MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trong vùng Di sản Tràng An (Ninh Bình) có trên 100 ngôi nhà cổ mang đậm giá trị văn hóa - lịch sử. Ảnh: Diệu Anh

Bảo tồn và phát huy giá trị của hơn 100 ngôi nhà cổ tại Tràng An

DIỆU ANH LDO | 07/11/2023 11:41

Hiện trong vùng Di sản Tràng An (Ninh Bình) có trên 100 ngôi nhà có kiến trúc truyền thống tiêu biểu, mang đậm giá trị văn hóa - lịch sử. Tuy nhiên, đa số các nếp nhà này đã xuống cấp và đứng trước nguy cơ bị phá dỡ nếu không có biện pháp trùng tu kịp thời.

Cho đến thời điểm hiện tại, Ninh Bình là tỉnh đầu tiên và duy nhất sở hữu Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Với lợi thế này, tỉnh Ninh Bình đã và đang bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị của Di sản một cách hiệu quả, bền vững, hướng tới xây dựng Ninh Bình là trung tâm du lịch lớn của vùng và của cả nước, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, phát triển du lịch xanh, bền vững.

Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, hiện trong vùng lõi Di sản còn khoảng trên 100 nếp nhà có kiến trúc truyền thống tiêu biểu, được xây dựng trước năm 1945 và phân bố chủ yếu trên địa bàn hai xã Trường Yên và Ninh Xuân (huyện Hoa Lư). Dù về kiến trúc, vật liệu xây dựng có sự khác nhau, song những ngôi nhà cổ này đều là hiện vật trực tiếp phản ánh khả năng lao động, sáng tạo, trí tưởng tượng, gu thẩm mỹ của các thế hệ đi trước trong quá trình phát triển.

Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình - cho biết, nhà cổ từ lâu đã được coi là một loại hình di sản độc đáo, cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Tuy nhiên, hiện nay đa số các nhà ở truyền thống đã xuống cấp và đứng trước nguy cơ bị phá dỡ nếu không có biện pháp trùng tu kịp thời.

Bên cạnh đó, xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý nhà ở truyền thống, từ thực trạng quản lý hiện nay, có thể thấy, người dân không muốn sống trong những ngôi nhà cổ thiếu tiện nghi trong khi cuộc sống đang “hiện đại hóa” từng ngày. Cấu trúc làng trong khu di sản cũng thể hiện biến đổi văn hóa sinh kế, lối sống của cư dân tại Tràng An trước tác động của nhiều yếu tố nội sinh và ngoại sinh.

“Trong số 25 ngôi nhà cổ được khảo sát ở xã Trường Yên (huyện Hoa Lư), một số ngôi nhà có niên đại cách đây khoảng trên dưới 100 năm, vật liệu xây dựng nhà phổ biến là gỗ, có thể thấy rõ mô hình kiến trúc truyền thống, một số ngôi nhà được trang trí hoa văn, họa tiết khá tinh xảo và được bảo vệ, lưu giữ qua thế hệ” - ông Mạnh cho hay.

Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình tiếp tục xây dựng và hệ thống hóa các nhà cổ trong vùng lõi di sản; thu thập tài liệu lưu trữ khảo sát kiến trúc nhà ở truyền thống; đề xuất các phương án cải tạo và thay thế phù hợp, không làm mất đi hình ảnh, giá trị bản địa của mô hình nhà ở truyền thống đã có.

Bên cạnh việc tạo sinh kế bền vững cho người dân trong vùng di sản, tỉnh Ninh Bình cũng sẽ lồng ghép việc bảo tồn nhà cổ với quy hoạch bảo tồn, quy hoạch điểm dân cư trong vùng đệm, vùng lõi Di sản Tràng An làm cơ sở quản lý đất đai, trật tự xây dựng...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn