MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS.TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia

Bảo tồn di tích: Hết sức cẩn trọng và bảo vệ đặc biệt từng Ao Rồng, cột đá

VƯƠNG TRẦN LDO | 05/10/2018 16:55
GS.TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia lưu ý cần phải có thái độ hết sức thận trọng và quan tâm đặc biệt tới các yếu tố di tích và di vật nguyên gốc quan trọng trong việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích.

Chú ý các yếu tố nguyên gốc

Ngày 5.10, tại Hội thảo kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị di tích tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, GS.TS Trương Quốc Bình cho hay: Các công trình di tích tôn giáo, tín ngưỡng gắn liền với văn hóa tâm linh là nơi chứa đựng những giá trị phi vật thể được vật thể hóa.

Chính vì thế, cần hết sức thận trọng khi đưa ra các giải pháp tu bổ, tôn tạo theo nguyên tắc tôn trọng tối đa việc giữ gìn những yếu tố nguyên gốc.

Ông Bình cũng cho rằng, yêu cầu cơ bản nhất của các dự án tu bổ các di tích lịch sử và văn hóa phải hết sức chú trọng đến tính toàn vẹn của di tích. Trong đó đặc biệt lưu ý tới các di vật, các bộ phận nguyên gốc tạo nên những giá trị đặc sắc của các di tích.

Tuy nhiên, hiện nay một số di tích tôn giáo - tín ngưỡng ở Bắc Ninh còn chưa quan tâm đúng mức điều này. Kể cả bảo vật quốc gia tại các di tích chùa Phật Tích và chùa Dạm, một số yếu tố di tích và di vật nguyên gốc quan trọng chưa được chú trọng.

"Điển hình là khu Ao Rồng, một yếu tố có vai trò quan trọng trong tổng thể kiến trúc của chùa Phật Tích. Đây như một trong những di vật quan trọng từ hàng trăm năm trước. Bốn xung quanh bờ đều được kè bằng đá tảng, vách đứng, vuông góc. Dưới đáy ao có tảng đá được coi là chân rồng, tạc bằng đá với bắp chân to, mập và bộ móng chắc khỏe.

Nhân dân địa phương cho biết, trước đây Ao Rồng đầy nước quanh năm. Nhưng lâu nay, ao đã bị khô cạn và cho đến nay đang bị các loại rêu và cây dại, che lấp và không hè có bảng thuyết minh, chỉ dẫn" - ông Bình dẫn chứng.

Cần phải có những giải pháp bảo vệ đặc biệt

Bên cạnh đó là dự án phục hồi chùa Dạm, một đại danh lam, nằm trên lưng chừng núi Dạm, thuộc xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh.

Theo GS.TS Trương Quốc Bình, những năm qua, dự án phục hồi di tích chùa Dạm đã được triển khai với việc xây dựng mới trên nền cũ một quần thể kiến trúc khá đồ sộ.

Nhưng rất đáng tiếc khu núi đất với rừng cây lâu năm ở phía sau chùa đã bị phá. Chùa với đồi cây lưu niên bị ngăn cách bằng những vạt bê tông chống sụt lở. Phá hoàn toàn cảnh quan thiên nhiên vốn có và một bộ phận hữu cơ của các di sản kiến trúc truyền thống Việt Nam.

“Mặt khác, cột đá chạm rồng vờn sóng nước của chùa Dạm – một trong những di vật hết sức nổi tiếng về giá trị nghệ thuật điêu khắc đặc sắc của văn minh Đại Việt từ hàng nghìn năm trước. Di vật này được công nhận là bảo vật quốc gia nhưng chưa được quan tâm, bảo vệ trong quá trình triển khai dự án phục hồi chùa Dạm.

Cột đá chạm rồng chùa Dạm nghìn năm nay đứng hiên ngang lồng lộng giữa đất trời như khẳng định “vương quyền” và “thần quyền” triều Lý. Đồng thời góp phần minh chứng cho những giá trị đặc sắc của nghệ thuật kiến trúc điêu khắc Việt Nam từ hơn một nghìn năm trước.

Theo chúng tôi, đây là một trong những di tích tiêu biểu nhất, đặc biệt nhất của toàn bộ khu di tích chùa Dạm. Do đó rất cần được tôn vinh và có những giải pháp bảo vệ đặc biệt” – GS.TS Trương Quốc Bình nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn