Các ngôi sao Kpop nỗ lực truyền bá văn hoá truyền thống
"Ngành công nghiệp thần tượng" không chỉ mang lại những lợi ích lớn về mặt kinh tế, giải trí mà góp phần truyền bá văn hoá quê hương thông qua sản phẩm âm nhạc của các ca sĩ, nhóm nhạc.
Những ngôi sao xứ Hàn luôn biết cách lồng ghép khéo léo biểu tượng văn hoá truyền thống như Hanbok, nhạc cụ dân tộc... vào trong các MV ca nhạc cũng như hình ảnh của mình. Trong đó, nổi bật nhất có thể kể đến Blackpink, BTS, TWICE, Kai (EXO)...
Hanbok luôn được phủ sóng khắp các bộ phim truyền hình, điện ảnh, quảng cáo cho đến những MV của các nhóm nhạc thần tượng.
Blackpink từng sử dụng Hanbok cách tân trong MV How you like that và khiến trang phục này trở nên "cháy hàng" trên các sàn thương mại điện tử. Trang phục truyền thống của Hàn Quốc còn xuất hiện trong MV Peaches (Kai), Cheer Up (Twice), Arario (Topp Dogg) Tiger Inside (Super M), Fiancé (Mino)...
Bên cạnh trang phục truyền thống, các nhạc cụ dân tộc và một số vật dụng biểu tượng cũng rất được ưa chuộng và thường xuyên góp mặt trong nhiều sản phẩm âm nhạc.
Trong ca khúc Idol (BTS), nhóm nhạc toàn cầu đã kết hợp hàng loạt các biểu tượng như Kkwaenggwari (chiêng bằng đồng/thau), Gakgung (cung Hàn) và Janggu (trống truyền thống).
Arario của Topp Dogg cũng là minh chứng rõ nét cho sự kết hợp hài hoà của văn hoá truyền thống. Nhóm nhạc này đã sử dụng các nhạc cụ gõ khác nhau gồm piri, sáo trúc và gayageum (tương tự đàn tranh).
Ca khúc Fiancé (Mino) kết hợp âm nhạc Hàn Quốc mọi thời đại. Từ ca khúc Soyanggang Maiden (1969), Mino đã kết hợp khéo léo với nhạc cụ và lối chơi chữ để đưa đặc trưng văn hoá vào lời bài hát.
Để làm nổi bật nét truyền thống, BTS và Topp Dogg còn biểu diễn pungmul dân gian (âm nhạc dân gian của Hàn Quốc bao gồm đánh trống, khiêu vũ và ca hát). Ngoài ra, nhóm còn sử dụng phong cách kể chuyện pansori, múa mặt nạ. Bên cạnh đó, trong nhiều MV Kpop, các nhóm nhạc thần tượng còn phục dựng lại bối cảnh cung đình hay các địa điểm nổi tiếng của Hàn Quốc.
Song song với các thần tượng xứ Hàn, nữ thần tượng người Thái – Lisa (Blackpink) cũng khéo léo đưa những nét đặc trưng của xứ chùa Vàng vào MV Lalisa. Cô đã sử dụng âm nhạc, điệu múa, trang phục, chữ viết và cả bản đồ Thái Lan trong bài hát của mình, mang đậm văn hoá quốc gia.
Tranh cãi vấn đề bảo tồn văn hoá
Xu hướng đưa văn hoá truyền thống vào MV ca nhạc đang có chiều hướng tăng lên. Điều này giúp mở ra những ý tưởng mới và khác biệt. Tuy nhiên, việc lồng ghép vào âm nhạc đôi khi cũng vấp phải “lằn ranh đỏ” và sự phản đối từ phía công chúng.
Câu chuyện Hanbok cách tân thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu văn hoá, truyền thông cho đến những khán giả thông thường. Kiểu trang phục này vấp phải ý kiến trái chiều về việc bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống.
Vào năm 2018, Giáo sư Keum Jong-suk (Đại học Di sản Văn hóa Hàn Quốc) thông qua diễn đàn “Mặc trang phục của chúng ta đúng cách” đã bày tỏ quan điểm: “Tôi lo lắng rằng Hanbok truyền thống đang mất dần vị trí của mình trong xã hội”.
Nhà thiết kế Danha, người sáng tạo Hanbok cho Blackpink lại nêu ý kiến: “Cách tân Hanbok không có nghĩa là tôi không tôn trọng hay coi nhẹ truyền thống. Tôi muốn quảng bá Hanbok có thêm sức hấp dẫn đa dạng hơn là chỉ thể hiện nét thanh lịch và nữ tính. Tôi cũng muốn Hanbok giành được một chỗ đứng trong thị trường thời trang nước ngoài”.
Việc đưa các nhạc cụ, biểu tượng dân tộc hay những gì thuộc về truyền thống thường dễ gây ra tranh cãi. Bởi, mỗi giá trị văn hoá đều có cách thể hiện riêng, nếu người sử dụng không đủ khả năng làm nổi bật điều muốn truyền tải, công chúng có thể hiểu sai lệch về chúng.
Điều đó đòi hỏi mỗi nhóm nhạc Kpop cần cẩn trọng hơn, cân bằng giữa hiện đại và truyền thống, thể hiện văn hoá quốc gia một cách tinh tế và phù hợp.
Mặc dù còn nhiều tranh cãi, song không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của các ngôi sao Kpop mang lại đối với nền văn hoá Hàn Quốc nói riêng và Châu Á nói chung.