MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Làm tương thủ công” - 1 tác phẩm dự thi liên hoan khu vực Đồng bằng sông Hồng 2018.

“Bắt bệnh” nhiếp ảnh Việt

VIỆT VĂN LDO | 22/08/2018 14:00
Qua thực trạng các cuộc thi và triển lãm ảnh ở Việt Nam mấy năm gần đây, kể cả một số liên hoan ảnh khu vực mới nhất, có thể thấy bên cạnh những mặt mạnh dễ thấy của nhiếp ảnh Việt, vẫn tồn tại nhiều “căn bệnh” cố hữu khó sửa.

Nhân bản, copy nhau

Với các Liên hoan ảnh khu vực, bao giờ giám khảo trước khi chấm cũng phải xem lại ảnh đoạt giải các năm trước để xem ảnh năm nay có bị giống, đúng ra là copy ý tưởng cũ hay không.

Buồn một nỗi là năm nào cũng có chuyện bắt chước, copy nhau, thậm chí gần y chang, chỉ khác một vài chi tiết gọi là “cho có”. Có người thì chỉ làm mỗi việc là bản gốc ảnh màu thì bản cũ đen trắng, người khác lại copy y hệt bố cục, cảnh sắc chỉ khác mỗi là thời gian chụp.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn - Phó phòng ảnh báo Nhân Dân từng nói rằng, đặc biệt dị ứng với những “ảnh nhân bản theo kiểu cừu Dolly”. Và bản thân anh đứng trước một cảnh đẹp, không bao giờ bắt chước nghệ sĩ nổi tiếng A, B nào đã chụp và luôn tìm cho mình cách chụp riêng.

Chuyện sáng tác kiểu “bầy đàn” cũng là một nguyên nhân của hiện tượng giống nhau. Cùng một sự vật, hiện tượng cả mấy chục cái máy cùng châu vào chụp. Đã thế bạn dùng ống gì cũng dùng ống đó, thành thử nhiều ảnh cứ na ná nhau, thiếu một mùi vị riêng, cảm xúc riêng.

Lạm dụng photoshop, flycam và ống mắt cá

Kỳ lạ một nỗi, nhiều nhà nhiếp ảnh cảm nhận và chụp nhưng về nhà lại hì hục gia cố chỉnh sửa ảnh sao cho hiện thực lung linh lên quá mức, thậm chí đánh lừa cả thị giác của chính mình để rồi bị đam mê, cuốn theo cái đẹp “phồn vinh giả tạo” ấy.

Với một số tay máy thì dường như photoshop vẫn luôn là phù thủy, cứu cho bức ảnh khỏi sự tầm thường, nhạt nhẽo. Thêm khói, thêm mưa, nhân bản thêm đồ vật, chép thêm người… không gì photoshop không làm được, miễn là bạn có ý tưởng.

Nhưng sự chắp ghép kiểu “giả thực” này khác xa với việc sử dụng photoshop thông minh có ý đồ để tạo ra những tác phẩm ảnh “ý niệm” mang ý tưởng riêng, độc đáo.

Một số tác giả lại không “yên tâm” với vẻ đẹp mộc bức ảnh hiện có mà lại dùng photoshop để “trát” thêm son phấn lòe loẹt lên hiện thực, hòng tạo nên một vẻ đẹp lộng lẫy hơn nhưng khi mọi sự đi quá xa thì hiệu quả phản tác dụng.

Việc sử dụng thiết bị cũng vậy, việc quá lạm dụng ống kính góc rộng, nhất là mắt cá một dạo đã giảm giờ quay trở lại, đem đến nhiều hình ảnh méo mó và chỉ giải quyết khâu “lạ” chốc nhát mà không đóng góp gì vào việc tăng thêm giá trị biểu đạt nội dung bức ảnh.

Rồi phong trào sử dụng flycam để tạo ra những bức ảnh “không ảnh” lạ mắt bao quát được cảnh vật. Phải thừa nhận có những bức ảnh chụp flycam đẹp, ấn tượng nhưng cũng rất nhiều bức ảnh bố cục mênh mông, lễnh loãng. Xét cho cùng, flycam chỉ là một trò chơi công nghệ nhiều hơn…

Đẹp mà cũ

Không những đẹp mà đẹp lung linh, nuông chiều thị giác người xem nhưng xem thấy quen quen vì hình ảnh đó xuất hiện quá nhiều. Ví dụ trong một vài cuộc thi gần đây, quá nhiều ảnh chụp thanh niên tình nguyện, bộ đội, công an… Thanh niên tình nguyện thì chủ yếu lo bới rác, làm sạch môi trường hoặc hiến máu còn các đồng chí công an hướng dẫn giao thông, dắt cụ già qua đường, bộ đội thì luyện tập, diễn tập... Loanh quanh cứ vậy thôi, chả thấy gì phát hiện, mới mẻ.

Rồi ảnh phong cảnh, con người vùng cao, vẫn lặp đi lặp lại không mệt mỏi những ruộng bậc thang ngoằn ngoèo các mùa, người dân tộc ôm chó mèo, bên bếp lửa.

Cảnh sân khấu hóa lễ hội hay các tiết mục vở diễn trên sân khấu, gần đây cũng xuất hiện ngày một nhiều. Nhà nhiếp ảnh chụp với ánh sáng, cảnh trí, diễn viên dưới bàn tay của đạo diễn chương trình đã dàn dựng sẵn thì ý tứ, sáng tạo của tác giả ở đâu, cũng là chuyện cần nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn