MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ca sĩ Tùng Dương: “Kiếm củi 15 năm đốt một giờ”

Thủy Nguyên LDO | 13/08/2017 10:50
Vừa hoàn thành... vai kịch trong vở nhạc kịch “Chuyện của dòng sông đỏ”, Tùng Dương lại cấp tập chuẩn bị cho live show cá nhân lần thứ 8 - “Trời và Đất” (dự kiến diễn ra vào ngày 23-24.9 tại Cung Văn hoá Hữu Nghị - Hà Nội), nhân cột mốc 15 năm ca hát.
“Chẳng hay ho gì khi làm một con tắc kè hoa”
Đang lúc “nhịn show” để tập trung cho live show riêng sắp tới, vì sao anh lại nhận lời xuất hiện trong một vở nhạc kịch đòi hỏi ca sĩ phải bỏ nhiều công sức cho sở đoản?
- Đúng là để đảm nhận vai hoàng tử út trong vở nhạc kịch Việt của đạo diễn Hoàng Hà Tùng, tôi đã phải mất khá nhiều công sức cho khâu... tập múa. Chỉ 7 phút múa trên sân khấu nhưng phải tập luyện suốt một tuần liền. Có những động tác tập xong đúng là... xây xẩm hết cả mặt mày. Có tập múa mới biết thương nghệ sĩ múa, mất bao công khổ luyện mà có rất ít cơ hội hành nghề.
So với những động tác múa có tính tự phát như khi biểu diễn “Mưa bay tháp cổ” hay “Sen hồng hư không”, những màn hát múa trong “Chuyện của dòng sông đỏ” đòi hỏi người diễn phải hóa thân sâu hơn vào vai diễn, sao cho mỗi động tác phải giúp làm bật lên tính cách và diễn biến tâm lý của nhân vật... Một trải nghiệm thú vị dù chưa đủ làm nên dấu ấn cá nhân nhưng âu cũng là một tấc lòng đồng cảm, sẻ chia cùng họa sĩ Hoàng Hà Tùng - người nghệ sĩ đáng nể trọng vì luôn hết mình trong các cuộc chơi nghề, đã nói là làm, đã làm là làm hết sức, ngay cả khi đang phải đối mặt với bạo bệnh. Hẳn cũng vì sự nể trọng đó mà nhiều đồng nghiệp thân thiết của tôi như nhạc sĩ Nguyễn Cường, Lưu Hà An, Giáng Son, Lê Minh Sơn, Tấn Minh, Khánh Linh... cũng đã nhận lời đồng hành cùng ông.
Có nhận định rằng: Chính vì nhạc Việt có một thị trường nội địa quá nhỏ so với những nước có nền công nghiệp âm nhạc phát triển mà nghệ sĩ luôn cần phải “thay áo” thường xuyên, ít ra là về hình thức, thể loại..., để không bị cho là lặp lại. Anh có nghĩ thế?
- Phần nào là thế. Trước một thị trường không đủ rộng, nghệ sĩ Việt muốn tạo được dấu ấn mới ở mỗi lần xuất hiện cần biết biến hóa nhiều hơn. Đó vừa là một áp lực hay, nhưng đồng thời cũng là cái khổ của họ. Vì cái mới có đâu mà lắm thế và đẻ nhanh thế! (cười).
Để không bị lẫn vào đám đông, nghệ sĩ đôi lúc cần có can đảm đi ngược lại xu hướng chung. Chẳng hạn như khi nhà nhà đổ xô đi hát bolero thì mình hát nhạc thể nghiệm, hoặc giả có hát nhạc xưa, thì cũng phải cố gắng tìm cách đặt được dấu ấn riêng của mình lên đó...
Làm một con tắc kè hoa trong mọi trường hợp thường chẳng hay ho gì, trừ khi bạn vốn dĩ là một chân dung đa sắc thái.
Học con cách “nói không với sợ”
Trước thì Tùng Dương thường vinh dự là khách mời trong live show riêng của các Diva, còn trong live show sắp tới của anh, cả 4 Diva lại đồng loạt là khách mời của Tùng Dương. “Mùa thu nay khác rồi”, hay anh vốn dĩ là người chưa bao giờ yếu bóng vía?
- Trước hết, đó là chữ “nhân duyên” giữa những người làm nghề cùng chí hướng, thẩm mỹ âm nhạc và cũng là những người chị, người bạn mà Tùng Dương trân quý, thân thiết ở ngoài đời. Giống như người ta vẫn nói: “Buôn có bạn, bán có phường” vậy (cười)! Chị Hồng Nhung tuy tôi ít được gặp hơn nhưng khi nhận được lời mời của tôi, chị đã hào hứng nói: “Lần này, show của Dương, phải để chị được hát cái gì độc độc lạ lạ tý!”, chứng tỏ chị rất tin mình có thể cùng các chị tạo ra được một dấu ấn gì đó.
Sau nữa, đó là vì concept mà tôi tâm đắc: 4 khách mời cùng chủ nhân đêm nhạc sẽ lần lượt tượng trưng cho “ngũ hành”: Hà Trần (Kim), Mỹ Linh (Mộc), Hồng Nhung (Thủy), Thanh Lam (Hỏa) và cuối cùng là Tùng Dương - Thổ. Một concept theo tôi là phù hợp với tinh thần của live show “Trời và Đất”.
Đã đành là cột mốc 15 năm, nhưng “Trời và Đất” - liệu nghe có “to” qua không?
- “Trời và Đất” trong cảm quan của tôi chỉ đơn giản là những chuyển động xoay vần quanh những mặt đối lập luôn tồn tại song song giúp âm dương hòa nhập, vạn vật sinh sôi. Ở góc độ làm nghề, đó đồng thời là sự giao thoa cảm xúc giữa những người làm nghề biết lắng nghe nhau, tôn nhau lên, chạm vào nhau, để khơi thông những lạch nguồn cảm xúc. 5 giọng ca, dù có thể khác nhau về cá tính và con đường âm nhạc nhưng cùng chung thẩm mỹ và khát vọng làm nghề. Nếu như trời đất giao hòa tạo nên sự nhiệm mầu của sự sống thì sự gặp gỡ, giao thoa giữa những cá tính âm nhạc cũng có thể giúp mang tới vẻ đẹp nên thơ của sáng tạo.
15 năm - hẳn là được tính từ cột mốc anh giành giải Nhất tại cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội”? Từ đó tới nay, “những ô màu khối lập phương” đã chuyển động thế nào?
- Một trong những ca khúc mới sẽ được trình làng tại live show sắp tới có tên là “Thiêu thân”. Ít nhiều, tôi nghĩ rằng đó cũng là một biểu tượng của tôi trên hành trình sáng tạo: Thay vì ngồi một chỗ “tự sướng” với những thành quả đã đạt được, tôi luôn chọn cách lao mình về phía những vùng sáng chưa từng biết tới, dẫu có phải chấp nhận trả giá. 15 năm, có thể đôi cánh không còn được bay bổng như xưa, nhưng bù lại, nó đã trở nên cứng cáp hơn để có thể tạo ra một độ “che phủ” nhất định. Show sắp tới vì thế có thể gọi “kiếm củi 15 năm đốt một giờ”. Nói thế thôi, show nào mà chả đốt, rồi sau đó lại phải lọ mọ đi kiếm củi để... đốt tiếp (cười).
Ở live show lần trước, anh còn nghẹn giọng chia sẻ với khán giả về niềm hạnh phúc được làm bố của mình (vừa đến cách đó ít ngày). Trải nghiệm tới nay hẳn đã thêm phần dày dặn?
- Người lớn luôn có thể học được rất nhiều từ con trẻ. Quan sát bé Voi (tên ở nhà của con trai Tùng Dương - PV) mỗi ngày, tôi học được từ con sự kiên nhẫn khi cố công lật giở một vấn đề (ở đây là một món đồ chơi); cũng như cách “nói không với sợ”, sẵn sàng chấp nhận ngã và chịu đau để khám phá bằng được cái mới. Rồi sau đó, sẽ tìm cách đứng dậy, ngã ít đi và bớt đau hơn, cho tới lúc trụ vững... Mỗi lúc đứng hát trên sân khấu và biết con mình đang ngồi đâu đó trên hàng ghế khán giả, tôi lại càng cảm thấy có trách nhiệm với tiếng hát của mình hơn. Vì ít ra, trong ánh mắt con trẻ, hình ảnh người cha ấy hẳn là lừng lững lắm!
Xin cảm ơn anh!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn