MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Cả thập kỷ trước dịch, nhiều nghệ sĩ đã phải chạy Grab, sửa xe mưu sinh"

H.H LDO | 26/11/2021 07:11
Nhiều bộ môn nghệ thuật hàn lâm (bác học) như múa ballet, giao hưởng thính phòng, và cả sân khấu... đã phải sống lay lắt qua cả thập kỷ vì kén khán giả.

Chiều 24.11, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam - đã phát biểu tham luận "Đội ngũ văn nghệ sĩ đồng hành cùng dân tộc". Trong tham luận này, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đề xuất cơ chế đãi ngộ, hỗ trợ để phát triển nhiều ngành văn hóa nghệ thuật.

Vở “Hồ Thiên Nga” khi được biểu diễn ở nhà hát Lớn khiến khán giả nức lòng. Vở diễn đòi hỏi đầu tư lớn, với sự tham gia của 60 nghệ sĩ múa, 60 nghệ sĩ dàn nhạc, tập luyện trong suốt 6 tháng. Ảnh: VNOB

Theo đó, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, cho văn học, nghệ thuật nói riêng còn rất thấp. Do đó việc xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa triển khai còn chậm và ít hiệu quả. Nhân tài chưa được trọng dụng một cách hiệu quả, đãi ngộ chưa xứng đáng với công sức lao động sáng tạo.

Cũng trong tham luận của mình, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đề xuất cơ chế đầu tư và phát triển các nguồn lực cho ngành văn hóa nghệ thuật, “Chúng tôi cho rằng cần có sự đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng: tăng cường các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước về tài chính, cơ sở vật chất và nhất là về cơ chế, đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, phát huy hiệu quả tối ưu, tránh lãng phí”.

Tham luận đề xuất thêm, “Ưu tiên đầu tư phát triển những ngành nghệ thuật không thể thích ứng hoặc khó thích ứng được với cơ chế thị trường, nhưng vô cùng cần thiết như: ngành nghiên cứu phê bình lý luận, nghệ thuật hàn lâm như nhạc giao hưởng, thính phòng, múa ballet… ".

NSƯT Trần Ly Ly - Giám đốc nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Ảnh: NVCC

Xung quanh vấn đề về những khó khăn của các ngành nghệ thuật hàn lâm (nghệ thuật bác học) như múa ballet, giao hưởng, thính phòng, sân khấu... đã được bàn bạc cả thập kỷ nay. Sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ kéo theo sự bùng nổ của các phương tiện giải trí, khiến sân khấu và các ngành nghệ thuật hàn lâm càng khó khăn trong việc tiếp cận khán giả.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, NSƯT Trần Ly Ly – Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam cho biết: “Sự thật, thu nhập của các diễn viên múa rất thấp, chỉ khoảng 3 triệu/tháng. Chính vì điều này, ngành múa ballet từng phải đối diện với nguy cơ chảy máu tài năng. Nhiều nghệ sĩ không thể trụ được lâu với nghề vì thu nhập quá thấp nên phải tìm cách khác để mưu sinh. Không thể trách họ được. Có người đi dạy yoga, mở lớp dạy múa cho thiếu nhi. Có người còn không sống được bằng năng lực, khả năng múa của mình. Nhiều nghệ sĩ múa giấu tôi đi chạy grab, khi biết chuyện, tôi thương chảy nước mắt...”.

Theo NSƯT Trần Ly Ly, múa ballet và ballet đương đại cũng giống với giao hưởng thính phòng, Opera, nhạc kịch... là những nghệ thuật đặc thù, không thể xếp nghệ sĩ như các bậc viên chức nhà nước, để tính lương theo quy định của một viên chức. “Tuổi nghề của một diễn viên múa còn cực ngắn. Nữ 35, nam 40 là hết tuổi để múa. Bởi vậy tôi cũng rất mong sẽ có chế độ lương hưu, chế độ biên chế phù hợp cho các nghệ sĩ làm nghề đặc thù như chúng tôi” – NSƯT Trần Ly Ly nói.

Ngay cả lĩnh vực sân khấu cũng rơi vào khó khăn, bế tắc nhiều thập kỷ. Trước dịch đã khó khăn và giờ càng khó khăn hơn. Cơ sở vật chất xuống cấp. Có nghệ sĩ từng kể lại, “Nhiều khi đang diễn, bê tông rơi vào đầu. Kinh phí dựng vở eo hẹp, lâu đài – cung điện có khi chỉ được dựng lên bằng xốp, ván ép và sơn xanh đỏ, lấp lánh”. Nói đến sự bi hài của sân khấu, NSƯT Chí Trung khắc họa: “Đêm đến, khi khoác lên mình những trang phục lộng lẫy, chúng tôi thành ông hoàng bà chúa dưới ánh đèn. Bước ra khỏi sân khấu, chúng tôi có thể là anh vá săm, sửa xe, một tay buôn chợ trời... để mưu sinh”.

NSƯT Xuân Bắc cho rằng, để chấn hưng nghệ thuật cần đến một chiến lược dài hơi và đồng bộ. Ảnh: NVCC

NSƯT Xuân Bắc – Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ với Lao Động: “Sân khấu từng có những câu chuyện ê chề về tiền bạc. Khi phải cạnh tranh với quá nhiều loại hình giải trí, sân khấu đã bị mất đi vị thế mà nó xứng đáng phải có. Để phục hưng sân khấu sẽ cần đến cả một kế hoạch, chiến lược dài hơi và đồng bộ về nhiều mặt, từ cơ sở vật chất đến nhân lực, cơ chế”.

Theo các nghệ sĩ, đã đến lúc văn hóa (trong đó có nghệ thuật) cần phải được đầu tư phát triển như những ngành mũi nhọn, như kinh tế, chính trị. “Khi một vở diễn được đầu tư thích đáng, tôi tin khán giả sẽ đến xem. Chúng ta đang đi sau thế giới, đã đến lúc phải đầu tư để có thể tiếp thu và phát triển hơn nữa tinh hoa của nghệ thuật hàn lâm” – NSƯT Trần Ly Ly khẳng định.

NSƯT Xuân Bắc thì cho rằng, bên cạnh việc nhà nước đầu tư, hỗ trợ, chính các nghệ sĩ cũng phải thay đổi tư duy, làm mới mình, biết vận dụng khoa học công nghệ và phát huy hết khả năng sáng tạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn