MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Yuna (ITZY) biểu diễn "You & Me" của Jennie (Blackpink) ở SBS Gayo Daejeon 2023. Ảnh: Naver

Các lễ trao giải, đại nhạc hội cuối năm của Kpop ngày càng nhàm chán?

Dương Hương LDO | 06/01/2024 18:40

Kpop đang phát triển, nhưng các lễ trao giải, sự kiện nhạc hội của ngành công nghiệp tỉ USD này vẫn gây nhiều tranh cãi, thậm chí ngày càng giảm uy tín và bị chê nhàm chán.

Theo Allkpop, người hâm mộ âm nhạc Hàn Quốc luôn háo hức mong đợi các lễ trao giải, chương trình cuối năm, với những màn trình diễn được đầu tư công phu và sự công nhận cho thành tích của nghệ sĩ.

Tuy nhiên, gần đây, khán giả đang bàn luận về quan điểm, các lễ trao giải và đại nhạc hội cuối năm 2023 của Kpop dường như đã đánh mất đi phần nào hào quang so với trước đây.

Những chủ đề xung quanh các sự kiện ít được bàn luận hơn, ngay cả sự kết hợp không tưởng và những màn trình diễn đặc biệt cũng bị coi là nhàm chán…

Thời lượng và chất lượng sân khấu

Allkpop lấy ví dụ về màn hợp tác đặc biệt được mong đợi của Yeonjun - thành viên nhóm nam TXT, và Yuna của nhóm nữ ITZY, tại đại nhạc hội SBS Gayo Daejeon 2023. Tuy nhiên, cuối cùng, hai thần tượng tương tác quá ngắn ngủi và không thể tạo nên sân khấu bùng nổ như kỳ vọng.

Sân khấu kết hợp của Yeonjun và Yuna không như kỳ vọng. Ảnh: Naver

Bên cạnh đó, những sự cố sân khấu càng làm giảm tinh thần của các sự kiện. Điển hình như màn trình diễn của Stray Kids bị gián đoạn đột ngột bởi giai điệu của NewJeans, và cú ngã đáng báo động của Ten nhóm NCT tại SBS Gayo Daejeon, khiến người hâm mộ trên toàn cầu lo ngại.

Hơn nữa, Allkpop cho rằng, nhiều chương trình đang ngày càng kéo dài thời lượng một cách không cần thiết. Những sự kiện diễn ra trong vòng 3 - 4 tiếng gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của khán giả.

Có thể kể đến lễ trao giải Asia Artist Award (AAA) 2023 hồi cuối tháng 12.2023, kéo dài đến hơn 9 tiếng đồng hồ. Thay vì sự phấn khích ban đầu, thời gian chờ đợi quá lâu khiến việc tham dự chương trình trở thành một bài kiểm tra sức chịu đựng.

Không chỉ khán giả mà ngay cả nghệ sĩ cũng mệt mỏi. Họ phải chịu áp lực về lịch trình, sự đầu tư, luyện tập, sao cho người hâm mộ thoả mãn với một chương trình quá dông dài.

Jang Won Young và 2 MC nam của AAA 2023 phải đứng suốt 9 tiếng. Ảnh: Naver

“Khi ngành công nghiệp Kpop phát triển, có lẽ việc xem xét lại hình thức và nhịp độ của những buổi lễ này là điều cần thiết. Để có thể nâng cao sự thích thú của cả người xem lẫn trải nghiệm của nghệ sĩ, đảm bảo những lễ kỷ niệm này vẫn là điểm nhấn của năm âm nhạc mà mọi người đều mong đợi”, Allkpop nhận định.

Nhiều giải thưởng mất uy tín

Không chỉ vấn đề sân khấu, nhiều giải thưởng âm nhạc Hàn Quốc dần trở nên mất uy tín vì nhiều lý do.

Allkpop chỉ ra, số lượng giải thưởng và hạng mục ngày càng tăng mỗi năm dường như làm giảm sự phấn khích gắn liền với chiến thắng. Những giải quan trọng như Daesang (Giải thưởng lớn) hay Tân binh của năm từng là cuộc cạnh tranh khốc liệt, giờ đây giống như sự phân bổ các giải thưởng tổng quát.

Một số lễ trao giải như AAA, MAMA bị mỉa mai là “lễ chia giải" vì gần như mọi nghệ sĩ đều có cúp mang về, hoặc nói ngược lại là ai tham gia thì mới được giải.

Các lễ trao giải âm nhạc Kpop có nhiều hạng mục khó hiểu. Ảnh: Naver

Việc gia tăng các hạng mục nhằm mục đích tôn vinh nhiều tài năng hơn, điều này đáng khen ngợi vì sự toàn diện và khuyến khích tính nghệ thuật đa dạng. Tuy nhiên, nó cũng làm dấy lên cuộc tranh luận về tác động đối với lòng nhiệt thành, sự cạnh tranh và sự háo hức chờ đợi của người hâm mộ, cũng như các nghệ sĩ trong những buổi lễ này.

Gia tăng số lượng giải thưởng tuỳ ý có thể dẫn đến cảm giác dễ đoán, làm giảm sự hồi hộp và kịch tính mà người hâm mộ yêu thích ở các lễ trao giải Kpop. Điều này cũng khiến những giải cao nhất dần trở nên mờ nhạt, khi có quá nhiều giải thưởng nhỏ được trao cho người khác.

Allkpop cho rằng: “Mặc dù việc công nhận nhiều tài năng là điều cần thiết, nhưng việc tạo ra sự cân bằng để duy trì tầm quan trọng và sự hứng thú của những giải thưởng này cũng rất cấp thiết”.

Bởi những cuộc bình chọn, sự cạnh tranh giữa các fandom là những yếu tố nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết và sự lớn mạnh của Kpop.

Chưa kể đến, có những lễ trao giải bị công chúng chỉ trích trao giải không đúng đối tượng. Điển hình như Seoul Music Awards 2024 hôm 2.1, việc nhóm NCT Dream thắng Daesang năm thứ 2 liên tiếp dù thành tích thua kém nhiều nhóm khác, đã gây tranh cãi lớn.

NCT Dream gây tranh cãi vì nhận Daesang AAA 2023. Ảnh: Naver

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn