MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không gian Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22. Ảnh: Thùy Trang

Bản lĩnh làm nên sự đa sắc, muôn màu của thi đàn

Trần Huyền LDO | 01/03/2024 06:15

Vấn đề bản lĩnh, cá tính sáng tạo được nhắc đến nhiều khi giới phê bình và cả bạn đọc mong tìm thấy những giọng thơ mới mẻ, có nét riêng.

Bản lĩnh nhà thơ không tự nhiên mà có

Tại tọa đàm “Từ bản lĩnh đến bản sắc của nhà thơ” trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, các nhà thơ, học giả, nhà lý luận phê bình văn học bàn luận về câu chuyện bản sắc, bản lĩnh của nhà thơ trong thời kỳ hội nhập.

Không dễ để lọc được ra những gương mặt, giọng điệu đặc sắc cũng như chỉ rõ bản lĩnh của họ trong đời sống thơ trùng điệp, nhiều biến động hôm nay. Những va đập không nhỏ của truyền thông, của sự khen, chê có thể đẩy một tác phẩm vào tình huống khen cũng thái quá, chê cũng dữ dằn.

Nhìn lại thơ ca thời trước, theo tác giả Huỳnh Văn Hoa, ở mỗi nghệ sĩ đều có những cách nói rất lạ và độc đáo về màu sắc. Có cách nói chệch chuẩn, tạo nên hiệu quả thẩm mỹ cao. Chẳng hạn, ở “Truyện Kiều”, Nguyễn Du nói các màu: màu quan tái, màu quan san, màu sương, màu thiền. Ở “Chinh phụ ngâm”, có màu kiêu hãnh, màu áo cưới, màu ẩn sĩ.

Ở thơ Chế Lan Viên, có màu xứ sở, màu Tổ quốc, màu tà dương, màu rách xé, màu hoa lau, màu cuồng tín, màu liễu. Thực ra, đây là cách nói riêng về màu sắc của tác giả, nhằm tạo sắc thái biểu cảm cho hình tượng thơ.

Bản lĩnh hay cá tính không phải tự nhiên mà có, cũng không phải đã hình thành nên rồi thì ổn định, vững chãi mãi. Như đã thấy, hoàn cảnh sống, thân phận và biến cố đã xây dựng nên hồn thơ đau đáu, khắc khoải của các bậc tài danh như Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt…

Tại tọa đàm “Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ”, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đánh giá: “Theo tôi, bản lĩnh của một nhà thơ là điều không thể dễ dàng có ngay được đối với người cầm bút, cái đấy là một phẩm chất đặc biệt phải được mài giũa, được trui rèn, được thử thách qua thời gian.

Ở một góc nhìn sâu xa hơn, ta thấy bản lĩnh của người viết còn phụ thuộc vào vốn đời sống, vào chính tài năng và năng lượng sáng tạo nghệ thuật của anh ta”.

Tiếng nói của cái tôi khi thơ đổi mới

Không câu nệ vào thể thơ; không gò bó vào số câu, số chữ, vần luật; sự xuất hiện của thơ mới mở ra thời kỳ mà ở đó các cây bút sống cá nhân, phát hiện lại mình, và sướng vui, buồn khổ với đời sống của riêng mình.

Ở đó, người ta có thể thoát lên tiên cùng Thế Lữ, phiêu lưu trong tình trường cùng Lưu Trọng Lư, “điên cuồng” cùng Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, say đắm cùng Xuân Diệu, ngẩn ngơ buồn cùng Huy Cận.

Có thể nói, bản chất của sự cách tân và đổi mới thơ không chỉ nằm ở sự tìm tòi về mặt hình thức nghệ thuật, cấu trúc của ngôn ngữ thơ mà điều thiết yếu căn cốt là ở sự đổi mới nội dung đời sống được phản ánh trong thơ. Thơ không chỉ có nghĩa mà chủ yếu phải là tình, là hồn, mang hơi thở của dân tộc, đất nước.

Thơ vần, thơ không vần, thơ văn xuôi, truyền thống hay hiện đại suy cho cùng đều không vượt ra khỏi quy luật của cảm xúc. Sự thăng hoa của tâm hồn, sự rung động của cảm xúc là cơ hội để người sáng tác tìm gặp được những ý thơ, tứ thơ hay.

Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim lại cho rằng, người viết bao giờ cũng phải sống trung thực với chính mình, với lý tưởng mà mình theo đuổi, một đời sống không ít những khó khăn, gian khổ, nhưng bản chất của đời sống ấy thực sự ý nghĩa, tin cậy, thực sự cho mình chất men say của sáng tạo mà lao động không ngừng, đóng góp phần nhỏ nhoi của mình tác động vào hiện thực ấy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn