MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Cắm sừng ai đừng cắm sừng em” và loạt ca khúc phản cảm ngay từ tựa đề

Lan Anh LDO | 16/08/2022 06:40
Trào lưu đặt tên ca khúc kỳ lạ, sáo rỗng, thậm chí thảm họa vẫn đang tiếp tục “hoành hành” ở nhạc Việt.

Tháng 6.2022, nhạc sĩ trẻ Trịnh Thăng Bình khiến khán giả choáng váng khi cho ra mắt ca khúc “Khác biệt này thậm chí còn to lớn hơn”. Thực chất, Trịnh Thăng Bình muốn “vớt vát”, ăn theo tên ca khúc cũ “Khác biệt to lớn” – từng thành công.

Tuy nhiên, “mưu đồ” đó của Trịnh Thăng Bình đã bị khán giả phản ứng dữ dội. Bởi, việc một ca khúc mới phát hành độc lập mang tựa đề “Khác biệt này thậm chí còn to lớn hơn” chỉ cho thấy sự sáo rỗng, bế tắc của người sáng tác.

Sau “Khác biệt này thậm chí còn to lớn hơn”, nhiều ca khúc khác được ra mắt với tựa đề kỳ lạ không kém, đơn cử gần nhất là sản phẩm chung của Miu Lê và Karik: “Vì mẹ anh bắt chia tay”.

Dù ca khúc mang thông điệp về tình yêu, cô gái trách chàng trai chỉ biết chăm chăm nghe lời mẹ, nhưng cách đặt tên ca khúc đã biến sản phẩm âm nhạc chung của Karik và Miu Lê mang đậm tính giải trí và... tấu hài.

Năm 2021 đã chứng kiến sự xuất hiện tràn ngập những ca khúc có tựa đề “thảm họa” như: "Cắm sừng ai đừng cắm sừng em" (Phí Phương Anh), "Anh đứng đây từ chiều", "Bài ca gút chóp"...

Phí Phương Anh bị chỉ trích khi hát loạt ca khúc thảm họa như “Cắm sừng ai đừng cắm sừng em“. Ảnh: MV

Khi YouTube trở thành nền tảng thịnh hành – nơi lượt truy cập sẽ quyết định tính phổ biến, khả năng kiếm bộn tiền của sản phẩm – nhiều ca sĩ đã bất chấp mọi chiêu trò để gây chú ý.

Chi Pu khi tuyên bố trở thành ca sĩ đã phát hành hàng loạt sản phẩm với giọng hát yếu về mọi mặt và những cách đặt tên bài hát không giống ai. Trong đó, “Em sai rồi anh xin lỗi em đi” từng gây kinh ngạc giới chuyên môn về tính vô nghĩa và sáo rỗng của ca khúc cũng như tựa đề ca khúc.

Nhiều ca khúc khiến khán giả tức giận khi đặt tựa đề phản cảm, dung tục, có thể kể đến “Như cái lò”, “Thu dẩm”, “Oh my chuối”... hay những tựa đề nghe như muốn cãi nhau, đơn cử như “Đẹp trai thì mới có nhiều đứa yêu”.

Chi Pu bị khán giả chỉ trích vẫn nuôi ước mơ âm nhạc. Ảnh: NSX

Không chỉ những ca sĩ trẻ muốn gây chú ý như Phí Phương Anh hay Chi Pu mới có sản phẩm kỳ lạ, sáo rỗng. Đến những ca sĩ nổi tiếng, có vị trí cũng sa lầy vào ca khúc có tự đề bị chỉ trích.

“Mẩy thật mẩy” là MV đậm chất 18+ của vợ chồng BigDaddy và Emily. “Mẩy thật mẩy” muốn gửi gắm thông điệp về chuyện phẫu thuật thẩm mỹ của phụ nữ. Tuy nhiên, thông điệp chưa tới, trong khi bài hát bị chỉ trích dung tục, phản cảm, ngay từ tựa đề. MV “Mẩy thật mẩy” cũng tràn ngập hình ảnh khoe hình thể của Emily. Trước làn sóng chỉ trích của khán giả, MV này đã bị ẩn khỏi YouTube.

Hiền Hồ cũng vướng vào ồn ào khi hát ca khúc có tựa đề “Cần xa”.

Nhạc sĩ Khắc Hưng – người sở hữu nhiều bản hit có độ phủ sóng rộng như “Sau tất cả”, “Ghen”, “Hơn cả yêu”... cũng là người đã từng nhận nhiều chỉ trích với sản phẩm “Như cái lò”.

Khi đi qua những vấp ngã, bị khán giả phản ứng, Khắc Hưng mới nhận ra, anh đã có một sản phẩm tệ như thế nào. Khắc Hưng chia sẻ, một sản phẩm tệ có thể làm lu mờ 10 sản phẩm tốt. Sự vấp ngã giúp Khắc Hưng nhận ra phải trân quý hơn nữa công việc sáng tác, muốn được khán giả yêu thương, ủng hộ chỉ có một cách duy nhất là làm việc nghiêm túc, hết mình.

Nói như nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: “Bài hát phải đẹp từ tựa đề đến ca từ. Âm nhạc là sự kết hợp nghệ thuật giữa thanh âm và lời để hát về những điều đẹp đẽ. Âm nhạc đích thực sẽ còn mãi, ngược lại, những thứ phản âm nhạc – chỉ là những chiêu trò gây chú ý – rồi sớm muộn cũng bị đào thải”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn