MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cái kết bi thảm hay “chiêu trò” đã hủy hoại MV của Sơn Tùng M-TP?

Mi Lan LDO | 29/04/2022 16:06
Nếu nhìn lại cả chặng đường âm nhạc của Sơn Tùng, có thể thấy, Tùng luôn có xu hướng muốn tạo tranh cãi để gây chú ý. Nhưng lần này, anh đã đi quá xa.

Cá tính và ngông cuồng

Luôn có rất nhiều cá tính đối lập cùng tồn tại trong một con người, với Sơn Tùng M-TP cũng vậy. Để trở thành ca sĩ có vị trí độc tôn với đông đảo khán giả trẻ, Sơn Tùng đã thể hiện đủ mọi mặt đối lập, tài năng và chiêu trò, thông minh và nổi loạn, muốn khẳng định thực lực nhưng liên tục gây tranh cãi để thu hút chú ý.

Nhìn nhận một cách sòng phẳng, Sơn Tùng M-TP là người có sự cầu tiến và tham vọng rõ rệt trong âm nhạc. Giữa hằng hà sa số những ca sĩ trẻ “nhợt nhạt”, không cá tính, không đường hướng, Sơn Tùng M-TP không giấu tham vọng với một chiến lược hoạt động âm nhạc bài bản.

Sơn Tùng trình diễn giữa showbiz hình ảnh một ca sĩ đa năng, vừa có thể sáng tác, vừa hát, rap, tự sản xuất các MV, và thể hiện mạng lưới các mối quan hệ “khủng” với giới làm nhạc quốc tế.

Có thể, cũng chính vì quá ý thức được về tài năng của mình, Sơn Tùng ngông cuồng và có phần tự mãn. Sự ngông cuồng được thể hiện không giấu giếm trong các tác phẩm của nam ca sĩ, trong đó rõ nét nhất có thể kể đến “Không phải dạng vừa đâu”.

Sơn Tùng xây dựng hình ảnh ngông cuồng và cá tính trong âm nhạc. Ảnh: FBNV

Hình ảnh Sơn Tùng M-TP nằm gác chân trên ghế, giữa sân khấu “Hòa âm ánh sáng” năm 2015 để hát “Không phải dạng vừa đâu” từng gây sốc với khán giả. Chưa dừng lại ở đó, MV “Không phải dạng vừa đâu” được sản xuất còn cài cắm hình ảnh được cho là của những nhạc sĩ gạo cội, và Sơn Tùng gửi gắm thông điệp mỉa mai giới nhạc sĩ học thuật trong MV này.

“Không phải dạng vừa đâu” khi ra mắt cũng gây tranh cãi dữ dội. Dư luận bất bình khi hình ảnh nhạc sĩ bị Sơn Tùng “mỉa mai” trong MV được cho là Dương Khắc Linh – người vẫn luôn thẳng thắn nhận xét về màu sắc Big Bang trong các sản phẩm âm nhạc của Sơn Tùng.

Sự ngông cuồng, tự mãn ở “Không phải dạng vừa đâu” còn gây tranh cãi và bị phản ứng kéo dài trong nhiều năm về sau.

“Cái chết” của chiêu trò

Giữa thời đại bùng nổ thông tin, việc phát hiện đạo nhái hình ảnh, beat nhạc đã trở nên dễ dàng như trở bàn tay với khán giả yêu nhạc. Thế nhưng, hết lần này đến lần khác, MV nào của Sơn Tùng cũng vướng những tranh cãi về đạo nhái.

Hình ảnh của Sơn Tùng ở “Chúng ta không thuộc về nhau” tiếp tục giống với G-Dragon. “Chúng ta không thuộc về nhau” còn có vòng hòa âm giống với điệp khúc của “We don't talk any more”. Chính vì những nghi án giống nhau này, khán giả lại đổ xô vào xem, soi đi soi lại, để còn tranh cãi, bên bênh vực – bên buộc tội.

Chiêu trò đã bị lạm dụng và đi quá xa trong MV mới của Sơn Tùng M-TP. Ảnh: FBNV

Chỉ riêng lượng khán giả vào soi chi tiết giống nhau hay khác nhau đã giúp lượng truy cập của MV tăng vọt, và nhóm từ khóa liên quan đến MV trở thành “hot trend” vì được “dân tình” lùng sục tìm kiếm khắp các diễn đàn mạng.

Bởi vậy, việc ra mắt MV với những tình tiết dễ vướng nghi án “đạo nhái” từ lâu đã trở thành chiến lược truyền thông bài bản của Sơn Tùng M-TP và ê-kíp. Vì là chiến lược nên lặp đi lặp lại ở tất cả các sản phẩm.

Lẽ ra, theo thời gian, cùng với sự trưởng thành, Sơn Tùng nên có sự tiết chế về chiêu trò, tập trung vào chất lượng âm nhạc. Vì chiêu trò khi bị lạm dụng, khi bị đẩy đi quá xa, sẽ làm lu mờ cả chất lượng, sự đầu tư mà Sơn Tùng đổ vào âm nhạc.

Kể từ “Hãy trao cho anh”, Sơn Tùng M-TP từng khiến giới âm nhạc Việt “lác mắt” với màn hợp tác cùng Snoop Dogg. Đến “There’s no one at all”, ca khúc đầu tiên viết bằng tiếng Anh được quảng bá với một ê-kíp hậu thuẫn hùng hậu của âm nhạc quốc tế.

Lẽ ra, với lực lượng hùng hậu nhường ấy, Sơn Tùng M-TP nên đủ tự tin để tung ra sản phẩm mà không cần đến bất kỳ chiêu trò nào. Nhưng có vẻ Sơn Tùng và ê-kíp đã có “thói quen khó bỏ” về việc tạo chiêu trò, gây tranh cãi.

Trước khi MV ra mắt, ê-kíp và Sơn Tùng đã có cả nửa tháng lên các kênh xã hội để quảng bá, bán online áo thun – trên đó có dòng chữ “There is no one at all”. Ê-kíp nghĩ ra đủ cách để bán áo. Xây dựng cả chiến lược “mua áo để được mặc áo đôi với Sơn Tùng” để các fan lóa mắt, mua hàng.

Sơn Tùng đã đủ trưởng thành để tự tin tập trung vào chất lượng âm nhạc hơn cả những chiêu gây tranh cãi. Ảnh: CMH

 “There is no one at all” được đầu tư về âm nhạc và chất lượng hình ảnh nhưng đã bị chiêu trò làm cho lu mờ tất cả.  Cái kết ở “There is no one at all” chính là một chiêu trò được cố tình cài đặt.

Hơn ai hết, Sơn Tùng M-TP đủ thông minh để biết cái kết này sẽ gây tranh cãi dữ dội. Nhưng anh đã cố tình để lại mấy giây cuối, cố tình xây dựng một cái kết – mà Sơn Tùng có lẽ nghĩ đơn giản rằng, chỉ dừng lại ở tranh cãi, chỉ có tác dụng tạo thêm sức hút thêm cho sản phẩm.

Tiếc là, lần này, “chiêu trò” đã đi quá xa. Trong bối cảnh tỉ lệ trẻ vị thành niên tự tử ngày càng gia tăng, cái kết của “There is no one at all” trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn