MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du khách tham quan Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Ảnh: Phúc Đạt

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế - nơi lưu giữ tinh hoa vương triều nhà Nguyễn

PHÚC ĐẠT LDO | 05/09/2023 06:31

Trải qua 100 năm hình thành (1923 - 2023) từ tên gọi Musée Khai Dinh - Bảo tàng Khải Định ban đầu cho đến Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế ngày hôm nay, nơi đây đã trở thành một địa chỉ văn hóa, nơi lưu giữ những tinh hoa của vương triều nhà Nguyễn.

Hàng vạn hiện vật quý

Bảo tàng nhiều lần được thay đổi tên gọi như Tàng Cổ Viện, Viện Bảo tàng Huế, Bảo tàng Cổ vật Huế; Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. Từ năm 2007 đến nay, bảo tàng có tên gọi là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, trực thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Ngày 24.8.1923, Nghị định về việc thành lập Musée Khai Dinh được ban hành dựa trên phê chuẩn chỉ dụ của hoàng đế Khải Định, với “nhiệm vụ sưu tập và bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu phản ánh đầy đủ đời sống kinh tế, xã hội, nghệ thuật và nghi lễ của nước Đại Nam”.

Vua Khải Định đã ban chiếu cho phép Hội Đô thành hiếu cổ thành lập tại Kinh đô Huế một bảo tàng mang tên Musée Khải Định. Hội Đô thành hiếu cổ do linh mục Leopold Cadière cùng những người bạn của ông thành lập vào năm 1913 với mục đích sưu tầm bảo tồn, truyền đạt những dấu tích xưa về chính trị, tôn giáo, nghệ thuật và văn học châu Âu cũng như bản xứ, liên quan đến Huế và các vùng phụ cận.

Sau khi thành lập, các hội viên Hội Đô thành hiếu cổ đã nỗ lực tìm kiếm những tác phẩm nghệ thuật đưa về cất giữ trong điện Long An. Số cổ vật do các hội viên Hội Đô thành hiếu cổ thu thập ngày một tăng nên phía Pháp đã tác động triều đình Huế thành lập một bảo tàng và được vua Khải Định đồng ý.

Bảo tàng dùng điện Long An, một cung điện do hoàng đế Thiệu Trị xây dựng vào năm 1845, nguyên ở bờ Bắc sông Ngự Hà, vào năm 1908, được dời về vị trí hiện nay (3 Lê Trực, phường Đông Ba, TP Huế) làm nơi trưng bày chính của bảo tàng.

Bảo tàng hiện đang trưng bày và lưu giữ, bảo quản hơn 11.000 hiện vật, phần lớn có xuất xứ từ cung đình triều Nguyễn như: Bộ sưu tập đồ sứ, sưu tập đồ pháp lam, sưu tập trang phục cung đình, sưu tập ấn triện, sưu tập nhạc khí dùng trong các cuộc lễ tế, sưu tập tranh gương, sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng và khảm cẩn, sưu tập súng thần công thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn. Trong đó có 8 hiện vật/bộ hiện vật với 33 hiện vật đơn lẻ được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Các sưu tập của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế phản ánh đời sống vật chất, lễ nghi chính trị và tư tưởng của tầng lớp quý tộc, vua quan nhà Nguyễn, thể hiện qua các trang phục cung đình, đồ sứ ngự dụng, đồ tự khí, đồ gỗ trang trí nội thất, các vật dụng dùng trong sinh hoạt và nghi lễ với nhiều loại chất liệu khác nhau: Vàng, bạc, đồng, xương, ngà, pháp lam, gốm sứ, gỗ, vải, giấy.

Đặc biệt, bảo tàng còn sở hữu Khu cổ vật Champa được thành lập theo Nghị định ngày 26.12.1927 của hoàng đế Khải Định nhằm giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Champa trong nhiều thế kỷ, thể hiện vị trí đặc biệt của văn hóa Champa trong tiến trình hình thành và phát triển những giá trị đặc sắc của văn hóa Huế.

Lập dự án xây dựng Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế ở vị trí khác

Trong chuyến làm việc tại Huế vào tháng 3.2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Tại đây, Thủ tướng được giới thiệu về trụ sở của bảo tàng cũng chính là di tích điện Long An (được xây dựng dưới thời vua Thiệu Trị, từng là trụ sở của bảo tàng Khải Định).

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, việc gìn giữ bảo tồn các giá trị cổ vật cung đình Huế qua các thời đại là cần thiết. Thế nhưng, hiện nay bảo tàng đang tận dụng không gian di tích của điện Long An, cũng là một di sản quý giá, để trưng bày, chứ chưa có không gian riêng phù hợp.

Vì thế Thủ tướng đã đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập dự án xây dựng bảo tàng ở vị trí khác, trả lại nguyên trạng không gian di tích điện Long An.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn