MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Di tích Chùa Cầu (Hội An). Ảnh: TL

Bảo tồn di sản gắn kết với lợi ích cộng đồng

NGUYỄN THANH CHUNG LDO | 10/09/2019 07:09

20 năm, Hội An, Mỹ Sơn được công nhận Di sản văn hóa thế giới, 10 năm Cù Lao Chàm được công nhân Khu dự trữ sinh quyển thế giới, đã có được nhiều thành công trong công tác bảo tồn lẫn phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản luôn gắn kết với lợi ích cộng đồng, đang là mô hình được nhân rộng.

Đánh thức di sản

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 20 năm ngày Hội An và Mỹ Sơn được công nhận Di sản văn hóa thế giới, chiều 7.9, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị đánh giá và tuyên dương công tác bảo tồn, phát huy giá trị Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn qua 20 năm được công nhận Di sản Văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho biết, từ năm 1999 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn, đô thị cổ Hội An đã thực hiện tu bổ 459 di tích với tổng số vốn đầu tư là 182,573 tỉ đồng. Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Dự án đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích có nguy cơ sụp đổ thuộc Di sản văn hóa thế giới Hội An.

Tuy nhiên, điều lớn lao nhất Quảng Nam, Hội An đã làm được là làm sống lại, đánh thức một di sản tưởng chừng như đã ngủ quên bởi sự già nua, lão hóa, xuống cấp. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, kiến trúc đi theo hướng phục vụ dụ lịch, phát triển kinh tế và gắn với lợi ích cộng đồng đã thực sự phát huy tốt.

Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết suốt 2 thập kỷ qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và các ban, bộ ngành Trung ương, sự giúp đỡ kịp thời của các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học cùng với sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện đồng bộ hàng loạt giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và tài nguyên thiên nhiên. Nhờ đó, tỉnh Quảng Nam đã bảo tồn nguyên vẹn và ngày càng phát huy rất tốt giá trị di sản văn hóa và tài nguyên thiên nhiên trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, bài học quý báu rút ra từ thực tiễn quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An trong 20 năm qua đã chứng minh rằng nhất thiết phải có được một chiến lược căn cơ, lâu dài với quan điểm nhất quán là quản lý và bảo tồn di tích, di sản phải gắn liền và bảo đảm lợi ích của cộng đồng và trên hết phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa các nhà quản lý, các nhà khoa học và nhân dân, trong đó vai trò của nhân dân hết sức quan trọng.

Luôn tiềm ẩn thách thức

Ông Lê Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên - cho biết, 20 năm qua bộ mặt Mỹ Sơn ngày một thay đổi, đời sống cộng đồng từng bước được nâng lên, người dân ngày càng gắn trách nhiệm với di sản. Đó là thành tựu mà chính quyền Duy Xuyên, Quảng Nam trong nhiều năm qua đã triển khai đồng bộ một số giải pháp như làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân địa phương; đẩy mạnh công tác giáo dục di sản trong học đường; tuyên truyền giá trị của Mỹ Sơn cũng như các chính sách pháp luật liên quan đến người dân và du khách; gắn trách nhiệm, chia sẻ quyền lợi với cộng đồng địa phương.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban Quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, cho biết việc gìn giữ và phát triển tài nguyên Khu sinh quyển là một quá trình rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc, chính xác và sự vào cuộc một cách có trách nhiệm của toàn lực lượng trong xã hội. Quan trọng hơn hết là làm thế nào để danh hiệu Khu sinh quyển đem lại lợi ích cho người dân, hỗ trợ tốt cho chiến lược phát triển bền vững TP.Hội An.

Ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong hàng chục năm qua để Hội An, Mỹ Sơn và Cù Lao Chàm có thể “tỏa sáng” như ngày hôm nay. Tuy vậy, ông Thu cũng cho rằng cẩn trọng trong định hướng phát triển kinh tế xã hội thời gian tới. Phải đặt mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lên hàng đầu, bởi các di sản cũng đang đối mặt với sự quá tải. Phát triển kinh tế, thu hút du lịch là điều đáng mừng, tuy nhiên các vấn đề “sống chung với lũ”, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường... là những vấn đề cần chú trọng.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL đã trao tặng bằng khen của Chủ tịch Nước cho 13 nghệ nhân ưu tú của tỉnh Quảng Nam có công trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Dịp này, 5 tập thể và 6 cá nhân cũng được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bằng khen; 549 cá nhân và 128 tập thể được nhận bằng khen, thư cảm ơn và quà lưu niệm của UBND tỉnh Quảng Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn