MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bài thơ “Bắt nạt” gây tranh cãi và sự bế tắc của văn học trên sách giáo khoa

Mi Lan LDO | 13/10/2023 06:30

Bài thơ “Bắt nạt” của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh tiếp tục gây tranh cãi trên các diễn đàn. Bài thơ được cho là “thảm họa” khi đưa vào sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 6.

Tranh cãi nảy lửa quanh bài thơ “Bắt nạt”

Bài thơ “Bắt nạt” (trích trong tập thơ Ra vườn nhặt nắng) của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh được in trong sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 6 thuộc bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của Nhà xuất bản Giáo dục đang đứng trong tâm bão tranh cãi suốt mấy ngày nay.

Bài thơ này từng gây tranh cãi từ năm 2021, đến nay tiếp tục được “đào lại” và trở thành đề tài nóng trên nhiều diễn đàn.

Số đông ý kiến chỉ trích bài thơ tối nghĩa, chất thơ nghèo nàn, và việc đưa bài thơ này vào sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 6 là phản cảm.

Bài thơ có những đoạn bị chê tối nghĩa như: “... Vẫn không thích bắt nạt/ Vì bắt nạt rất hôi”, “Sao không ăn mù tạt/Đối diện thử thách đi/Thử kẻ yếu làm gì/ Sao không trêu mù tạt?”.... Nhiều phụ huynh cho rằng, bài thơ thể hiện nhà thơ bí từ, hình ảnh so sánh với “mù tạt” là thách thức với trẻ em sống ở nông thôn, miền núi – nơi ít ăn mù tạt, sẽ khó hình dung mù tạt là gì, và tại sao lại so sánh “bắt nạt” với “mù tạt”...

Bài thơ "Bắt nạt" gây tranh cãi nhiều lần. Ảnh: Chụp màn hình

Giữa muôn chiều ý kiến tranh cãi, tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh đã lên tiếng chia sẻ trên trang cá nhân, anh mong các bậc phụ huynh có thể đón nhận những “luồng gió mới” của văn chương hiện đại trên sách giáo khoa. Nhiều chuyên gia về văn học, các thầy cô dạy văn tại các trường cũng vào cuộc “thẩm lại” chất lượng bài thơ “Bắt nạt” và mong dư luận cho văn thơ hiện đại cơ hội bước vào sách giáo khoa để làm mới chương trình giảng dạy.

Bế tắc của văn chương đương đại

Tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh đã sáng tác hàng nghìn bài thơ từ khi tuổi còn rất trẻ, nhiều bài thơ của anh được ngợi khen.

Nguyễn Thế Hoàng Linh (sinh năm 1982) là tác giả tiểu thuyết “Chuyện của thiên tài”, từng gây nhiều tiếng vang trên văn đàn và đoạt giải của Hội Nhà văn.

Chọn một tác phẩm của Nguyễn Thế Hoàng Linh để đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 – nếu xét trên “hồ sơ cá nhân” của tác giả, cũng là xứng đáng. Chỉ đáng tiếc, “Bắt nạt” không phải là bài thơ đắt giá của Nguyễn Thế Hoàng Linh.

Trước đó, câu chuyện về sự sáo mòn, cũ kỹ trong giảng dạy môn Ngữ văn, ra đề thi môn Ngữ văn, từng được đề cập đến nhiều lần.

Đề thi về tác phẩm Vợ nhặt từng bị chê cũ. Ảnh: Chụp màn hình

Gần nhất, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, đề thi môn Ngữ văn liên quan đến tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân từng nhận phản ứng gay gắt, nhiều người dùng từ “tăm tối” để chỉ trích cách đưa tác phẩm “Vợ nhặt” vào đề thi tốt nghiệp.

Số đông cho rằng, đã nhiều năm trôi qua, nhưng cách ra đề văn vẫn quá cũ, cách dạy văn cũ kỹ, sách giáo khoa không đổi mới, quanh đi quẩn lại chỉ xoay quanh một vài tác phẩm văn học giai đoạn chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ... Đến nỗi, đề thi Ngữ văn đã trở nên quá dễ đoán, ai cũng có thể đoán trúng, ngay cả các ca sĩ.

Việc đổi mới về sách giáo khoa, cách giảng dạy và ra đề thi môn Ngữ văn đã được đề cập nhiều lần, thế nhưng, có một thách thức khác cũng phải bàn đến, đó là khoảng cách quá lớn về chất lượng giữa các tác phẩm văn học kinh điển thời kỳ 1945-1954 và văn chương hiện đại.

Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy đã viết về thế hệ những nhà văn, nhà thơ giai đoạn những năm 1940-1960 là thời kỳ rực rỡ của thi ca Việt Nam. Văn học Việt cùng lúc nở rộ nhiều tài năng với nhiều phong cách sáng tác phong phú, đa dạng, mỗi tác phẩm đều gây kinh ngạc văn đàn.

Cho đến nay, loạt tác phẩm của Thơ Mới, của dòng Văn học hiện thực phê phán... vẫn được xem là những tác phẩm kinh điển của giai đoạn rực rỡ bậc nhất trong văn chương Việt Nam.

Trong khi, văn học đương đại luôn bị đánh giá thiếu những cây viết tài năng, thiếu những tác phẩm xuất chúng, ở cả mảng thơ ca và tiểu thuyết.

Chia sẻ về sự việc, Hội nhà văn đông thành viên nhưng những tác phẩm chất lượng, gây tiếng vang lại rất ít và hiếm, nhà văn Hoàng Việt Hằng cho rằng: “Văn chương luôn cần độ lùi nhất định. Hiện thực có thể ngồn ngộn bày ra, nhưng phải cần có thời gian để nhà văn thẩm thấu và sáng tác, không thể nóng vội”.

“Đôi khi, văn chương rất khắc nghiệt. Ông trời cho viết mới viết được” – nhà văn Hoàng Việt Hằng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn