MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghệ sĩ Bạch Long và Lê Hoàng thẳng thắn chỉ ra những điều cản trở cải lương phát triển. Ảnh: NSX.

Bạch Long và Lê Hoàng bàn chuyện tác quyền trong cải lương

ĐÔNG DU LDO | 18/01/2024 14:46

Tại "Kính đa chiều" trên VTV9, đạo diễn Lê Hoàng và nghệ sĩ Bạch Long cùng bàn luận về vấn đề "Tác quyền trong nghệ thuật cải lương". Nghệ sĩ Bạch Long buồn vì hiện nay, cải lương đang bị cản trở phát triển.

Tác quyền đang trở thành một trong những vấn đề “nhức nhối” của nghệ thuật cải lương hiện nay.

Trước kia, các đoàn hát cải lương thường tập hợp đầy đủ các thành phần trong một đoàn. Người viết các vở cải lương cũng nằm trong số đó, có thể là bất kì ai trong đoàn.

“Mỗi đoàn hát gần như họ đều có tác giả riêng, phong cách riêng và nghệ sĩ riêng. Đặc biệt, giữa các đoàn hát không có chuyện lấy tuồng tích của nhau”, Lê Hoàng nhận định.

Sau này, với sự phát triển, các tác giả chuyên nghiệp xuất hiện, họ không nằm trong đoàn hát. Họ viết tác phẩm, đoàn nào sử dụng thì trả tiền. Lúc đó, vấn đề tác quyền trong cải lương mới được đặt ra.

“Những ngày đầu của cải lương, tác quyền được sinh ra một cách tự nhiên và hồn nhiên”, Lê Hoàng và Bạch Long cùng thống nhất quan điểm.

Trước đây, tác quyền cải lương không được đặt nặng bởi người viết vốn là người của đoàn hát. Quan trọng hơn, những tác phẩm cải lương thời xưa chủ yếu được truyền miệng, ít mang tính văn bản.

“Điển hình như đoàn Minh Tơ của tôi ngày xưa, chúng tôi hát cương thôi. Có khi buổi tối chỉ cần bàn nhau hát cái gì, làm điệu bộ ra sao, đoạn này diễn thế nào. Vậy là lập thành văn, người này thuộc, người kia nhớ rồi truyền lại cho con cháu”, nghệ sĩ Bạch Long chia sẻ.

Câu hỏi được đặt ra là: “Ở những ngày đầu của cải lương, sự tranh chấp bản quyền có không và ở mức độ nào?”. Nghệ sĩ Bạch Long trả lời: “Trước đây không có việc tranh chấp vì các tuồng đều bằng văn bản miệng thì tranh chấp kiểu gì”.

Bên cạnh đó, các đoàn hát ngày xưa đều cố giữ cho mình một phong cách riêng với những tác phẩm tuồng độc bản.

Theo Bạch Long và Lê Hoàng, một trong những lý do thiết yếu khiến cải lương không phát triển mạnh được là do vấn đề tác quyền quá phức tạp.

“Có nhiều người giữ tác quyền các vở cải lương (ý nói các thế hệ con cháu của các soạn giả đã mất) hiện nay quá khó tính, thậm chí là ích kỷ, làm cho việc diễn cải lương đã khó nay càng khó hơn: Thà họ vứt (kịch bản/tuồng tích) đi, chứ xin hay mua thì đưa mức giá quá cao hoặc đòi hỏi điều kiện ngặt nghèo”, đạo diễn Lê Hoàng chua xót nói.

Là người trong cuộc, nghệ sĩ Bạch Long thừa nhận sự thật đau lòng này.

“Thực chất, những kịch bản đó cũng có phải của cha ông mình đâu, đều là vay mượn từ nước ngoài, chuyển thể lại thành của mình, để trong tủ mọt nó ăn mục nát hết rồi vì có ai hát đâu. Mấy nghệ sĩ trẻ hiện nay muốn hát lại thì gặp khó khăn để mua hoặc xin tác quyền...”, nghệ sĩ Bạch Long nêu ý kiến.

Học trò của Bạch Long từng bị đòi tới 15 triệu đồng tiền tác quyền để được diễn một tác phẩm dự thi ở trường với độ dài chỉ 10 phút.

Hiện nay, giới trẻ có phong trào phục hưng lại văn hóa truyền thống, trong đó có cải lương. Thế nhưng hành trình ấy lại không thuận lợi khi gặp vô vàn khó khăn. “Muốn phục hưng thì phải diễn lại, muốn diễn lại phải có tuồng tích, lại phải đi kiếm tuồng tích, tìm những người thừa kế để đàm phán bản quyền...”, Lê Hoàng chỉ ra điểm bất lợi.

Với Bạch Long, là người sống trong nghề cũng phải ngậm ngùi thừa nhận sự thật đau lòng này. “Những bạn trẻ vực dậy cải lương phải đi vay mượn những cái cũ vì đâu ai viết vở mới nữa. Nhưng lại bị một số người đang giữ tác quyền các vở diễn làm khó, không cho chỉnh sửa cho hợp thời”, Bạch Long cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn