoạt động bình thường, tỉnh Thừa Thiên Huế đón 4,9 triệu lượt khách. Chỉ lấy khiêm tốn con số khoảng 10% du khách đến Huế, mỗi người may một bộ áo dài thì Huế đã bán đươc 490.000 bộ áo dài. Chỉ tính trung bình mỗi bộ áo dài giá 1 triệu đồng thì đã có doanh thu 490 tỉ đồng.  

Hiện Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2030 sẽ đón 7 triệu lượt khách. Nếu nhân với các con số khiêm tốn tương tự thì sẽ có doanh thu trung bình mỗi năm là 700 tỉ đồng từ công nghiệp áo dài.

Đây không hề là chuyện đếm cua trong lỗ mà là con số hoàn toàn có thể xảy ra và cũng là con số rất lớn nếu biết rằng, tổng thu ngân sách của cả tỉnh Thừa Thiên Huế trong năm 2021 này cũng chỉ trên dưới 9.000 tỉ đồng”, ông Hải lạc quan.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn