MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tối nay (23.9), Cuộc thi tài năng diễn viên cải lương toàn quốc - 2023 chính thức khai mạc tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Cải lương đang cố kéo khán giả đến với rạp

NHẬT HỒ LDO | 23/09/2023 18:48

Bạc Liêu - Tối nay (23.9), tại Nhà hát Cao Văn Lầu, tỉnh Bạc Liêu, Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu và các cơ quan, đơn vị tổ chức khai mạc Cuộc thi tài năng diễn viên cải lương toàn quốc - 2023.

Cuộc thi Tài năng diễn viên Cải lương toàn quốc - 2023 (Cuộc thi) nhằm phát hiện và tôn vinh tài năng nghệ thuật cải lương; kịp thời ghi nhận công sức tìm tòi, sáng tạo của các nghệ sĩ, diễn viên trong quá trình lao động nghệ thuật; qua đó, giúp cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đánh giá đúng thực trạng hoạt động nghệ thuật cải lương và đưa ra những phương thức hoạt động mới, tìm ra giải pháp khắc phục những tồn tại, thúc đẩy nghệ thuật cải lương phát triển phù hợp với thực tế đời sống xã hội.

Cuộc thi nhằm tôn vinh những cá nhân có thành tích trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật; là dịp để các đơn vị nghệ thuật tìm kiếm, thu hút, bồi dưỡng lực lượng nghệ sĩ, diễn viên cải lương kế cận; là cơ hội để nghệ sĩ, diễn viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng biểu diễn nghệ thuật cải lương phục vụ nhân dân.

Cuộc thi năm nay có sự tham gia của 63 thí sinh đến từ 24 đơn vị nghệ thuật trong cả nước. Khán giả yêu cải lương sẽ có dịp gặp lại những đào, kép từng thành danh với những giải thưởng về vọng cổ, cải lương trước đó như: Huỳnh Tiểu Nhi (Đoàn Cải lương Hương Tràm - tỉnh Cà Mau), Võ Thành Phê (Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Văn Mẹo (Sân khấu Chí Linh - Vân Hà), NSƯT Lê Trung Thảo (Nhà hát Trần Hữu Trang)...

Cải lương một thời được nhiều người mến mộ với những kịch bản đi vào lòng người như: “Nhân danh công lý” của hai tác giả Dzoãn Hoàng Giang và Võ Khắc Nghiêm. Tương tự, vở kịch “Dạ cổ hoài lang” của cố nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thanh Hoàng ra mắt năm 1994 đã tạo nên cơn sốt ngay sau đó với hơn 1.000 suất diễn.

Không dừng lại, tại Hội diễn sân khấu (SK) chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995, cả 4 diễn viên của vở đều đoạt Huy chương Vàng. SK Nhà hát nhỏ 5B Võ Văn Tần (TP. Hồ Chí Minh) thời điểm đó luôn trong tình trạng kín rạp, cháy vé dù mỗi ngày có đến 3 suất diễn.

Đầu tháng 1.2023, Nhà hát Trần Hữu Trang lại tiếp tục chuyển thể vở kịch này thành cải lương (chuyển thể: Lâm Hữu Tặng, đạo diễn: Nghệ sĩ nhân dân Thanh Điền, cố vấn: NSƯT Bảo Quốc) và đã không làm khán giả thất vọng. Mặc dù chiếc bóng lớn của NSƯT Thành Lộc và NSƯT Việt Anh trong vở chưa bao giờ mờ phai trong tâm trí khán giả, nhưng NSƯT Bảo Quốc, NSƯT Vũ Luân cũng đã tạo dấu ấn riêng bằng chất CL hòa quyện vào nội dung cốt lõi vốn có của câu chuyện.

Tuy nhiên, những vở diễn chiếm cảm tình khán giả khá hiếm hoi. Vẫn khó có những vở cải lương qua mặt như các vở: “Kiếm sĩ dơi”, “Mùa thu trên Bạch Mã Sơn”, “Đường gươm Nguyên Bá”, “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Bên cầu dệt lụa”, “Nửa đời hương phấn”, “Đời cô Lựu”, “Tiếng hò sông Hậu”...

Cải lương hiện nay đã kén khản giả, kịch bản lại thiếu hơi thở của thời đại, ca từ thiểu mượt mà, chính điều này khiến khan giả tìm về những vở cải lương có cách đây hơn 40 để xem, để nghe như một phần hoài cổ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn