MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bài thơ cổ trước đây nằm trên vách núi nhưng giờ lại bị vùi dưới đất. Ảnh: Nguyễn Hùng

Bài thơ cổ núi Bài Thơ bị vùi dưới đất: Tạm đào nửa mét để xác minh ban đầu

Nguyễn Hùng LDO | 27/10/2021 17:23

Quảng Ninh - Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Quảng Ninh đã cho đào xuống sâu khoảng nửa mét để xác định xem một phần nội dung viết gì; đây có phải là bài thơ không, để có hướng xử lý tiếp theo.

Sau khi đào sâu xuống, đã phát lộ những dòng chữ được khắc vào vách núi, cho thấy phía dưới lòng đất có thể là bài thơ cổ của Nguyễn Cẩn như ý kiến của nhà thơ Trần Nhuận Minh.

Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Ninh cho đào xuống khoảng nửa mét để xác minh ban đầu về bài thơ. Ảnh: Nguyễn Hùng

Trước đó, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Quảng Ninh – cho biết, sở này đã có công văn gửi UBND TP.Hạ Long, đề nghị phối hợp với các phòng, ban liên quan của Sở Văn hóa – Thể thao Quảng Ninh để khảo sát hiện trường – nơi được cho là bài thơ bị vùi sâu dưới đất.

Theo ông Hà, về mặt nguyên tắc vẫn phải khai quật để xem đó có phải là bài thơ hay không và là bài thơ của ai, sáng tác vào thời điểm nào, để từ đó mới có phương án chính thức.

Là một người gắn bó, am hiểu và dịch nghĩa các bài thơ cổ được khắc trên vách núi Bài Thơ, nên ông Trần Nhuận Minh khẳng định đây là bài thơ của Nguyễn Cẩn, được khắc lên vách núi năm 1910. Ông cam kết, nếu khai quật lên mà không phải, ông sẽ chịu mọi chi phí khai quật.

Như Lao Động đã phản ánh, sau vài năm việc xây dựng khu Đền thờ bài thơ cổ núi Bài Thơ hoàn thành, mới đây, người dân và những người yêu thơ mới phát hiện bài thơ của Nguyễn Cẩn bị vùi sâu dưới đất do khu vực có bài thơ này được đổ đất tôn cao nền – khoảng 2m.

Núi Bài Thơ phía giáp với vịnh Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hùng

Trước đây, bài thơ của Nguyễn Cẩn ở trên vách núi, nằm thấp hơn so với các bài thơ của vua Lê Thánh Tông và chúa Trịnh Cương, nhưng nay lại nằm dưới lòng đất, phía trên là vườn hoa.

Theo một số người dân, khi đơn vị thi công thực hiện nâng nền một phần khu Đền, đã có người nhắc tới bài thơ trên, nhưng đơn vị thi công nói chỉ biết thực hiện theo hợp đồng.

Vị trí này đã được đổ đất nâng lên tới khoảng 2m. Ảnh: Nguyễn Hùng

Bài thơ của Nguyễn Cẩn được khắc trên vách núi trên diện tích với chiều cao khoảng 1,8m và ngang 1,5m. Vì thế, theo ông Minh, để trả lại nguyên trạng cho bài thơ này một cách tiết kiệm nhất thì nên xén sâu xuống 2m và rộng ra ít nhất 4m, 2 bên lối vào nên kè bằng đá hoặc gạch.

Bài thơ của nhà thơ Nguyễn Cẩn là một trong 3 thi phẩm kiệt xuất trong chùm thơ 12 bài, hiện còn trên vách đá núi Bài Thơ, được bảo tồn theo luật Di sản. Bài thơ đầu tiên là của vua Lê Thánh Tông, được vua cho khắc năm 1468 khi nhà vua đưa quân đi tuần qua đây.

261 năm sau, vào năm 1729, chúa An Đô vương Trịnh Cương, khi đem quân đi tuần qua đây, thấy bài thơ của vua Lê Thánh Tông, bèn họa lại bằng một bài thất ngôn bát cú. Tuy nhiên, bài thơ của chúa Trịnh lại được khắc ở vị trí cao hơn bài thơ của vua Lê Thánh Tông. Chính vì thế, trong bài thơ của mình năm 1910, Nguyễn Cẩn đã trách mắng chúa An Đô vương Trịnh Cương vì ứng xử như vậy.

Nguyễn Cẩn có tên trong sách Lược truyện các tác gia Việt Nam do nhà thư mục học lớn là Trần Văn Giáp biên soạn, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, ấn hành năm 1971. Ông người làng Du Lâm, huyện Đông Ngàn, nay là huyện Tiên Sơn,  tỉnh Bắc Ninh, có tên hiệu là Hương Khuê, tác giả nhiều bài thơ chữ Hán, được coi là một trong những nhà thơ xuất sắc cuối thời Nguyễn, đầu thế kỉ XX. Ông làm quan Án sát triều Nguyễn, được vua Nguyễn bổ nhiệm làm Tuần phủ Quảng Yên, tức tỉnh Quảng Ninh ngày nay.

Bài thơ được Nguyễn Cẩn đề trên vách đá, ngày mùng 3 tháng Chạp năm Canh Tuất (1910)

Bài thơ chữ Hán nguyên văn như sau:

Thánh Tôn hoàng đế đề thi thạch,

Đông minh chi sơn cao bách xích.

Thiên phong, hải đảo nhật dạ kích,

Ngũ bách niên dư, tự do xích

Họa xưng ngự bút ế hà nhân?

Trịnh Vương vọng ý đồng bất dân.

Ngã lai bạt kiếm, nộ thả sân,

Hu ta hậu Lê chi quân thần!

- Dịch thơ của nhà thơ Trần Nhuận Minh:

Hoàng đế Thánh Tông đề thơ lên đá

Núi ở bể Đông cao hàng trăm thước

Gió trời, sóng biển ngày đêm vỗ vào

Thế mà hơn 500 năm rồi, chữ còn chưa mất

Họa lại, dám xưng là ngự bút; hừ, ai đấy nhỉ?

Ý xấu của Trịnh Vương là muốn cùng trường tồn

Ta đến, rút kiếm phẫn nộ và căm tức

Than thay cho vua tôi nhà hậu Lê !

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn