MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cách xưng hô và tiếng Việt thường gây tranh cãi vì người Việt bảo thủ?

Mi Lan LDO | 18/02/2022 12:38

Đề xuất “Giáo viên không gọi học sinh là con” của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân không phải là lần đầu tiên tiếng Việt bị kéo vào một cuộc tranh cãi nảy lửa.

Cải tiến tiếng Việt luôn gây tranh cãi

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân vừa chia sẻ quan điểm về hạn chế của tiếng Việt trong việc thiếu những đại từ nhân xưng cho các mối quan hệ xã hội cần sự rõ ràng, trung tính. Việc ông Ân cho rằng người Việt có thói quen đưa những ngôi nhân xưng trong gia đình vào các mối quan hệ xã hội là sai, và cần xưng hô khác đi, dư luận đã tranh cãi nảy lửa suốt nhiều ngày.

Trước nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nhiều lần tiếng Việt được đề xuất cải tiến, và luôn gây tranh cãi dữ dội.

Năm 2013, một nhóm tác giả đặt vấn đề dạy chữ E trước chữ A. Theo nhóm tác giả này, họ đề xuất dựa trên cách học tiếng của người Việt, chứ không có ý định thay đổi vị trí bảng chữ cái. “Ở đây, chúng tôi không đưa ra một thứ tự mới của chữ cái mà đưa ra thứ tự để dạy. Không phải tất cả các nước đều dạy từ a, b, c. Ngay ở Việt Nam cũng dạy i, t rồi đến o, ơ. Chúng tôi chỉ muốn tìm ra một phương án để dạy chứ không thay đổi chữ quốc ngữ” – nhóm tác giả cho biết.

Theo phân tích, người Việt thường phát âm tiếng “Mẹ” đầu tiên, bởi vậy học chữ E đầu tiên sẽ hợp lý. Tuy nhiên, đề xuất này lập tức gây tranh cãi nảy lửa, và không đi đến đâu.

Những ý kiến phản ứng cho rằng, cách dạy này sẽ làm xáo trộn trật tự bảng mẫu tự chữ cái truyền thống. “Cũng có rất nhiều tiếng có chữ a, người Việt nói đầu tiên, ví dụ chữ “Bà”, “Ba”... Nên học chữ A đầu tiên là hợp lý”.

Đề xuất “Giáo viên không gọi học sinh là con” gây tranh cãi dữ dội. Ảnh: LD

Đến năm 2017, PGS. TS Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội) đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt trong một cuốn sách tiếp tục gây tranh cãi dữ dội.

PGS.TS Bùi Hiền cho rằng, trải qua gần một thế kỷ đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư. Theo đó, cách viết chữ tiếng Việt: "giáo dục" phải viết là "záo zụk", "nhà nước" là "n'à nướk", "ngôn ngữ" là "qôn qữ"... Ông Hiền đề xuất thay “gi” thành z, các chữ cái “c,k,q thành k”... để thống nhất, giản tiện về mặt ngữ âm.

Đề xuất này của PGS.TS Bùi Hiền không chỉ gây tranh cãi, mà bản thân ông Bùi Hiền còn nhận nhiều chỉ trích từ dư luận. Số đông cho rằng, TS Bùi Hiền đang làm méo mó tiếng Việt.

Người Việt bảo thủ, không muốn cải tiến tiếng Việt?

Khi hầu hết những đề xuất cải tiến tiếng Việt đều gây tranh cãi, thậm chí, bị số đông phản ứng, phản biện và từ đó dẫn đến “bài trừ”, câu hỏi đặt ra, có phải người Việt bảo thủ?

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng, “Người Việt có xu hướng làm theo thói quen, cách sử dụng các đại từ nhân xưng từ gia đình đến các mối quan hệ xã hội cũng là một thói quen”.

PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam, phân tích: “Chữ viết là phương tiện ghi âm của ngôn ngữ nhưng một khi đã hình thành và phát triển thì không chỉ đơn thuần là mối quan hệ giữa chữ và âm nữa mà còn liên quan đến tâm lý, cảm thức văn hoá, thói quen của người bản ngữ được định hình trong quá trình sử dụng”. Theo TS Nguyễn Hồng Cổn, “Cải tiến tiếng Việt vừa là một vấn đề khoa học, vừa là một vấn đề văn hóa”.

Mọi đề xuất cải tiến tiếng Việt đều gây tranh cãi, bởi tiếng Việt gắn liền với văn hóa của người Việt. “Tiếng Việt tự đào thải qua thời gian, và lưu giữ lại những tinh túy phù hợp với số đông và được số đông sử dụng“. Ảnh: MH

Cũng nhìn ngôn ngữ, tiếng Việt dưới góc độ văn hóa, Tiến sĩ Ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ cho rằng: “Tiếng Việt được bắt rễ, ăn sâu từ văn hóa, nếp sống, nếp nghĩ, phong tục tập quán của người Việt hàng bao đời nay, nên không thể cứ muốn thay đổi là thay đổi ngay được”.

Theo đó, việc khó cải tiến tiếng Việt – lý do không nằm ở sự bảo thủ, không chịu đổi mới của người Việt, mà do: “Ngôn ngữ, tiếng Việt đã có cả lịch sử lâu đời hình thành, bảo lưu, gìn giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong quá trình phát triển của mình, tiếng Việt đã tự đào thải những gì không phù hợp và giữ lại những giá trị, sự đặc sắc, tinh túy, phù hợp với số đông và được số đông đồng thuận sử dụng”- Tiến sĩ Ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ phân tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn