MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh trong phim "Hạ cánh nơi anh". Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp

Biến vương tử siêu giàu Ả Rập thành trò cười và sự sa lầy của phim Hàn

Mi Lan LDO | 14/07/2023 11:11

Trong 5 năm trở lại đây, phim Hàn Quốc liên tục bị các quốc gia phản ứng khi tùy tiện xây dựng những câu chuyện bóp méo về văn hóa bản địa.

Phim Hàn liên tục bị chỉ trích vì xâm phạm văn hóa

Ngày 13.7, nhà sản xuất phim “King The Land” (tựa Việt: Khách sạn hoàng gia) lần thứ 2 phải lên tiếng xin lỗi khán giả Ả Rập khi hứng chịu sự tẩy chay, chỉ trích dữ dội từ quốc gia này.

Theo đó, trong bộ phim “King The Land” đang được phát sóng rộng rãi trên nền tảng số, đạt rating “khủng” toàn cầu, đạo diễn đã xây dựng nhân vật vương tử Ả Rập là một tay chơi, mê gái, tiêu tiền không tiếc tay cho những thú vui xa xỉ.

Ngay khi xuất hiện, nhân vật vương tử Ả Rập Samir (do diễn viên viên Ấn Độ Anupam Tripathi thủ vai) đã được nam chính Gu Won (Lee Jun Ho) miêu tả: “Samir là một “tay chơi", thích uống rượu, tiệc tùng và tán tỉnh phụ nữ. Rất nhiều cô gái đã qua tay anh ta. Chưa kể, Samir còn có vợ”.

Trong suốt những phân cảnh về Samir, vương tử Ả Rập luôn thể hiện sự lố bịch, khoe mẽ, phô trương sự giàu có, và theo đuổi Sa Rang (YoonA) một cách hài hước, vô vọng.

Đạo diễn, biên kịch “King The Land” đã cố tạo ra thế đối sánh giữa vương tử Samir và Gu Won, Samir như một chàng hề gây cười khi đứng bên cạnh sự lịch lãm, đẹp trai, ngọt ngào của nam chính Gu Won.

Tập 7, tập 8 với hình ảnh vương tử Samir gây cười đã bị khán giả Ả Rập phản ứng dữ dội.

“King The Land” bị kêu gọi tẩy chay trên khắp các nền tảng. Chỉ trong vòng 4 ngày, điểm số của bộ phim trên nền tảng iMDB tụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn 1,8/10 điểm. Hàng trăm nghìn khán giả chấm 1 điểm cho bộ phim với những đánh giá chỉ trích nội dung.

Hình ảnh vương tử Samir trên phim “King The Land” bị khán giả Ả Rập phản ứng dữ dội. Ảnh: Chụp màn hình

Nhà sản xuất nhận thấy sự nghiêm trọng của vụ việc đã phải xin lỗi đến lần thứ 2, và vẫn tiếp tục biện minh cho rằng, “mọi nhân vật trên phim đều là hư cấu”.

Trước “King The Land”, nhiều bộ phim của Hàn Quốc đã bị chỉ trích vì sự hư cấu, sáng tạo quá đà dựa trên văn hóa, lịch sử của quốc gia khác.

Gần nhất, phim “Hẹn gặp anh ở kiếp thứ 19” cũng khiến khán giả Iran phẫn nộ vì có tình tiết nữ chính Ban Ji Eum (Shin Hye Sun thủ vai) tuyên bố rằng, cô đã phát minh ra rượu Arak trong kiếp sống mà cô là người Ả Rập.

Năm 2019-2020, bộ phim “Hạ cánh nơi anh” từng khiến khán giả Triều Tiên phẫn nộ bởi cho rằng, bộ phim hoàn toàn bóp méo, xây dựng sai lệch hình ảnh, đất nước, con người của Triều Tiên. Nhiều bộ phim Hàn Quốc “sa lầy” trong cách xây dựng hình ảnh về Triều Tiên và bị quốc gia này chỉ trích.

Bộ phim “Hạ cánh nơi anh” từng bị Triều Tiên chỉ trích vì xây dựng sai lệch về đất nước, con người Triều Tiên. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp

Năm 2021, bộ phim “Little Women” của Hàn Quốc bị gỡ bỏ khỏi nền tảng Netflix Việt Nam khi xuyên tạc về lịch sử Việt Nam.

Sự sa lầy của hư cấu

Ở bất kỳ bộ phim Hàn nào, khi bắt đầu tập phim, khán giả đều dễ dàng nhìn thấy dòng chữ thông báo, “tất cả mọi câu chuyện, nhân vật, bối cảnh trong phim đều là hư cấu”.

Dựa vào cái cớ “hư cấu” này, các biên kịch Hàn đã phóng bút viết với mong muốn phát huy tối đa sự sáng tạo. Họ tin rằng, với cái cớ “hư cấu”, họ có thể biến mọi điều không có thật thành câu chuyện đáng tin như thể có thật. Và rằng, họ có quyền được “chế biến” những câu chuyện có thật thành kịch bản ăn khách theo cách họ muốn.

Sự lạm dụng quá đà trong khai thác văn hóa, lịch sử đã nhiều lần đưa phim Hàn vào rắc rối. Ngay với chính quốc gia mình, nhiều phim Hàn cũng bị kêu gọi tẩy chay vì bóp méo, xuyên tạc lịch sử, có thể kể đến như: Hoa tuyết điểm (Snowdrop), Chàng hậu (Mr. Queen), Hoàng hậu Ki (Empress Ki), Quân vương bất diệt (The King: Eternal Monarch)...

“King The Land” tiếp tục là bài học với các nhà làm phim Hàn. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp

Trong guồng quay công nghiệp với nhiều sức ép, phải liên tục cho “ra lò” những kịch bản hay, hấp dẫn, mới lạ... Các nhà làm phim Hàn đã quên mất rằng, riêng với lãnh địa văn hóa, lịch sử, dù có sáng tạo đến đâu, hư cấu đến đâu, cũng phải dựa trên sự hiểu biết, trân trọng. Nhất là với các quốc gia khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn