MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bi kịch của “cảnh nóng”

Mi Lan LDO | 09/08/2022 16:15
Mới đây, hội thảo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về kiểm duyệt phân loại, dán nhãn phim theo độ tuổi một lần nữa lại đặt “cảnh nóng” vào tranh cãi.

Luật Điện ảnh sửa đổi kéo theo những thay đổi trong quy định dán nhãn, phân loại phim.

Tại buổi hội thảo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, câu chuyện “cảnh nóng” và những quy định trong việc phân loại phim C13 (cấm trẻ em dưới 13 tuổi), T18 (cấm trẻ em dưới 18 tuổi) khiến nhiều nhà làm phim thắc mắc.

Đơn cử, với phim C13 quy định “cảnh tình dục không được mô tả thường xuyên”, phim T18 “không có hình xăm phản cảm”, hay vấn đề kiểm duyệt cảnh tình dục quy định “được thể hiện một cách nghệ thuật hay chân thực”…

Tất cả những quy định này đều được cho là chung chung, không cụ thể, rõ ràng. Như thế nào là “mô tả thường xuyên”, như thế nào được coi là “phản cảm”, quay cảnh nóng như thế nào được coi là “chân thực”, “nghệ thuật”? Những quy định này mới dừng lại ở việc định hình chứ chưa có tính định lượng.

Chính vì khó khăn trong việc định lượng được rõ ràng, cụ thể tính phản cảm, tính chân thực, hay tính nghệ thuật, nên cảnh nóng luôn là đề tài gây tranh cãi.

Trong suốt hành trình phát triển của ngành điện ảnh, cảnh nóng là chất liệu không thể thiếu, nhưng cũng là “tội đồ” khiến tác phẩm nghệ thuật điêu đứng giữa tranh cãi.

Giá trị và thị phi của “cảnh nóng”

Cảnh nóng là chất liệu không thể thiếu của điện ảnh. Ảnh: NSX

“Cảnh nóng” – từ để chỉ những cảnh sex trong điện ảnh – luôn là chất liệu đặc biệt. “Cảnh nóng” vừa là đề tài giàu tính điện ảnh, vừa là chủ đề dễ gây tranh cãi, vừa là “chiêu bài” để quảng bá, câu khách, kéo khán giả tới rạp.

New York Times từng có những bài viết phân tích sâu về chủ đề “cảnh nóng”, lý giải vì sao giới làm phim thích dùng “cảnh nóng” như mũi tên có thể đâm trúng nhiều đích, vừa làm nghệ thuật vừa bán vé.

Xét dưới góc nhìn như một chất liệu điện ảnh đặc biệt, “cảnh nóng” là phương pháp để miêu tả tâm lý, sự phức tạp của con người.

Theo New York Times, “cảnh nóng” hay đời sống tình dục là một phần con người, là nơi diễn ra những góc khuất tâm lý vừa tăm tối nhất vừa cao đẹp nhất, vừa bản năng nhất vừa khó hiểu nhất.

Chính bởi “cảnh nóng” chứa đựng những biểu tượng về bản năng, tính dục, cũng như những góc khuất sâu thẳm nhất trong tâm lý con người – nên điện ảnh và giới làm phim ưa thích khai thác ở nhiều góc độ.

Điện ảnh thế giới đã chứng kiến rất nhiều tác phẩm tràn ngập cảnh nóng được giới phê bình tán dương, khen ngợi.

Nhiều tác phẩm điện ảnh xử lý cảnh nóng tinh tế, chân thực, từ đó khai thác sự phức tạp trong tâm lý con người, những biến chuyển tình cảm của họ ẩn sâu nơi bản năng.

“Sắc, Giới” của đạo diễn Lý An có thể là một đơn cử cho trường hợp này.

“Sắc, Giới” miêu tả trần trụi cảnh nóng giữa 2 nhân vật Vương Giai Chi (Thang Duy) và Dịch tiên sinh (Lương Triều Vỹ) với những biến chuyển trong tâm lý, tình cảm của mối quan hệ giữa 2 nhân vật 2 bờ chiến tuyến.

Đạo diễn Lý An khai thác cảnh nóng táo bạo để diễn đạt tâm lý nhân vật trong “Sắc, Giới“. Ảnh: Xinhua

Rất nhiều tác phẩm khai thác cảnh nóng gây tranh cãi dữ dội, người khen rất khen, người chê “hết lời hết lẽ”. Với nhiều tác phẩm, chỉ riêng tranh cãi xoay quanh những cảnh nóng, giới phê bình và khán giả đại chúng đã bị chia rẽ sâu sắc, khi góc nhìn và cách tiếp cận câu chuyện khác nhau.

Nhiều bộ phim ra mắt hàng chục năm sau vẫn nằm trên lằn ranh giữa nghệ thuật và phản cảm.

Tất nhiên, cũng hằng hà sa số những tác phẩm chỉ đơn giản dùng cảnh nóng để câu khách. Cảnh nóng chỉ là... cảnh sex, không chứa đựng bất kỳ thông điệp nào.

Khi cảnh nóng xuất hiện vô lối, vô nghĩa trên phim sẽ bị chỉ trích vì sự dung tục, phản cảm, câu khách lộ liễu, như “50 sắc thái” hay “365 Days”.

Khai thác cảnh nóng nghệ thuật rất khó

Có thể lấy câu chuyện mang tính điển hình cho sự “khó nhằn” khi khai thác cảnh nóng là “Rừng Nauy”. Bộ phim “Rừng Nauy” của đạo diễn Trần Anh Hùng được chuyển tải từ tác phẩm văn học cùng tên của Nhật.

Ở tác phẩm văn học “Rừng Nauy” của Murakami Haruki tràn ngập những trang viết nóng bỏng diễn tả mối quan hệ phức tạp giữa các nhân vật.

Dù với mật độ dày đặc những trang viết miêu tả “chuyện ấy”, nhưng đọc “Rừng Nauy” – người ta không thấy ở đó sự phản cảm, dung tục hay gợi dục, xuyên suốt những trang viết của “Rừng Nauy” là sự trống rỗng, mất phương hướng, là nỗi buồn thê lương của tuổi trẻ.

Cảnh trong phim “Rừng Nauy“. Ảnh: NSX

Những nhân vật ở “Rừng Nauy” như Watanabe Toru, Naoko... ngay cả khi kết nối với nhau qua “chuyện ấy” họ cũng buồn đến thê lương và trống rỗng.

“Rừng Nauy” đã đưa Murakami Haruki thành nhà văn hàng đầu Nhật Bản. Haruki đã miêu tả nỗi buồn thời đại qua một thế hệ thanh niên Nhật hoàn toàn mất phương hướng.

Khi quyết định chuyển thể “Rừng Nauy” lên phim, đạo diễn Trần Anh Hùng (đạo diễn từng đoạt nhiều giải thưởng uy tín bậc nhất về điện ảnh như giải Sư tử Vàng, giải Cesar) phải thừa nhận, yếu tố “cảnh nóng” là thách thức lớn nhất. Làm thế nào để miêu tả được hết chiều sâu nội tâm của các nhân vật qua những cảnh nhạy cảm?

Đạo diễn Trần Anh Hùng đã chọn cách kể một bộ phim độc lập với tác phẩm văn học, đạo diễn đảo lộn lại vị trí câu chuyện, xâu chuỗi lại cảm xúc, tiết chế bớt cảnh nóng. Khi ra mắt, phim gây tranh cãi vì “cảnh nóng” quay đẹp, trau chuốt nhưng không đủ cảm xúc, không chạm được đến trái tim người xem.

Để thấy, xử lý cảnh nóng là một thách thức, và là cả một nghệ thuật của điện ảnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn