MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Áo dài kết nối mỗi người, kết nối thế hệ. Ảnh: Facebook Đặng Ngọc Hân

Áo dài - tiềm lực lớn hơn cả một đại sứ du lịch

Mi Lan LDO | 06/01/2024 12:09

Chia sẻ với phóng viên Lao Động, các nhà thiết kế áo dài cho rằng, áo dài cần có ngôi vị danh chính ngôn thuận, cần một chiến lược bài bản để vừa là biểu tượng văn hóa, vừa là thương hiệu văn hóa.

Áo dài - hơn cả một đại sứ du lịch

NTK Minh Hạnh đã tham gia quảng bá áo dài ở nhiều chương trình ngoại giao, từng đứng ra tổ chức nhiều buổi trình diễn áo dài phục vụ quan khách quốc tế, chị kể: “Câu chuyện về áo dài luôn hấp dẫn và chất liệu tạo nên áo dài luôn là một ẩn số thú vị với thế giới. Cho đến nay, trước quốc tế, áo dài chưa bao giờ hết sức hút”.

Nhưng chúng ta chưa có kế hoạch, có chiến lược bài bản để biến áo dài trở thành một biểu tượng, xa hơn là một thương hiệu văn hóa, thương hiệu du lịch.

Nhà thiết kế Ngọc Hân lấy ví dụ từ việc Hàn Quốc đưa hanbok trở thành biểu tượng và thương hiệu văn hóa.

“Cách người Hàn quảng bá hình ảnh hanbok tốt tới mức, ai đến đây du lịch cũng muốn mua hanbok về làm kỷ niệm, hoặc thuê hanbok để mặc chụp ảnh “check in”. Đơn cử như việc, khi chúng ta đến thăm cung Gyeongbokgung. Gyeongbokgung là điểm đến trong hầu hết các tour du lịch ở Seoul. Vé vào tham quan cung điện Gyeongbokgung khoảng 3.000 won/vé. Nhưng nếu các du khách đến đây đồng ý thuê và mặc trang phục truyền thống hanbok để vào thăm cung điện Gyeongbokgung sẽ được miễn phí vé vào cửa”- Ngọc Hân kể.

Việc đưa hình ảnh áo dài, khuyến khích mặc áo dài ở những địa điểm du lịch giàu dấu ấn lịch sử, giàu giá trị di sản như Hoàng thành Thăng Long, vịnh Hạ Long, kinh thành Huế... cần được tổ chức nhiều hơn.

Theo đó, Ngọc Hân nói: “Chúng ta cũng có rất nhiều khu di tích lịch sử nổi tiếng, đơn cử như kinh thành Huế, Hoàng thành Thăng Long, hay ở những danh thắng di sản được cả thế giới biết đến như Hạ Long, Tràng An... nhưng chúng ta không mở những gian triển lãm áo dài, cho thuê áo dài, hay đặt ra những yêu cầu giống như cung Gyeongbokgung, rằng, nếu du khách thuê áo dài vào tham quan kinh thành Huế, sẽ được miễn phí vé ra vào, chẳng hạn vậy”.

Áo dài cũng cần những chiến lược quảng bá như thế. Các nhà thiết kế áo dài cho rằng, cần nhiều lĩnh vực cùng vào cuộc để “viết chuyện” và quảng bá áo dài.

Cần những MV ca nhạc, phim ảnh, bài hát, câu chuyện truyền cảm hứng để kể tiếp về sức nặng văn hóa, vẻ đẹp truyền thống, hình ảnh của người phụ nữ Việt qua thăng trầm thời gian đã làm nên tính biểu tượng cho tà áo như thế nào?

Bay trên tà áo dài mềm mại là sức mạnh văn hóa và tiềm lực kinh tế

Nhiều khách quốc tế và cả những người nổi tiếng thế giới khi đến Việt Nam đã bày tỏ tình cảm đặc biệt dành cho áo dài. Họ không chỉ yêu thích mặc áo dài chụp ảnh, còn mua áo dài như một món quà lưu niệm tặng bạn bè, người thân. Nhiều tuần lễ thời trang quốc tế đã mời áo dài Việt Nam đến trình diễn.

NTK Minh Hạnh khẳng định, tiềm lực kinh tế của áo dài là rất lớn. Cùng với hình ảnh áo dài lan tỏa, được yêu mến, còn là chất liệu vải truyền thống được dệt may, nhuộm màu thủ công rất đặc sắc của người Việt.

“Tôi từng đưa áo dài thổ cẩm, áo dài lụa tơ tằm, áo dài thêu tay thủ công... đến nhiều đêm diễn quốc tế, họ thực sự yêu thích và ấn tượng mạnh với vải truyền thống của người Việt. Nhiều khách quốc tế đã bày tỏ sự kinh ngạc trước vẻ đẹp tinh tế của thổ cẩm và cách người Mông, người Tà Ôi của Việt Nam dệt nên thổ cẩm” - NTK Minh Hạnh nói.

NTK Minh Hạnh từng giúp vải zèng, thổ cẩm trở nên nổi tiếng thế giới khi được thiết kế trên áo dài.

Thổ cẩm là chất liệu mang tính cá biệt đặc sắc, được dệt, nhuộm cầu kỳ, tinh tế. NTK Minh Hạnh cho rằng, với sự đặc sắc sẵn có, thổ cẩm là chất liệu thích hợp cho thời trang cao cấp. Với những chất liệu mang đậm bản sắc dân tộc của người Việt như thổ cẩm, lụa tơ tằm... vải truyền thống của người Việt có thể bước ra thế giới qua áo dài.

“Thêm vào đó, chất liệu vải truyền thống sẽ chính là một trong những tiền đề để phát triển ngành công nghiệp dệt may và công nghiệp thời trang như một ngành mũi nhọn của kinh tế trong tương lai.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã tạo ra dấu ấn từ chất liệu truyền thống như vải Kimono của Nhật, vai Batik của Malaysia, Dệt ren của Pháp, vải Sari Ấn Độ… và chất liệu cũng là biểu trưng đặc sắc dễ dàng nhận diện của một dân tộc, một đất nước” - NTK Minh Hạnh nói.

Chính vì thế con đường chinh phục thế giới vẫn đang mở ra với áo dài, với vải truyền thống của người Việt, điều chúng ta cần là những kế hoạch, chiến lược quảng bá bài bản, để vượt lên tầm vóc một đại sứ du lịch, áo dài sẽ trở thành một thương hiệu văn hóa đặc sắc của Việt Nam, trước thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn