MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khách du lịch chiêm ngưỡng vẽ độc đáo của cặp Long sàng tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: NT

Bảo vật Quốc gia nằm phơi mưa, phơi nắng tại đền thờ Đinh Tiên Hoàng

NGUYỄN TRƯỜNG LDO | 24/02/2020 13:30

Cặp Long sàng bằng đá tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng có tuổi đời hàng trăm năm, năm 2017 được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Bảo vật này lâu nay  nằm đội mưa, phơi nắng nên bị ăn mòn, nhiều họa tiết hoa văn bị mờ đi, nhiều góc sập bị vỡ bung theo thớ đá.

Khu di tích Cố đô Hoa Lư là quần thể di tích Quốc gia đặc biệt, 1 trong 4 vùng lõi của quần thể Di sản Văn hóa, thiên nhiên thế giới Tràng An đã được UNESCO công nhận vào năm 2014.

Với diện tích trên 13km2 trải dài trên địa bàn 2 huyện Hoa Lư, Gia Viễn (Ninh Bình), đây là nơi lưu giữ các di tích lịch sử liên quan đến sự nghiệp của các nhân vật lịch sử thuộc 3 triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và khởi đầu nhà Lý. Đặc biệt, trong khuôn viên đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (thuộc Khu di tích Cố đô - Hoa Lư) hiện đang lưu giữ cặp Long sàng bằng đá là Bảo vật Quốc gia. Với niên đại hàng trăm năm, trên mặt cặp long sàng này chạm nổi hình rồng, xung quanh là những họa tiết hoa văn độc đáo, mỗi long sàng là một tác phẩm nghệ thuật chạm khắc tinh xảo “có một, không hai” ở Việt Nam.

Theo bà Vũ Thanh Lịch - Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở VHTT tỉnh Ninh Bình - thì hiện tại, một chiếc Long sàng được đặt trước Nghi môn ngoại và một chiếc được đặt trước Bái đường đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Long sàng được làm bằng đá xanh nguyên khối, tượng trưng cho bệ rồng lúc vua ngự triều. Giữa Long sàng được chạm, khắc hình rồng cuộn mang đầy đủ nét đặc trưng của rồng thời Lê - Trịnh. Thân rồng uốn kiểu yên ngựa, đầu to, bờm lớn ngược ra phía sau, miệng há to ngậm viên ngọc châu, răng nanh sắc nhọn, sừng hai chạc, đuôi rồng vuốt về phía sau uy nghi. Xung quanh Long sàng có 2 hàng chân, cột để cắm cờ bát biểu, vũ khí trong ngày hội, tượng trưng cho các thứ bậc của quan quân văn võ, trong đó có 10 thanh long đao tượng trưng cho 10 đạo quân.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, cặp Long sàng này là kiệt tác nghệ thuật điêu khắc của người Việt. Đây là hiện vật có giá trị lớn về lịch sử văn hóa, thể hiện sự tiếp thu có chọn lọc và giao thoa văn hóa Việt Nam với Trung Hoa và Ấn Độ.

Tất cả họa tiết được trang trí trên Long sàng đều được chạm khắc tỉ mỉ và chau chuốt đến từng chi tiết. Điều này cho thấy óc sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân điêu khắc đá thế kỷ XVII khi dày công tạo tác một bức tranh trên đá với ý nghĩa sâu xa, ẩn chứa nhiều thông điệp. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài nằm phơi mưa, phơi nắng ngoài trời, 2 bảo vật này đang có phần bị ăn mòn, nhiều họa tiết hoa văn bị mờ đi, nhiều góc sập bị vỡ bung theo thớ đá. 

Cũng theo bà Lịch, từ khi được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2017, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng các phương án để bảo quản, gìn giữ cặp Long sàng này. Ban đầu có ý định xây nhà mái che để bảo quản và gìn giữ bảo vật hoặc là dùng kính để che phủ hai bảo vật này. Tuy nhiên, nếu làm như vậy thì sẽ phá vỡ cảnh quan của di tích. Hơn nữa, Long sàng là đồ tế khí nên phải để ngoài trời.

Chiều ngày 20.2, trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình - cho biết:  Trước mắt, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã tiến hành phủ nano để bảo quản và gìn giữ Long sàng. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án tạm thời, vì việc phủ nano rất tốn kém và chỉ được một thời gian ngắn sau đó lại phải phủ lại. Về lâu dài, sở đang tìm phương án tối ưu nhất để gìn giữ và bảo quản bảo vật được lâu dài hơn. Hiện sở đang xây dựng đề án, xin ý kiến các đơn vị liên quan để tiến hành cho làm lồng kính bảo vệ và gìn giữ Long sàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn