MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỉnh Thừa Thiên Huế từng quyết định không trình hồ sơ lên UNESCO đề nghị công nhận sông Hương và cảnh quan đôi bời là di sản văn hóa thế giới. Ảnh: Trương Vững

Bảo tồn - phát triển với các di sản văn hóa vẫn chưa có lời giải phù hợp

Tường Minh LDO | 12/02/2024 08:00

Một sự kiện gây xôn xao dư luận vào cuối năm 2023 là tỉnh Bạc Liêu quyết định cho đập bỏ một ngôi biệt thự cổ có tên là “nhà Carrie” (nhà của một người Pháp tên là Carrie - Lục sự Tòa án của Pháp ở Bạc Liêu).

Đập bỏ một di tích

“Nhà Carrie” được xây dựng theo kiến trúc biệt thự Pháp vào những năm 1920, với kiến trúc rất đẹp và quy mô khá đồ sộ thời bấy giờ.

Không chỉ là kiến trúc cổ, “nhà Carrie” còn là trụ sở của Tỉnh ủy lâm thời và Ủy ban Mặt trận Việt Minh từ ngày 20.8.1945.

“Nhà Carrie” ở Bạc Liêu đã bị đập bỏ với một lý do rất khó tin là xuống cấp đến mức không thể nào trùng tu được nữa. Ảnh: Nhật Hồ

Và còn gắn liền với sự kiện lịch sử vào tối cùng ngày, Tỉnh ủy lâm thời và Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh họp liên tịch để thành lập chính quyền cách mạng với tên gọi “Ủy ban Dân tộc giải phóng” tỉnh Bạc Liêu do bác sĩ Nguyễn Tú Vinh làm Chủ tịch.

Với những giá trị kiến trúc cổ và sự kiện vừa kể, “nhà Carrie” được đưa vào danh sách những nhà cổ tiêu biểu của tỉnh Bạc Liêu; được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2013.

Nhưng dù trên dưới 100 năm tồn tại và chỉ tròn 10 năm được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, “nhà Carrie” đã bị đập bỏ với một lý do rất khó tin là xuống cấp đến mức không thể nào trùng tu được nữa.

Cũng là biệt thự có kiến trúc Pháp trên dưới 100 năm tuổi và chưa được công nhận là di tích lịch sử, nhưng ngôi biệt thự ở số 26 Lê Lợi, thành phố Huế lại có một số phận hoàn toàn khác.

Khi mới đây, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định giữ nguyên vị trí ban đầu, dù khu đất này sắp được triển khai xây dựng một dự án dịch vụ hiện đại như một cách lưu giữ hồn vía cho đô thị Huế.

“Chúng tôi quyết định sẽ giữ nguyên trạng và yêu cầu nhà đầu tư có phương án bảo tồn ngôi biệt thự khi đầu tư tại khu vực này”, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nói với Lao Động.

Di sản là một loại "vốn xã hội"

Mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế xã hội là vấn đề muôn thuở. Tuy nhiên mâu thuẫn này trở thành xung đột, bắt đầu tư cách đây mấy chục năm khi những di tích đầu tiên của Việt Nam được công nhận là di sản văn hóa thế giới, kèm theo đó là những quy định bảo vệ rất nghiêm ngặt.

Và cho đến thời điểm này thì vẫn không có địa phương nào đưa ra được lời giải phù hợp, hài hòa cho bài toán này.

Bảo tồn hay phát triển luôn là lựa chọn khó khăn của các địa phương. Ảnh: Trương Vững

Cuối cùng thì, thực tế từ các địa phương cho thấy, bảo tồn di sản văn hóa lấy “lấy đất” cho phát triển kinh tế xã hội là một sự lựa chọn không chỉ của chình quyền địa phương - nơi có di sản. Mà còn là lựa chọn của những cấp cao hơn như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hay Chính phủ. Dù rằng, đây là những lựa chọn vô cùng khó khăn.

Ví dụ như Thừa Thiên Huế là địa phương được UNESCO đánh giá rất cao về việc gìn giữ, bảo vệ, trùng tu các di sản văn hóa. Và đây cũng là địa phương vừa có minh họa mới nhất về quyết định lựa chọn bảo tồn thay vì phát triển qua việc dừng phương án xây cầu đi bộ vào Kinh thành Huế.

Tuy nhiên vào năm 2005, địa phương này cũng đã quyết định sẽ không trình hồ sơ lên UNESCO đề nghị công nhận sông Hương và cảnh quan đôi bời là di sản văn hóa thế giới.

Lý do cũng chỉ vì muốn giành dư địa cho phát triển kinh tế cũng như không muốn, không chịu được những quy định quá nghiêm ngặt mỗi khi được công nhận.

Di sản văn hóa bây giờ đã được ý thức và coi là một loại "vốn xã hội", không chỉ tạo ra giá trị tinh thần mà còn tạo ra giá trị vật chất. Nhưng đáng tiếc là lại đang có sự lệch lạc khi giá trị kinh tế của di sản văn hóa lại được nhìn nhận và mong muốn chưa đúng.

Lựa chọn phát triển có thể đạt được kết quả bước đầu về kinh tế, giải quyết nhu cầu trước mắt của bộ phận người dân.

Nhưng đó là một kiểu “bóc ngắn cắn dài” khi không những tính lâu dài, ổn định mà cả tầm nhìn xa cho con cháu cũng đã bị những người có quyền, có trách nhiệm của hôm nay cắt cụt...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn