MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bí ẩn từ ngôi mộ người phụ nữ thời Thành Cát Tư Hãn

Chí Long LDO | 31/08/2024 08:19

Việc phát hiện ngôi mộ của một người phụ nữ đặc biệt cung cấp những hiểu biết có giá trị về đế chế Mông Cổ thời Thành Cát Tư Hãn.

Đế chế Mông Cổ nổi bật trong trí tưởng tượng của con người ngày nay bởi sự phát triển và mở rộng lãnh thổ thần tốc, dưới quyền vị lãnh đạo hùng mạnh là Thành Cát Tư Hãn.

Theo SCMP, sử sách ít nhắc đến chuyện Thành Cát Tư Hãn sinh ra ở vùng gần biên giới giữa Mông Cổ và Siberia của hiện tại.

Gideon Shelach-Lavi là giáo sư chuyên ngành Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Hebrew ở Jerusalem. Ông cũng là đồng tác giả của nghiên cứu mới phân tích một ngôi mộ từ thế kỷ 12 được tìm thấy trong khu vực này.

Khu vực phát hiện ngôi mộ thời Thành Cát Tư Hãn. Ảnh: Archaeological Research in Asia

Giáo sư cho biết: "Khi Thành Cát Tư Hãn lên nắm quyền, khu vực này đã biến đổi từ một vùng đất xa xôi không có chính quyền trung ương thành trung tâm của một đế chế mới".

Nhóm nghiên cứu của ông hy vọng rằng cuộc khai quật ngôi mộ thuộc về "một người phụ nữ ưu tú", có thể phác họa bức tranh về cuộc sống của con người nơi đây từ khi trải qua thời kỳ hỗn loạn đến lúc trở thành trung tâm quyền lực của toàn Mông Cổ.

Thời xưa, quê hương của Thành Cát Tư Hãn là vùng biên giới của nước Liêu (đế chế của người Khiết Đan) từ năm 916 đến năm 1125. Nơi này bị bỏ hoang sau khi Hoàng Nhan A Cốt Đả lãnh đạo một cuộc nổi dậy lật đổ nhà Liêu, lập lên triều đại nhà Kim (1115 -1234).

Sau đó, khu vực này trở thành nơi tranh chấp của nhiều thế lực chính trị. Ngôi mộ được tìm thấy trong pháo đài có tên Khar Nuur, thuộc về một người phụ nữ lớn tuổi, dường như đã mất hết răng trước khi chết.

“Ngôi mộ nằm ở khu vực phía đông, nơi sinh sống của các nhóm người tham gia vào cuộc nổi dậy của người Mông Cổ vào thế kỷ 12. Trước đó, nơi đây là thuộc vùng biên giới nhà Liêu và nhà Kim”, các nhà nghiên cứu viết.

Cổ vật tìm thấy trong mộ. Ảnh: Archaeological Research in Asia

Shelach-Lavi cho biết, ngôi mộ này có thể đã được lập sau khi nhà Liêu sụp đổ, trong thời kỳ nhà Kim, hoặc những năm Mông Cổ mới thành lập.

Nhóm của ông tin rằng pháo đài đã bị bỏ hoang vào thời điểm người phụ nữ được chôn cất. Tuy nhiên, pháo đài không bị bỏ hoang quá lâu và "chắc chắn vẫn tồn tại trong tiềm thức của những người dân địa phương".

Cách chôn cất của ngôi mộ khá giống với của người Mông Cổ, nhưng cũng có khác biệt đáng kể. Theo đó, ngôi mộ không có bề mặt được xây băng đá, cũng không có nhiều đồ gốm chôn cùng. Ngoài ra, thi thể cũng được chôn nông hơn so với các ngôi mộ truyền thống của người Mông Cổ.

Bên cạnh đó, ngôi mộ còn chứa rất nhiều hiện vật chứng minh người phụ nữ này thuộc một gia đình danh giá và được trọng vọng.

Shelach-Lavi cho biết: “Ngôi mộ có thể là yếu tố quan trọng giúp ta hiểu rõ bối cảnh trước sự trỗi dậy của Thành Cát Tư Hãn và đế chế Mông Cổ".

Khu vực này phát triển thần tốc sau khi Thành Cát Tư Hãn nắm quyền. Ảnh: National Palace Museum

Quyết định chôn người phụ nữ trong pháo đài gần biên giới cũng khiến các nhà khảo cổ học tò mò và đưa ra nhiều giả thuyết.

Có ý kiến cho rằng tang lễ là một phần của bản sắc địa phương và khắc họa xã hội thời đó. Giáo sư Shelach-Lavi nêu ra khả năng bộ tộc này có thể có mối quan hệ mật thiết với pháo đài.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng pháo đài này có uy tín đặc biệt và việc chôn cất người phụ nữ ở đó chứng minh bà có vị trí quan trọng trong cộng đồng lúc bấy giờ.

Cuối cùng, họ đưa ra giả thuyết rằng việc chôn cất nhằm mục đích thiết lập quyền sở hữu đối với lãnh thổ đó. Ba giả thuyết này không loại trừ lẫn nhau.

Việc chôn cất cho thấy khi triều đình nhà Liêu và nhà Kim rút khỏi khu vực này, nơi đây đã tự lập nên xã hội với bản sắc văn hóa, thể quyền lực và uy tín.

Sự thể hiện quyền sở hữu lãnh thổ và văn hóa đi đôi với chiến tramh, tạo ra thời kỳ hỗn chiến và cuối cùng kết thúc bằng sự thống trị của người Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn đứng đầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn