MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ca sĩ, đạo diễn Ánh Tuyết với vở kịch âm nhạc đầu tay

Nội Hà (thực hiện) LDO | 11/10/2020 11:00
Kể từ 18.10.2020, vở nhạc kịch “Trại hoa vàng” dựa trên nguyên tác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sẽ được công diễn trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ. Đạo diễn của vở kịch là ca sĩ, NSƯT Ánh Tuyết, thành viên của Tam ca Con gái, đồng thời là phụ trách đoàn Ca múa nhạc Nhà hát Tuổi trẻ đã chia sẻ với Lao Động về vở kịch đầu tay của chị.

Trong những ngày mùa thu, công chúng Hà Nội lại được đón chào một câu chuyện dào dạt thanh xuân là “Trại hoa vàng”. Ý tưởng nào khiến chị đạo diễn vở nhạc kịch này?

- Từ nhỏ, tôi đã rất thích những câu chuyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Truyện của ông như bức tranh vẽ tuổi thơ đầy lãng mạn, nhẹ nhàng trong đó có niềm vui và nỗi buồn của những cô bé, cậu bé mới lớn. Những câu chuyện vui buồn ấy không chỉ thu hút độc giả tuổi teen mà nó còn là chiếc vé cho mọi lứa tuổi quay về với thanh xuân của mình. Khi làm vở tốt nghiệp lớp đạo diễn của mình, tôi đã nghĩ đến việc đưa truyện của ông lên sân khấu. Bản thân tôi khi làm vở, tôi cũng đã có tấm vé lên chuyến tàu thanh xuân ấy.

Tại sao lại là nhạc kịch mà không phải là kịch nói như thông thường?

- Là một ca sĩ nên tôi đã sử dụng thế mạnh của mình là âm nhạc để kết hợp với kịch nói. Tôi muốn thể hiện một cách làm mới trên sân khấu kịch. Làm nhạc kịch cũng nằm trong kế hoạch của Nhà hát Tuổi trẻ nơi tôi công tác. Tôi muốn đến gần hơn với khán giả trẻ và cũng muốn họ đến với sân khấu nhiều hơn. Vì vậy, tôi nghĩ kết hợp các bộ môn nghệ thuật như: Kịch nói, hát, nhảy múa với nhau sẽ khiến cho khán giả chú ý.

Người Việt dường như vẫn còn xa lạ với nhạc kịch, nghe nhắc đến phim âm nhạc và nhạc kịch là ngại đi xem, chị có lường trước được điều này?

Nhạc kịch hay sân khấu Broadway đã là một môn nghệ thuật đỉnh cao và được yêu thích trên thế giới. Tại Việt Nam, những vở nhạc kịch như "Cô Sao", "Người tạc tượng"... là "tượng đài" của nền âm nhạc Việt Nam. Nhưng theo tôi, nhạc kịch chưa đến được với đại đa số khán giả vì tính hàn lâm của nó. Vở "Trại hoa vàng" nói là nhạc kịch thì chưa hẳn, đó là sự kết hợp của ca nhạc và sân khấu kịch nói. Tôi chọn những ca khúc đã quen và được khán giả yêu thích để đưa vào từng tình huống kịch. Khán giả đi xem "Trại hoa vàng" vừa được thưởng thức một bữa tiệc âm nhạc, vừa được sống trong câu chuyện thanh xuân mà ai cũng thấy mình trong đó.

“Trại Hoa Vàng” là một trong những tác phẩm thành công nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một tác giả có số lượng không nhỏ các tác phẩm đã được chuyển thể sang điện ảnh và sân khấu hóa, chị có đối mặt với áp lực khi “đụng” đến tác phẩm mà hầu như người nào đi qua tuổi học trò cũng nghe nhắc đến?

- Chọn "Trại hoa vàng" để chuyển thể sang sân khấu kịch là một thách thức với tôi. Đã có nhiều tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh được chuyển thể sang điện ảnh rất thành công, điều đó gây cho tôi áp lực. Nhưng tôi hy vọng những điều mới mẻ tôi làm trong "Trại hoa vàng" sẽ đem lại cảm xúc cho khán giả. Sau buổi công diễn, tôi rất hạnh phúc khi nhận được những phản hồi tích cực từ khán giả. Chỉ cần khán giả cảm thấy vui và sống cùng các nhân vật của tôi trong suốt 90 phút, đó đã là thành công rồi.

Đang là một ca sĩ, lại đã có được danh hiệu là nghệ sĩ ưu tú, tại sao chị lại rẽ sang theo học ngành đạo diễn sân khấu?

- Ban đầu với tôi chỉ là cuộc dạo chơi. Nhưng càng học, tôi càng thấy thú vị. Tôi được thầy giáo - cố NSND Anh Tú - truyền lửa. Những lời phê bình của thầy đối với một học trò ngoại đạo như tôi khiến tôi có thêm động lực. Bên cạnh đó, sự say sưa mỗi khi làm bài tập của các bạn cùng lớp như kéo tôi vào sự mê hoặc của sân khấu kịch nói. Tôi bắt đầu trăn trở với từng nhân vật, từng hành động và lời thoại trong kịch. Tình yêu với kịch lớn dần thêm khi tôi được tiếp năng lượng từ những người anh, người đồng nghiệp tại nhà hát. Là một ca sĩ, tôi nâng niu từng nốt nhạc và hoá thân vào nhân vật trong ca khúc mà tôi thể hiện. Tôi đã đạt được những thành tựu trong hơn 20 năm làm nghề. Khi làm kịch, tôi được sống cuộc đời của nhiều thân phận, và tôi luôn tìm cách giúp các nhân vật của mình hướng đến những điều tốt đẹp. Tôi cũng muốn nói với khán giả của mình điều ấy.

Vậy còn câu chuyện âm nhạc thì sao? Hãy kể cho độc giả của Báo Lao Động về hành trình âm nhạc của chị?

- Nhiều người hỏi tôi bây giờ là đạo diễn, lại làm phụ trách Đoàn Ca múa nhạc tại Nhà hát Tuổi trẻ, tôi có còn đam mê với ca hát không? Tôi chưa bao giờ quên vai trò của mình là ca sĩ. Ca hát luôn là hơi thở với tôi. Suốt chặng đường làm nghề, đã có đôi lần tôi định chuyển bước vì những khó khăn gặp phải đối với một phụ nữ có con nhỏ. Nhưng rồi sự mê hoặc của ánh đèn sân khấu đã khiến tôi không thể rời bỏ. Và tôi cứ chậm rãi đi từng bước một. Đang công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, tôi chuyển về Nhà hát Tuổi trẻ và gắn bó với nơi đây đến bây giờ. Nhà hát giờ đã thành ngôi nhà thứ hai của tôi. Hàng năm, chúng tôi dàn dựng và biểu diễn các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi, thanh thiếu niên, và những chương trình phục vụ chính trị, đối ngoại. Bên cạnh đó, tôi là thành viên của nhóm nhạc Con Gái cùng với ca sĩ Xuân Nhị, Hằng Nga. Chúng tôi đã bên cạnh nhau được 15 năm. Thời gian gần đây, nhận thấy khán giả bình dân khó có thể mua vé đến xem các chương trình ca nhạc được dàn dựng và đầu tư nghiêm túc, tôi và NSƯT Đức Long, NSƯT Minh Thu đã lên ý tưởng tổ chức chuỗi chương trình ca nhạc mang tên "Khi gió mùa về" với giá vé rẻ để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Đồng thời, đây cũng là sân chơi nghệ thuật của những nghệ sĩ có chuyên môn tốt nhưng không phải ngôi sao.

Theo đuổi nhiều công việc và lĩnh vực như vậy, lại được biết chị cũng đang quản lý một căn hộ homestay nữa, thời gian có dồn đuổi chị không?

- Thỉnh thoảng những người bạn cũng giận dỗi vì sự vắng mặt của tôi. Cũng có người hỏi tôi lấy đâu ra mà lắm năng lượng thế. Tôi chỉ cười trừ, bởi bản thân cũng không biết nữa. Tôi nghĩ, tuổi Mậu Ngọ ưa hoạt động. Nếu không lao động và sáng tạo, có lẽ tôi đã già hơn nhiều so với bây giờ. Gia đình tôi làm thêm công việc kinh doanh cho thuê căn homestay là để có đủ nguồn thu chi tiêu cho gia đình. Và vợ chồng tôi thì thoả sức sáng tạo nghệ thuật.

Anh Phạm Lê Nam - ông xã của chị - cũng là một đạo diễn điện ảnh. Phản ứng của anh thế nào khi thấy vợ rẽ sang làm đạo diễn?

- Anh ấy là đạo diễn điện ảnh, Phó Giám đốc Điện ảnh Công an nhân dân, nhưng cũng là bạn học với tôi trong lớp đạo diễn sân khấu. Chúng tôi rủ nhau đi học, đến năm cuối thì anh ấy nói vui với tôi: "Anh hối hận khi rủ em đi học đạo diễn".

Tôi với chồng có chung quan điểm và thẩm mỹ nghệ thuật. Tuy nhiên, mỗi người có một cách xử lí vấn đề khác nhau. Nếu như tôi thích lắng nghe thì với anh ấy, tranh luận mới kích thích sự sáng tạo. Cùng làm nghệ thuật nên chúng tôi hiểu nhau và luôn tôn trọng cái "tôi" và sự sáng tạo của mỗi người. Chúng tôi đưa ra nguyên tắc khi làm việc chúng ta là cộng sự, tránh mang chuyện tình cảm gia đình ra để áp đặt.

Và anh bình luận gì khi xem “Trại Hoa Vàng” của vợ?

- Khi tôi chia sẻ ý tưởng dựng vở "Trại hoa vàng", anh ấy rất ủng hộ. Bởi anh ấy cũng là fan của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Giá sách nhà tôi có gần như đủ các cuốn sách của ông. Chồng tôi thường đọc đi đọc lại những cuốn sách ấy, và lần nào cũng như mới khi tôi thấy anh ấy vừa đọc sách vừa cười một mình như chàng trai tuổi mới lớn. Khi xem "Trại hoa vàng" trên sân khấu anh ấy nói: "Anh xem đến lần thứ ba rồi mà vẫn thấy thích đấy".

Dự định sắp tới của chị về sân khấu và âm nhạc?

- Trong năm nay, tôi có kế hoạch phối hợp với Thành đoàn Hà Nội đưa "Trại hoa vàng" đến với các bạn trẻ tại các trường PTTH, cao đẳng, đại học trên Thành phố Hà Nội, đồng thời tổ chức diễn tại rạp của Nhà hát Tuổi trẻ trước mắt là buổi 20h ngày 18.10.2020. Chúng tôi cũng lên kế hoạch cho chương trình ca nhạc "Khi gió mùa về" vào ngày 14.11.2020 cùng với các ca sĩ của Hà Nội. Trong tương lai, tôi mong sẽ tìm được kịch bản hay dành cho tuổi trẻ. Tôi mong sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ sẽ là địa chỉ được các bạn trẻ yêu thích.

Xin cảm ơn chị và chúc cho các dự định sắp tới của chị thành công!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn