MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bình Định: Phát hiện nhiều cổ vật tại phế tích tháp Chăm cổ Châu Thành

Hoài Luân LDO | 18/08/2022 17:33

Bình Định - Qua kết quả khai quật khảo cổ phế tích tháp Chăm cổ Châu Thành đợt 3, nhiều cổ vật mới được phát hiện là minh chứng để xác định rõ niên đại của kiến trúc tháp cổ này. 

Nhiều cổ vật được phát hiện trong cuộc khai quật khảo cổ phế tích tháp Chăm cổ Châu Thành đợt thứ 3.

Ngày 18.8, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Sở VH-TT tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ phế tích tháp Chăm cổ Châu Thành (thị xã An Nhơn, Bình Định) lần thứ 3, năm 2022.

Nhiều mảnh ngói có hoa văn hình hoa sen được phát hiện. 

Tại hội nghị, Tiến sĩ Phạm Văn Triệu - chủ trì cuộc khai quật Thành Cha (Viện Khảo cổ học) - thông tin: Trong đợt khai quật lần 3 ở tháp Châu Thành, đơn vị khảo cổ phát hiện 3 kiến trúc mới của 2 giai đoạn lịch sử khác nhau, gồm: Di tích 2022.CT.II.TB01, di tích 2022.CT.II.TB02, di tích giai đoạn 3.

Mảnh đạn chì, đồ gốm, sứ được tìm thấy trong đợt khảo cổ lần thứ 3. 

Ngoài ra, trong quá trình khai quật, đơn vị cũng phát hiện rất nhiều hiện vật, vật liệu kiến trúc, đồ đá, gồm: Gạch, đầu ngói ống, ngói âm dương, mảnh gốm trang trí kiến trúc và điểm góc, đá ong, mảnh tượng, mảnh bia ký, đồ gốm (gốm Chăm, gốm Việt), sứ, kim loại, đạn chì…

Nhóm hiện vật thời kỳ Chăm Pa niên đại thế kỷ IV - VI. 

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Triệu, qua kết quả khảo cổ đợt 3, có thể phán đoán phế tích tháp Châu Thành này đã tồn tại lâu đời và có quy mô lớn, phản ánh được cả giai đoạn lịch sử của 1 kinh đô người Chăm Pa xưa. Đồng thời, xác định được rõ niên đại hình thành sớm nhất của phế tích tháp Châu Thành từ thế kỷ IV – VI.

Bên cạnh đó, những tư liệu khảo cổ phát hiện ở tháp Châu Thành có sự tương đồng với các công trình kiến trúc cổ tại thành Trà Kiệu (Quảng Nam), Cổ Lũy (Quảng Ngãi), thành Hồ (Phú Yên), điều này minh chứng cho giai đoạn thống nhất về mặt lãnh thổ của người Chăm Pa kéo dài đến 3 thế kỷ.

Tiến sĩ Lê Đình Phụng khẳng định, các cổ vật được phát hiện trong đợt khảo cổ lần 3 là bằng chứng lịch sử về kinh đô đầu tiên của Lâm Ấp tại Bình Định.

Tại hội nghị, Tiến sĩ Lê Đình Phụng - Ủy viên Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, mặc dù công tác khảo cổ chịu nhiều chi phối về kinh phí, thời gian và những bằng chứng giá trị lịch sử của công trình kiến trúc. Tuy nhiên, phế tích tháp Châu Thành là 1 trong 2 công trình kiến trúc cổ của người Chăm (phế tích thứ nhất là Thập Tháp) có quy mô lớn, là bằng chứng lịch sử về kinh đô đầu tiên của Lâm Ấp tại Bình Định. 

Nhiều mảnh tưởng Chăm có khắc dòng chữ cổ được tìm thấy.  

Theo Tiến sĩ Lê Đình Phụng, kết quả khảo cổ là những tư liệu khoa học góp phần làm rõ văn hóa, lịch sử Bình Định cũng như văn hóa lịch sử Chăm Pa.

Đánh giá về những kết quả khảo cổ học tại tháp Châu Thành, ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT Bình Định cho biết: Thông qua kết quả khảo cổ trên, ngành văn hóa Bình Định sẽ phối hợp với Viện Khảo cổ học và các ngành chuyên môn, nhà khoa học xây dựng, xếp loại di tích và tiếp tục nghiên cứu, khảo cổ, làm rõ các giá trị văn học, lịch sử, tôn giáo từ phế tích tháp Châu Thành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn