MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bi hài đằng sau những tấm huy chương trong xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT

Mi Lan LDO | 03/08/2022 10:59
Số lượng huy chương từng làm khó nhiều nghệ sĩ khi làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT).

Theo Nghị định 40/2021/NĐ-CP, tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu NSND yêu cầu nghệ sĩ phải có ít nhất 2 giải vàng quốc gia (trong đó có 1 giải vàng cá nhân). Nếu không có giải vàng cá nhân, nghệ sĩ sẽ phải có ít nhất 3 giải vàng quốc gia.

Với danh hiệu NSƯT, nghệ sĩ phải có ít nhất 1 giải vàng quốc gia và 2 giải bạc quốc gia (trong đó có 1 giải vàng cá nhân)...

Với những cá nhân có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc nhưng thiếu giải thưởng theo quy định sẽ được hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Nghị định 40/2021/NĐ-CP so với Nghị định 89/2014/NĐ-CP được cho là đã hoàn thiện hơn, cởi mở hơn, nới lỏng hơn trong việc xét tặng danh hiệu để “không bỏ sót tài năng”. Thế nhưng, khi đi vào thực tế, mùa xét tặng danh hiệu nghệ sĩ theo Nghị định 40/2021/NĐ-CP vẫn đang gây bức xúc, tranh cãi ồn ào - không kém những mùa xét tặng trước.

Bi hài đằng sau tấm huy chương

Khi huy chương trở thành “kim chỉ nam” quan trọng bậc nhất trong hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã gây ra nhiều bi hài.

Có thể lấy đơn cử từ trường hợp của NSƯT Thanh Quý. Vốn là diễn viên trực thuộc quản lý của Hãng phim truyện Việt Nam, nghệ sĩ Thanh Quý với những dấu ấn của mình trong điện ảnh đã được phong tặng danh hiệu NSƯT. Tuy nhiên, sau khi nghỉ hưu, NSƯT Thanh Quý không còn tham gia đóng phim điện ảnh. Vì lý do này, bà không được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND ở lĩnh vực điện ảnh (đặc biệt trong bối cảnh Hãng phim truyện Việt Nam gặp nhiều biến cố sau khi xã hội hóa).

NSƯT Thanh Quý sau khi nghỉ hưu ở Hãng phim truyện Việt Nam, bà tích cực tham gia phim truyền hình, nhưng vẫn dừng lại ở NSƯT. Ảnh: NSX

Tuy nhiên, với truyền hình, NSƯT Thanh Quý lại là gương mặt nổi bật. Trong 5 năm trở lại đây, nghệ sĩ Thanh Quý liên tục xuất hiện trong những bộ phim gây bão màn ảnh nhỏ, với những vai diễn được giới chuyên môn ngợi khen.

Những nghệ sĩ khi về hưu, dù hoạt động năng nổ ở một lĩnh vực khác, sẽ vẫn chỉ dừng lại là NSƯT, rất khó để trở thành NSND.

Một nghịch lý khác, những nghệ sĩ về hưu cũng sẽ không có cơ hội tham gia các hội diễn, liên hoan nghệ thuật để giành huy chương. Trường hợp này giống với những nghệ sĩ làm công tác quản lý, họ cũng thua thiệt trên hành trình giành huy chương so với những nghệ sĩ chỉ đơn thuần làm công tác biểu diễn.

Khi huy chương trở thành cơ hội để nhắm đến mục đích được xét tặng danh hiệu, nhiều nghệ sĩ đã miệt mài “sưu tập” từ rất sớm.

Việc “chạy đua” giành huy chương giữa các diễn viên, đạo diễn, giữa các đoàn kịch, nhà hát từng làm nên sự bi hài ở các kỳ liên hoan nghệ thuật, khi huy chương là “những cơn mưa”. Ai đến dự liên hoan, hội diễn, cũng có huy chương mang về.

Việc trao huy chương cho những người không xứng đáng cũng từng gây tranh cãi suốt thời gian dài. Gần nhất, một người có án ấu dâm như Minh Béo cũng đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021.

"Nếu huy chương chỉ để nhắm đến danh hiệu thì quả là không ổn. Bởi nghệ sĩ được khán giả yêu mến, đồng nghiệp công nhận đâu phải chỉ vì danh hiệu, mà còn bằng nhân cách, đạo đức và tài năng" - NSND Thanh Tuấn khẳng định.

Trả lời báo chí xoay quanh chuyện huy chương và xét tặng danh hiệu, NSND Lệ Thủy cũng đưa quan điểm: "Có nghệ sĩ rất tích cực dự thi để tìm giải thưởng. Một khi vẫn còn sử dụng huy chương như tiêu chuẩn quan trọng để xét danh hiệu, xem nhẹ yếu tố tài năng, sự cống hiến và sức lan tỏa thì sẽ còn tồn tại một bộ phận nghệ sĩ chỉ tìm đến các cuộc thi, liên hoan, hội diễn để tích lũy huy chương".

Phải đến khi về hưu, Minh Hằng mới được xét tặng danh hiệu NSND. Ảnh: FBNV

Việc tích lũy, “sưu tập” huy chương được ví như một “biến chứng” khác của bệnh thành tích. “Biến chứng” này gây ra nghịch cảnh: Nhiều nghệ sĩ thực lực, tài năng nhưng không đủ huy chương để được xét tặng danh hiệu, trong khi không ít nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nhưng không ai biết là ai.

Truy tặng và xét tặng vội vã

Câu chuyện truy tặng danh hiệu NSƯT cho cố diễn viên Văn Hiệp cách đây 9 năm vẫn là trường hợp điển hình về những nghệ sĩ tài năng, được khán giả yêu mến nhưng lại không có huy chương để được xét tặng danh hiệu.

Những nghệ sĩ hoạt động tự do như cố NSƯT Văn Hiệp cũng sẽ không có cơ hội tham gia hội diễn, liên hoan nghệ thuật để giành huy chương vàng, bạc.

Nhiều nghệ sĩ đến khi mất mới được truy tặng danh hiệu nghệ sĩ một cách cấp tập. Nhiều nghệ sĩ đến khi về hưu mới được xét tặng danh hiệu.

Theo đạo diễn - NSND Thanh Vân, để xét tặng danh hiệu cho nghệ sĩ, nên chăng dựa vào nhiều yếu tố, dựa trên nhiều tiêu chí đánh giá. Trong đó tài năng, cống hiến (được giới chuyên môn thẩm định), sự lan tỏa danh tiếng, sức ảnh hưởng với công chúng, đóng góp xã hội, nhân cách đạo đức... đều có thể là những yếu tố để đề xuất xét tặng NSND, NSƯT. 

Mời Quý vị cùng lắng nghe chương trình Giờ thứ 9 của Báo Lao Động

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn