MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một bức tranh trong triển lãm "Hồ Xuân Hương" nhưng không bị yêu cầu gỡ. Ảnh: BTC

Bi kịch "cảnh nóng" của Kiều và nỗi khổ "phồn thực" của Hồ Xuân Hương

Mi Lan LDO | 26/07/2022 07:02
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương và nàng Kiều của Nguyễn Du có một điểm giống nhau, những sản phẩm nghệ thuật sau này lấy cảm hứng từ cuộc đời họ thường gây tranh cãi, thậm chí bị chỉ trích dung tục, phản cảm.

“Điểm nhạy cảm” dễ bị khai thác

Chỉ trong năm 2021, hai bộ phim điện ảnh “Kiều” và “Kiều @” đều tuyên bố lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của Nguyễn Du lần lượt ra mắt. Tuy nhiên, cả hai tác phẩm đều bị phản ứng dữ dội. “Kiều @” bị chỉ trích dựa hơi “Truyện Kiều” để gây chú ý trong khi tác phẩm lấy cảm hứng chủ yếu từ “Nửa đời hương phấn”.

Với “Kiều” của đạo diễn Mai Thu Huyền bị giới chuyên môn đánh giá là thảm họa điện ảnh, đã phá nát “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Ngoài việc bị chê thiếu hiểu biết về lịch sử, không phân biệt được chữ Hán - chữ Nôm, bộ phim “Kiều” còn khiến khán giả giận dữ khi tái hiện một cách hời hợt, nông cạn nhân vật Kiều giai đoạn nàng bán mình chuộc cha.

Đa số người xem đánh giá Kiều có kịch bản non nớt, diễn viên diễn xuất đơ cứng, nhạt nhòa và những cảnh nóng thực hiện thô, sống sượng, phản cảm.

Nàng Kiều của Nguyễn Du có thân phận thấm đẫm bi kịch. Cuộc đời Kiều trải qua dồn dập biến cố, kể từ khi tan vỡ mối tình với Kim Trọng, đến khi gia đình họ Vương lầm than, Kiều bán mình chuộc cha đến mối duyên tràn ngập nước mắt với Từ Hải... Thế nhưng, câu chuyện thu hút nhất với các tác phẩm lấy cảm hứng từ cuộc đời nàng Kiều luôn nằm trong giai đoạn Kiều bán mình vào lầu xanh, sống cuộc đời kỹ nữ. Đây được ví là điểm yếu, “điểm nhạy cảm”, là nội dung dễ thu hút nhất khi làm về Kiều.

Trong cả hành trình dài của cuộc đời lưu lạc, giai đoạn Thúy Kiều bán mình vào lầu xanh được các tác phẩm sau này khai thác nhiều nhất. Ảnh: NSX

Bộ phim điện ảnh “Kiều” chọn khai thác cuộc đời Kiều từ thời điểm bán mình chuộc cha cho đến lúc từ giã Thúc Sinh. Thế nhưng, nếu trong tác phẩm của Nguyễn Du, diễn biến tâm lý của Kiều chìm trong đau khổ, day dứt, vừa bán mình chuộc cha, vừa đau đáu quá khứ, vừa muốn vượt thoát... Kiều trên màn ảnh lại gần như vô hồn, vô cảm. Phim hứng chịu những chỉ trích gay gắt mà đến chính đạo diễn Mai Thu Huyền cũng “không lý giải được”.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương và câu chuyện về triển lãm tranh phản cảm, dung tục cũng có nét tương đồng như thế. Nếu giai đoạn bán mình vào lầu xanh là “điểm nhạy cảm” của Kiều, thì dục tính trong thơ ca của Hồ Xuân Hương chính là điểm nhạy cảm về nữ sĩ.

Thơ Hồ Xuân Hương thể hiện bản năng dục tính mạnh mẽ. Hiếm có ai, chỉ miêu tả những vật dụng đơn sơ, giản dị như bánh trôi nước, quả mít... cũng đầy hình ảnh gợi tình như thế. Nhưng dục tính, hay phần “tục” trong thơ Hồ Xuân Hương chỉ là phần nổi để chuyển tải thông điệp chiều sâu bên trong là “khí chất” của một phụ nữ có tư duy vượt thời như Hồ Xuân Hương.

Triển lãm “Hồ Xuân Hương“. Ảnh: LĐ

Thông điệp sâu xa nằm sau “điểm nhạy cảm”

Loạt tranh bị yêu cầu gỡ bỏ phác họa hình ảnh nữ sĩ Hồ Xuân Hương với tất cả sự phồn thực, sexy như... hentai (khiêu dâm) Nhật Bản. Nữ sĩ không được đặt trong bối cảnh lịch sử thời đại mình, không được thấu hiểu bên trong những chữ nghĩa “tục giảng thanh”, không có bất kỳ thông điệp nào về nữ quyền vượt thời mà Hồ Xuân Hương đã làm được.

Tranh “tô vẽ” Hồ Xuân Hương theo đúng phần “tục” mà họa sĩ cảm nhận được: Sexy, phồn thực. Những chuẩn mực về “phồn thực” cũng được cấp tiến hóa với những chiếc áo ngực hiện đại, vẻ “phong nhũ phì đồn” hiện đại, bụng Hồ Xuân Hương trên tranh còn lộ rõ phần cơ phần múi (nhiều cô gái hiện đại phải tập gym để có được).

Khi không thấy được phần sâu bên trong câu chữ, “tục mà thanh, thanh mà tục” của Hồ Xuân Hương sẽ rất khó phác họa được tinh thần và khí chất của bà. Nỗi khổ của Hồ Xuân Hương là đã làm thơ quá mạnh mẽ, đã thể hiện khát vọng dục tính ẩn dụ trong từng câu chữ, để rất nhiều người phóng tác về bà luôn ám ảnh về sự phồn thực, luôn chỉ thấy một Hồ Xuân Hương phóng túng, lẳng lơ trong thi ca.

Hình ảnh Hồ Xuân Hương minh họa trên cuốn sách tuyển tập thơ của bà. Ảnh: CMH

Cũng giống như bi kịch của nàng Kiều, với “điểm nhạy cảm” làm gái lầu xanh, bất kỳ bộ phim, tác phẩm nào làm về đề tài “gái ngành”, “gái bán hoa” cũng có thể “rêu rao”: “Đây là tác phẩm lấy cảm hứng từ Truyện Kiều, từ cuộc đời nàng Kiều”.

Như thể, nhắc đến Hồ Xuân Hương chỉ có mỗi chuyện chăn gối, và nhắc đến Kiều chỉ có chuyện bán thân vậy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn