MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mắm tép tiến vua, một đặc sản của xứ Thanh trong ngày Tết

Quách Du LDO | 01/02/2019 16:34
Mắm tép làng Đình Trung, xã Hà Yên, huyện Hà Trung (Thanh Hóa), còn gọi là mắm tép tiến vua. Một loại mắm được làm từ những con tép riu mà hầu như chẳng có nơi nào có. Khi chưng lên, mắm có màu đỏ au, hương vị vô cùng đặc biệt.

Tìm về làng Đình Trung, xã Hà Yên, huyện Hà Trung những ngày này, không khí đang rất rộn ràng, người dân đang tất bật thu xếp công việc để chuẩn bị cho tết Nguyên đán 2019. Tại đây, những người phụ nữ lại càng bận rộn hơn với nghề đánh tép riu (hay còn gọi là tép rong) để làm mắm, phục vụ những thực khách trong dịp tết đến xuân về.

Bà Nguyễn Thị Thi đang tất bật với công việc làm mắm tép trong những ngày cận tết. Ảnh: Quách Du 

Bà Nguyễn Thị Thi (58 tuổi, trú tại làng Đình Trung), bà Thi cho biết, gia đình mình là một trong những hộ dân tại đây theo nghề làm mắm tép nhiều đời nay. “Làm mắm tép thì làm cả năm, tuy nhiên, mỗi độ tết đến, khách hàng đặt nhiều nên việc làm mắm lại càng tất bật” – bà Thi nói.

Theo bà Thi, sở dĩ mắm được mệnh danh là mắm tép tiến vua vì từ xa xưa, nơi đây đã có loại mắm này, mắm thơm ngon nức tiếng nên vào mỗi độ tết đến, người dân trong vùng chọn những vò mắm ngon nhất để cung tiến nhà vua. Mắm được làm từ tép riu, loại tép với thân hình nhỏ, xanh trong và chỉ có trên dòng sông Hoạt (đoạn chạy qua địa bàn).

Để làm ra món mắm tép, những người phụ nữ tại Đình Trung phải dậy từ sáng tinh mơ, mang theo cái xiếc (làm bằng tre với hình tam giác, đầu to đuôi nhỏ) ra sông Hoạt để đánh tép.

Để làm ra món mắm tép tiến vua, phải trải qua rất nhiều công đoạn. Ảnh: Quách Du 

Chị Trần Thị Huyền (một người chuyên đi đánh tép) cho biết, hàng năm cứ khoảng tháng 11 âm lịch, nước sông Hoạt xuống thấp nên thuận tiện cho việc bắt tép. Thời điểm này, dù trời rất lạnh, tuy nhiên, những người phụ nữ thường phải thức dậy từ 3h sáng để đi bắt tép, công việc kết thúc vào buổi trưa cùng ngày. “Chúng tôi phải dậy từ sáng tinh mơ vì lúc này tép chưa vào bờ nên bắt được nhiều” – chị Huyền cho biết.

Theo chị Huyền, dù ngâm mình nhiều giờ dưới dòng sông lạnh ngắt, mỗi người cũng chỉ bắt được độ 3 đến 4kg tép. Giá thị trường hiện khoảng 100 nghìn/1kg.

Tép riu bắt về rồi mang đi rửa sạch, sau đó trộn với gạo rang vàng và muối, đảo đều cho đến khi con tép đỏ lên thì dừng. Tiếp đến, tép được đổ vào chum ủ (chum ủ phải ngâm qua bã rượu trước nhiều ngày). Mắm được ủ trong thời gian 1 đến 2 tháng là có thể sự dụng.

Mắm tép Đình Trung được chế biến rất đơn giản, mắm cộng một chút đường và mì chính đảo đều rồi chưng lên để dùng. Mắm tép được chấm với các đồ luộc như thịt ba chỉ, rau củ quả, bánh chưng, bánh tép…Vào mỗi dịp tết, mắm tép Đình Trung trở thành một món ngon khó cưỡng và đang được rất nhiều thực khách ưa chuộng.

Được biết, mắm tép làng Đình Trung, xã Hà Yên được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vào tháng 6.2016.

Một số hình ảnh về cách làm và thưởng thức món mắm tép.

Tép riu được bắt trên sông Hoạt (đoạn qua xã Hà Yên, huyện Hà Trung). Ảnh: Quách Du 
 Việc chế biến và ngâm ủ tép riu phải trải qua nhiều công đoạn...
...để có món mắm tép tiến vua phục vụ những thực khách. Ảnh :Quách Du 
Mắm tép Đình Trung được dùng để chấm các đồ luộc trong ngày tết. Ảnh: Quách Du 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn