MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà văn Đặng Huỳnh Thái là một trong những cây bút lớn tuổi nhất gửi bài dự thi Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn. Ảnh: Hải Nguyễn

Bệ phóng cho phong trào viết về công nhân, người lao động

PHẠM HUYỀN LDO | 21/11/2023 14:00

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn mở ra những góc nhìn đầy đủ, để bạn đọc chia sẻ và thấu hiểu đời sống, việc làm, vai trò của người công nhân và giai cấp công nhân trong bối cảnh tình hình mới.

Bệ phóng cho các tác phẩm lớn

Qua gần hai năm triển khai, Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn nhận 498 tác phẩm dự thi, trong đó có 412 truyện ngắn, 86 tiểu thuyết của gần 300 tác giả là các nhà văn chuyên nghiệp, không chuyên, công nhân, viên chức, học sinh, người cao tuổi và Việt kiều gửi dự thi.

Từ đó, Hội đồng Sơ khảo đã lựa chọn 43 truyện ngắn, 18 tiểu thuyết đề nghị đưa vào Chung khảo cuộc thi. Hội đồng Chung khảo chọn ra 13 truyện ngắn, 11 tiểu thuyết có chất lượng cao nhất, đáp ứng yêu cầu cuộc thi để trình Ban Chỉ đạo và Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét, trao giải.

Phát biểu tại cuộc họp báo tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn ngày 20.11, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi - cho biết, những câu chuyện về cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của giai cấp công nhân, người lao động hiện nay chủ yếu được phản ánh qua tin tức, còn thiếu vắng góc nhìn qua văn chương.

Đại hội XIII của Đảng xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo, tổ chức Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiển - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Tổng Biên tập Báo Lao Động, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, cuộc thi sáng tác này, dự kiến sẽ tổ chức định kỳ, để nền văn học tiếp tục có những tác phẩm ghi lại cuộc sống của công nhân, công đoàn, nhất là trong giai đoạn đất nước có nhiều biến chuyển.

Góc nhìn sinh động

Các tác phẩm đều theo sát chủ đề cuộc thi là viết về công nhân, công đoàn, mang chất sống và hơi thở của thời đại, phản ánh đúng những vấn đề của công nhân, người lao động và vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn hiện nay.

Bối cảnh được tái hiện trong các tác phẩm sinh động, trải dài trên khắp đất nước. Đó có thể là những công nhân trên nông trường chè Tây Bắc, người làm việc trong nhà máy, xí nghiệp ở Biên Hòa (Đồng Nai), Bình Dương, hay những công nhân đang sống trên những nông trường caosu ở Tây Nguyên, công nhân vùng mỏ (Quảng Ninh)...

Thông qua các tác phẩm dự thi, bạn đọc có thể nhìn nhận đầy đủ, chia sẻ và thấu hiểu đời sống, việc làm, vai trò, vị trí của người công nhân và giai cấp công nhân trong bối cảnh tình hình mới; đánh giá đúng vai trò, sứ mệnh, đóng góp của tổ chức Công đoàn đối với người lao động và đất nước.

Đơn cử như tiểu thuyết “Bể than Đông Bắc” của nhà văn Đặng Huỳnh Thái. Tiểu thuyết này được ví như “lịch sử công nhân mỏ than”, bởi tác giả có 30 năm làm việc trong ngành than, am hiểu và tâm huyết với nghề. Tác giả nhấn mạnh rằng 30 năm trôi qua nền văn chương Việt Nam mới lại có một cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân.

Tác giả Hoàng Việt Hằng - từng 2 lần đoạt giải thưởng trong các cuộc thi viết văn về công nhân, công đoàn - cho rằng, để viết thật hay về công nhân, công đoàn, người viết phải thực sự đi sâu vào đời sống của họ.

Bà đánh giá cao Ban tổ chức đã bố trí cho các tác giả đi hai chuyến thực tế tại Công ty Than Khe Chàm (Quảng Ninh) và công ty Thaco (Quảng Nam). Từ đó, các tác giả có thể chứng kiến cuộc sống của những công nhân đã thay đổi ra sao nhờ có công đoàn.

Danh sách tác giả, tác phẩm đoạt giải sẽ được công bố tại Lễ Tổng kết và Trao giải vào ngày 26.11.2023 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Lễ tổng kết, trao giải cuộc thi là một trong những hoạt động quan trọng chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam - sẽ tổ chức đầu tháng 12.2023.

Về cuộc thi, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - thành viên Hội đồng Chung khảo đánh giá, đề tài viết về công nhân, công đoàn và người lao động rất khó, đòi hỏi người viết thâm nhập thực tế, đưa chất liệu đời sống vào tác phẩm.

“Những cuộc thi như lần này của Báo Lao Động chắc chắn sẽ khơi nguồn, sẽ là bệ phóng để chúng ta có được những tác phẩm lớn” - nữ nhà văn đánh giá.

Hội Nhà văn Việt Nam cũng có ban riêng dành cho các cây bút viết về công nhân, người lao động. Các nhà văn phải thâm nhập đời sống công nhân, ăn ngủ, sinh hoạt, lao động cùng họ để sáng tác. Tuy nhiên, đề tài này bẵng đi một thời gian chưa có những tác phẩm xứng tầm, gây tiếng vang.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn