MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Danh ca Cẩm Vân. Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp

Ca sĩ Cẩm Vân: Có thể làm mới nhạc Trịnh nhưng đừng hát sai lời

NGỌC DỦ - VI VI (thực hiện) LDO | 02/04/2024 07:04

Ca sĩ Cẩm Vân vừa phát hành MV “Hành hương trên đồi cao” ra mắt trùng với dịp kỷ niệm 23 năm Ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trao đổi với Lao Động, ca sĩ đã có những chia sẻ về cách hát nhạc Trịnh và những kỷ niệm một thời với cố nhạc sĩ.

MV “Hành hương trên đồi cao”có ý nghĩa đặc biệt như thế nào với ca sĩ Cẩm Vân?

- Ở MV này, tôi không nghĩ rằng mình làm lớn vậy. Tôi cũng có kênh YouTube riêng, nhưng mỗi lần tôi làm xong một MV, tôi đăng lên kênh, bạn bè, khán giả ai biết thì vào xem.

Ca khúc này ra mắt trùng hợp vào dịp kỷ niệm ngày mất của anh Trịnh Công Sơn. Khi quay xong MV “Hành hương trên đồi cao”, tôi nổi da gà vì xúc động. Bởi hình ảnh đất nước với núi đồi rất hùng vĩ. Tôi nghĩ MV nên phổ biến nhiều hơn để cho mọi người biết, giới trẻ biết và những khán giả của mình cũng biết để thấy quê hương, đất nước của mình rất tươi đẹp.

Ba tôi là người Cao Bằng, ông vào TPHCM năm 16 tuổi, bây giờ ông đã mất. Trước khi mất, ông nói: “Muốn con về Cao Bằng 1 lần cho biết”. Tôi rất vui và hạnh phúc, ba chỉ muốn tôi về thăm quê để biết quê hương đẹp thế nào. Và cuối cùng, tôi đã làm được một MV đẹp. Tôi đã thực hiện được nguyện vọng của ba mình.

Ngoài mặt hình ảnh thì về mặt âm nhạc, bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được phối như thế nào?

- Để cho người nghe cảm nhận và yêu thích bài hát, êkip đã tính toán rất nhiều. Bản phối của ca khúc do nhạc sĩ Bảo Phúc thực hiện, đạo diễn Tùng Phan cầm trịch MV. Tất cả những nhạc cụ trong MV được lồng ghép khéo léo.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn thổi saxophone góp phần khiến bài hát bay bổng hơn. Đạo diễn MV Tùng Phan, người thổi hồn thiêng sông núi vào MV này. Tôi rất biết ơn vì điều đó.

Tại sao cô lại chọn ca khúc “Hành hương trên đồi cao” thay vì là một ca khúc khác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?

- Tại vì tôi lên Cao Bằng nghiên cứu địa hình ở đây và cảm giác hát bài này phù hợp với khung cảnh trên này như núi non hùng vĩ. Tôi nghĩ là trong tất cả các bài khác của Trịnh Công Sơn thì bài này hợp với khung cảnh ở Cao Bằng.

Thời gian gần đây có nhiều chương trình, show diễn mang nhạc Trịnh kết hợp với nhạc hiện đại, cô nghĩ sao về việc này?

- Tôi nghĩ mỗi một thời đại đều có một cách sáng tạo nghệ thuật riêng. Dù giới trẻ có làm mới nhạc Trịnh thì tôi nghĩ đấy cũng là một điều tốt. Bởi vì nhạc Trịnh có nhiều cách hát, nhiều cách thể hiện. Giới trẻ cũng có góc nhìn của giới trẻ.

Trước đây, một nhạc sĩ lớn tuổi từng nói về hiện tượng sai lời khi hát nhạc Trịnh và gây tranh cãi, cô nghĩ sao về việc này?

- Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói với tôi rằng: “Muốn sửa nhạc thì sửa nhưng đừng sửa lời, anh rất kỹ lời”. Anh bảo là hát sai lời là anh không chấp nhận được, còn nhạc muốn làm sao thì làm.

Như tôi đã nói ở trên phải hát đúng lời, không được sửa lời của anh Sơn.

Điều gì xuyên suốt trong quãng thời gian hát nhạc Trịnh mà cô tâm đắc?

Với tôi, nhạc Trịnh chứa rất nhiều triết lý, tôi đã học rất nhiều khi hát nhạc Trịnh.

Tôi học được tính anh Sơn là điều gì cũng “kệ”. Kệ đây là ai nói gì, làm gì nặng lời với anh, anh cũng “kệ không sao”. Cách anh “kệ” rất khác và đặc biệt, kệ ở đây không phải là mặc kệ mà kệ ở đây là “không chấp nhặt, không để bụng”.

Tới bây giờ, tôi học được 50% ở chữ “kệ” của anh, tức mình không muốn giận ai, ghét ai trong cuộc đời này.

Từng có một khán giả trẻ cho rằng, nhạc Trịnh là điều gì đó rất cao cả, đối với người trải đời mới nghe được, danh ca Cẩm Vân nghĩ sao về quan điểm này?

- Thật ra nó đúng! Nhạc Trịnh không phải dễ nghe, dễ thẩm thấu, người trẻ cũng có cái gu của người trẻ. Trong khi, cái gu nghe nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nó cũng rất khó chọn với khán giả trẻ. Tuy nhiên, hiện tại tôi thấy cũng có nhiều bạn trẻ yêu nhạc Trịnh và nhiều người bảo nó lạ mà tìm tòi. Có nhiều bạn đang còn học đại học nhưng nói với tôi rằng, họ yêu nhạc Trịnh lắm.

Theo ca sĩ Cẩm Vân, do đâu mà nhạc Trịnh vẫn có sức sống bền bỉ đến ngày nay?

- Cũng nhờ những bạn trẻ hát, các bạn trẻ đã làm mới nhạc Trịnh. Ví dụ như nghe Hà Lê hát nhạc Trịnh, tôi không bàn hay, hay dở nhưng phải công nhận Hà Lê đã mang nhạc Trịnh đến khán giả trẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn