MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhắc đến việc xin phép quyền tác giả khi khai thác các quyền liên quan, BH Media có động thái “đá bóng” sang Hồ Gươm Audio khi phát ngôn “Nếu giữa Hồ Gươm Audio và các nhạc sĩ, nghệ sĩ có sự vướng mắc về bản quyền thì giữa các bên phải tự giải quyết với nhau“. Ảnh: TL

Bản quyền tác phẩm âm nhạc trên mạng xã hội: Kẽ hở cho việc nhập nhèm, trục lợi

Hiền Hương LDO | 08/11/2021 07:00

Câu chuyện xảy ra với “Giấc mơ trưa” của nhạc sĩ Giáng Son vào tháng 7.2021, khá giống với “thương vụ” ca khúc “Tiến Quân Ca” đang gây tranh cãi.

Từ chuyện “Giấc mơ trưa” của Giáng Son

Giáng Son bị YouTube cảnh báo có nội dung trùng khớp khi đăng tải trên nền tảng này ca khúc “Giấc mơ trưa” do chính Giáng Son sáng tác, sản xuất trong album “Giáng Son” ra mắt năm 2007. Và ca khúc trùng khớp là ca khúc “Giấc mơ trưa” do Dương Thuỳ Anh biểu diễn đã được BH Media gắn Content ID.

BH Media cho biết, họ mua bản quyền thu âm ca khúc “Giấc mơ trưa” do nghệ sĩ Dương Thùy Anh hát, bản ghi này thuộc về Hồ Gươm Audio Video. Theo BH Media, khi phát hiện bài hát của Giáng Son đăng tải, cơ chế quét tự động của YouTube sẽ so sánh, đối chiếu và tự động gửi “thông báo xác nhận bản quyền” tới nhạc sĩ Giáng Son.

Chia sẻ với Lao Động về sự việc, nhạc sĩ Giáng Son cho biết: “Luận điểm của BH Media đang rất sai. Họ không thể đổ lỗi cho YouTube. YouTube chỉ cung cấp công cụ cho đối tác (network) tự quản lý và thực thi. Nếu network không tự ý bật Content ID (phải là nội dung độc quyền) và ra lệnh quét trùng khớp thì không có chuyện video âm nhạc của Giáng Son bị claim (đính xác nhận bản quyền từ BH Media)”.

Theo nhạc sĩ Giáng Son, BH Media không được phép bật Content ID nếu đó không phải là tác phẩm họ sở hữu độc quyền.

Ở trường hợp này, cả BH Media và Hồ Gươm Audio Video đều chưa từng làm việc hay ký kết bất cứ hợp đồng nào với nhạc sĩ Giáng Son - người đã giữ quyền tác giả tác phẩm.

“Tôi giữ quyền tác giả của tác phẩm. Quyền tác giả là quyền quan trọng nhất. Dù khai thác quyền liên quan cũng phải có sự đồng ý, cho phép của quyền tác giả. Nhưng cả BH Media và Hồ Gươm Audio Video đều chưa hề làm việc với tôi. Trước đó, Dương Thùy Anh làm CD với Hồ Gươm Audio Video cũng không ký hợp đồng nào với tôi. Việc Hồ Gươm Audio Video tự ý bán bản ghi âm ca khúc “Giấc mơ trưa” cho BH Media mà cả Thùy Anh và tôi không hay biết gì là trái luật” - Giáng Son cho biết.

Câu chuyện “Giấc mơ trưa” đang lặp lại với bản ghi “Tiến Quân Ca” do Hồ Gươm Audio cung cấp cho BH Media. Hồ Gươm Audio chưa đưa ra câu trả lời, khi họ thu âm “Tiến Quân Ca” - họ đã được sự đồng ý của chủ thể ca khúc tại thời điểm sản xuất trong phạm vi nào và ai là chủ thể thực sự đã đầu tư sản xuất bản ghi âm này (phóng viên đã liên lạc nhiều lần với Hồ Gươm Audio nhưng vẫn chưa có được câu trả lời).

Trước những tranh cãi về nguồn gốc tác phẩm, BH Media từng nói: “Nếu giữa Hồ Gươm Audio và các nhạc sĩ, nghệ sĩ có sự vướng mắc về bản quyền thì các bên phải tự giải quyết với nhau”.

Theo luật sư Sở hữu Trí tuệ Trần Thị Tám (Công ty IPCom), “Quyền sở hữu bản ghi âm chỉ được coi hợp pháp khi việc tạo ra bản ghi âm đó hợp pháp, tức là, bản ghi âm phải được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả. Giả sử việc tạo ra bản ghi âm ca khúc “Tiến Quân Ca” của Hồ Gươm Audio là hợp pháp và Hồ Gươm Audio có đầy đủ quyền khai thác trên tất cả các nền tảng. Với tư cách là chủ sở hữu bản ghi âm, họ có quyền khai thác kinh tế từ bản ghi âm đó. Việc họ bán, tặng cho, cho thuê, cho mượn… đều là thuộc quyền của họ, với điều kiện, các quyền này nằm trong giới hạn sự thỏa thuận của họ và chủ sở hữu quyền tác giả”.

Thế nhưng, việc xin phép tác giả ghi âm các ca khúc và phạm vi sử dụng các bản ghi âm này của Hồ Gươm Audio trong cả “Giấc mơ trưa” và “Tiến Quân Ca” đều là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

...Đến kẽ hở từ Content ID

YouTube cung cấp công cụ Content ID (công cụ định danh nội dung) cho các đối tác của mình (chẳng hạn như BH Media) để quản lý nội dung thuộc quyền của họ trên nền tảng YouTube, công cụ Content ID cho phép các chủ thể quyền xác định nội dung gốc do mình tải lên.

“Khi một bên khác đăng tải nội dung bất kỳ lên YouTube, hệ thống của YouTube sẽ quét phát hiện nội dung trùng khớp, cho phép chủ thể sở hữu Content ID nội dung gốc đó theo dõi, chặn hoặc chia sẻ doanh thu từ nội dung trùng khớp. YouTube cũng lưu ý rằng, chủ sở hữu Content ID chỉ nên tải nội dung gốc do mình sở hữu lên” - luật sư Trần Thị Tám phân tích.

Theo luật sư Tám, kẽ hở xuất hiện khi các nội dung của chủ sở hữu Content ID tải lên không hoàn toàn do họ trực tiếp sản xuất. “Đó có thể là nội dung do họ đi mua, nội dung được ủy quyền quản lý, hoặc thậm chí có thể họ… tự nhận (điều này có thể xảy ra trong trường hợp chủ sở hữu nội dung gốc chưa kịp tải lên hoặc không có đủ công cụ để quản lý quyền sở hữu trí tuệ của mình trên môi trường số - trường hợp này rất nhiều, hoặc đối với bản ghi âm đã hết thời hạn bảo hộ quyền sử dụng thuộc về công chúng). Nếu trường hợp xấu này xảy ra thì sẽ dẫn đến chuyện nhập nhèm, lập lờ, lợi dụng chính sách của YouTube để trục lợi bất chính” - Luật sư Tám cho biết.

Dưới góc nhìn của luật sư Tám, “Để việc kinh doanh nhạc số tránh những tranh cãi không hồi kết, theo tôi, bản thân những người sáng tạo cần có những hiểu biết về quản lý quyền sở hữu trí tuệ của chính mình hoặc phải có người đồng hành có hiểu biết để tiến hành các hoạt động liên quan để tập trung vào hoạt động sáng tạo.

Thứ đến, tôi ủng hộ việc nếu các bên thấy bị xâm phạm quyền lợi thì kiện ra tòa để tòa án giải quyết vụ việc, lúc đó chứng cứ cũng rõ ràng, hợp đồng được công khai, ai đúng ai sai được phân định rõ tránh các việc nói qua nói lại mà vụ việc không đi đến đâu, gây tổn hại đến uy tín của các bên và cũng gây mệt mỏi cho chính những nhạc sĩ, ca sĩ, những người góp phần không nhỏ vào việc sáng tạo và phổ biến nghệ thuật Việt Nam”.

“Cũng cần lưu ý thêm, YouTube chỉ là một doanh nghiệp cung cấp nền tảng chia sẻ video trực tuyến, họ không phải là một cơ quan nhà nước có thẩm quyền của bất kỳ quốc gia nào, các chính sách của YouTube  được thực hiện dựa trên Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ số năm 1998 của Hoa Kỳ (Digital Millenium Copyright Act -DMCA), và tất nhiên để có thể hoạt động toàn cầu, nó phải phù hợp với quy định của các điều ước quốc tế về bản quyền, do đó cũng phù hợp với pháp luật các quốc gia không phải là quốc tịch của YouTube.

Kể từ khi ra đời năm 2005 và được Google mua lại vào năm 2006 cho đến nay, điều khoản sử dụng và chính sách cộng đồng của YouTube cũng có nhiều sự thay đổi và dần hoàn thiện phù hợp với sự phát triển của việc khai khác nội dung trên nền tảng kỹ thuật số. 

YouTube không phải là cơ quan có thẩm quyền phân định đúng sai, họ sẽ ủng hộ việc bên nào chứng minh được quyền của mình dựa trên các chứng cứ cung cấp” - luật sư Trần Thị Tám, Công ty IPCom  nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn