MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Họp báo Tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn. Ảnh: Hải Nguyễn

Bức tranh sinh động về cuộc sống công nhân và vai trò của tổ chức Công đoàn

Mi Lan LDO | 25/11/2023 13:09

Ngày 26.11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ diễn ra Lễ Tổng kết và Trao giải Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn do Báo Lao Động tổ chức, Tổng LĐLĐVN chủ trì, phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam.

“Viết xong một tác phẩm về phận đời công nhân, cảm thấy mình cạn kiệt vốn sống”

Nhà thơ Hoàng Việt Hằng - tác giả 3 lần tham dự Cuộc thi viết văn về công nhân, công đoàn dùng từ “rỗng ra” để miêu tả cảm xúc sau khi sáng tác xong tác phẩm về công nhân, người lao động, bởi “đây là đề tài khó” và “người viết phải trút đến cạn kiệt vốn sống vào tác phẩm”.

Nhà văn Y Ban - thành viên Ban Giám khảo Hội đồng chung khảo, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo - nhận định, Cuộc thi viết văn về công nhân, công đoàn có quy mô lớn, vượt ngoài sức tưởng tượng, khiến các nhà văn ở cả hai hội đồng giám khảo đều bất ngờ.

Theo đó, cuộc thi thu hút được số lượng lớn tác phẩm tham gia ở cả thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết. Với gần 500 tác phẩm tham gia dự thi, nhà văn Y Ban đánh giá, Báo Lao Động đã tổ chức được một cuộc thi lớn đúng nghĩa, với giải thưởng lớn, số lượng lớn tác giả, tác phẩm tham gia, đạt quy mô lớn.

Các nhà văn cũng đánh giá, đề tài về cuộc sống của công nhân, người lao động và công đoàn rất rộng và khó viết. “Nhưng chúng tôi đã kinh ngạc trước chất lượng, góc nhìn, khả năng viết sinh động, giàu cảm xúc của các tác giả” - nhà văn Y Ban nói.

Ở phía các tác giả tham gia dự thi, chia sẻ với phóng viên Lao Động, nhà thơ Hoàng Việt Hằng khẳng định, với mảng đề tài về công nhân, công đoàn nếu không có vốn sống, không có chất liệu thực tế sẽ không thể viết được.

“Viết xong một tác phẩm về công nhân, công đoàn thấy mình như rỗng ra, vì cạn kiệt cả vốn sống, không còn lại chút gì” - nhà thơ Hoàng Việt Hằng nói.

Đồng quan điểm với nhà thơ Hoàng Việt Hằng, tác giả Đặng Huỳnh Thái cho biết, ông viết tiểu thuyết “Bể than Đông Bắc” dự thi lần này với sự kỳ công nghiên cứu, thu thập khối tư liệu đồ sộ, cộng với vốn sống 35 năm tuổi trẻ ở Cẩm Phả.

“Bể than Đông Bắc” gây ấn tượng mạnh với Ban giám khảo khi tái hiện chiều dài 100 năm lịch sử với chiều rộng khái quát sứ mệnh công nhân mỏ và chiều sâu trong mỗi phận đời.

Cuộc sống công nhân và vai trò của tổ chức công đoàn

Tác giả Viên Lan Anh tham dự với tiểu thuyết “Đôi bờ sông Mã” cũng đã viết bằng tất cả vốn sống có được. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, tác giả Viên Lan Anh dày công gom đủ chất liệu từ thực tiễn để viết về công nhân, người lao động ở hai bờ sông Mã.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Trưởng ban Giám khảo Hội đồng chung khảo của Cuộc thi viết văn về công nhân, công đoàn lần này nhận định, gần 500 tác phẩm tham dự, tác phẩm nào cũng “ngồn ngộn hiện thực, miêu tả chân thực, sinh động cuộc sống của công nhân và vai trò của công đoàn ở nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực, nhiều vùng đất”.

Tiểu thuyết “Thời gian trong cõi tạm” là hành trình dài xuyên suốt của công nhân xây dựng Hà Nội từ những năm 1980-1981 cực khổ, gian lao đến những biến đổi theo thời gian. Đọc gần 500 tác phẩm sẽ thấy sự tái hiện rõ nét, những biến cố mang tính thời đại, chiều dài của lịch sử và số phận thăng trầm của công nhân, người lao động.

Nhiều tác giả gửi gắm, sau cuộc thi này, thế hệ độc giả trẻ khi đọc tác phẩm, không chỉ hiểu hơn về cuộc đời, cuộc sống của người công nhân, sự đồng hành của công đoàn, còn thu thập được cho mình, chiều dài lịch sử trên từng mảnh đất, trên từng phận người.

Cuộc thi thu hút gần 300 tác giả là các nhà văn chuyên nghiệp, không chuyên, cán bộ công đoàn, công nhân, viên chức, học sinh, người cao tuổi và có cả Việt kiều gửi dự thi.

Tác phẩm dự thi: 498, trong đó có 412 truyện ngắn, 86 tiểu thuyết.

Báo Lao Động đăng tải 90 truyện ngắn trên Lao Động cuối tuần, 70 truyện ngắn chuyển thể thành Podscat trên laodong.vn.

Ban tổ chức cuộc thi đã tổ chức 2 chuyến đi thực tế cho các nhà văn tại Công ty Than Khe Chàm (Quảng Ninh) và Công ty Thaco (Quảng Nam).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn