MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hảo- một nữ sinh trở về từ Hàn Quốc tại khu cách ly ở Đà Nẵng hồi năm ngoái đã vẽ bánh mì với dạt dào thương nhớ. Ảnh VH

Bánh mì có tội tình gì?

Linh Anh LDO | 20/07/2021 17:09
Bánh mì bỗng thành "trend" mấy ngày gần đây với câu chuyện “bánh mì không phải là thực phẩm”. Thôi thì không bàn chuyện đúng sai mà bàn chuyện bánh mì mùa dịch. Thứ bánh đã được công nhận là “một nét văn hoá Việt Nam”, "một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới".

Năm 2009, đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain khi đến Hội An- Quảng Nam và được thưởng thức chiếc bánh mì trên phố Phan Chi Trinh đã kinh ngạc: "Đây quả thực là một bản giao hưởng của bánh mì" khi tự tay cắt bánh mì, rưới nước sốt, phết bơ, pate và kẹp vào bên trong thịt nướng, chả lụa... Đó là thời điểm bánh mì Việt Nam “bước ra thế giới” khi chỉ vẻn vẹn xuất hiện 2 phút trong chương trình No Reservation của CNN.

Google Doodle tôn vinh món bánh mì đường phố Việt Nam tháng 3.2020. Ảnh GG

Thế rồi, bánh mì Việt được tờ The Guardian của Anh xếp ở vị trí thứ hai trong danh sách "10 món ăn đường phố ngon và hấp dẫn nhất thế giới". Còn tạp chí National Geographic bình chọn bánh mì Việt Nam là một trong 11 món ăn đường phố ngon nhất thế giới, đồng thời đứng đầu danh sách 12 món ăn đường phố của tạp chí du lịch Mỹ Conde’ Nast Traveler năm 2013. Năm 2014, bánh mì lọt vào top 20 món ăn đường phố ngon nhất thế giới của tạp chí Huffington Post, năm 2017 lọt top 10 món sandwich hấp dẫn nhất thế giới theo chuyên trang du lịch Traveller…

Còn nhớ đợt dịch năm ngoái, bánh mì gây tranh cãi trong câu chuyện một số thanh niên Hàn Quốc khi bị cách ly đã phàn nàn về chuyện ăn sáng bằng những phần bánh mì. Mạng xã hội rồi truyền hình Hàn Quốc vào cuộc để rồi cũng chính tại Hàn Quốc, một trào lưu hashtag ApologizetoVietNam (xin lỗi Việt Nam) xuất hiện trên mạng xã hội.

Bánh mì chính là thứ quà tiện lợi và tiện dụng trong mùa dịch. Người ở khu cách ly thèm và nhớ bánh mì. Câu nói của một phụ nữ lớn tuổi nghẹn ngào như sắp khóc lúc nhận túi bánh mì nóng hổi của anh công an khu vực khi thực hiện cách ly ở ngõ 165 Cầu Giấy (Hà Nội): "Các cháu chu đáo quá, bà không biết phải nói cảm ơn như nào cho hết..."

Cái bánh mì nhỏ bé lúc này chứa đựng sự yêu thương, đùm bọc, sẻ chia. Cái bánh mì giản dị, như chính bức vẽ của Hảo- một nữ sinh trở về từ Hàn Quốc. Hảo là du học sinh tại Seoul, Hàn Quốc. Khi COVID-19 bùng phát, cô sắp xếp việc học tập và trở về nước ngày 28.2.2020.

Xuống sân bay, Hảo được đưa đến khu cách ly tại Trung tâm Bồi dưỡng Quốc phòng An ninh, Trung đoàn Bộ binh 971, Bộ Chỉ huy quân sự Đà Nẵng. Trong những ngày cách ly, cô vẽ những điều xảy ra xung quanh mình. Trong đó, có chiếc bánh mì. “Bữa sáng đầu tiên ở đây. Chiếc bánh mì gây thương nhớ của du học sinh”- Hảo vẽ và viết như vậy.

Hoa hậu H'Hen Nie với trang phục bánh mì gây bão năm 2018. Ảnh BTCCC

Rồi quãng tháng 3.2020, khi Google Doodle tôn vinh món bánh mì đường phố Việt Nam, nhiều người nhắc lại chia sẻ của anh chàng người Anh Gavin Wheeldon viết khi ở khu cách ly tập trung dành cho người nghi nhiễm COVID-19 tại doanh trại quân đội trên Sơn Tây- Hà Nội. Gavin viết: "Bữa sáng, chúng tôi được ăn bánh mì và nó thực sự thỏa mãn những cái bụng đang đói. Tôi đã rất nhớ hương vị của những chiếc bánh mì thứ thiệt như thế này". Bánh mì Việt Nam vốn đặc biệt, lại càng trở nên đặc biệt trong mùa dịch COVID này.

Trong trường hợp nào đó, giữa mùa COVID-19 này, bánh mì, thứ bánh phù hợp với tất cả mọi người, lại là thứ thực phẩm “cứu tinh”, không chỉ chống đói mà chan chứa cả yêu thương.

Câu hỏi “bánh mì có phải là thực phẩm không?” đã có trả lời. Hay một câu hỏi khác: Trong những vụ ồn ào vừa rồi, bánh mì có lỗi gì đâu?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn