MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cần cơ chế thoáng hơn khi xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT

Việt Văn LDO | 09/12/2023 09:59

Từ nhiều năm nay, sau mỗi mùa xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), luôn có những tranh cãi, thất vọng hay tiếc nuối. Có những tên tuổi lão thành không làm hồ sơ xin xét tặng, có những tên tuổi đình đám thì lại không đủ tiêu chuẩn và cũng có cả những thắc mắc, kiến nghị, xin cứu xét… Vậy đã đến lúc cần có một cơ chế “thoáng” hơn trong xét tặng?

Thấy gì qua những tranh cãi không đồng thuận

Nhiều tên tuổi lão thành không muốn xin xét tặng bởi nhiều lý do: họ ngại việc làm hồ sơ phiền phức, hay vì bản thân đã về hưu không còn hoạt động nghệ thuật, đặc biệt là với những nghệ sĩ làm việc ở các đơn vị nghệ thuật của nhà nước nên không đủ chuẩn quy định huy chương, giải thưởng ở các cuộc thi.

Trong khi đó, nhiều tên tuổi trẻ, đang độ sung sức làm nghề, có nhiều vai diễn và có thể tham dự nhiều cuộc thi sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu phấn đấu xét tặng hơn.

Nhìn trong danh sách xét tặng NSND, NSƯT lần này, có thể thấy hầu hết các nghệ sĩ đều đang “đầu quân” cho một đơn vị nghệ thuật nào đó, từ các nhà hát cho đến các Học viện, trường đại học về nghệ thuật. Cơ hội cho các nghệ sĩ hoạt động tự do là rất khó khăn khi mà họ không có nhiều điều kiện để tham dự các cuộc thi, giải thưởng.

Những đạo diễn đang sung sức như Lương Đình Dũng không thiếu cơ hội để đủ điều kiện xét tặng các danh hiệu. Ảnh: DL

Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” lần thứ 10 gồm 19 thành viên, do ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các thành viên là lãnh đạo các hội nghề nghiệp, các cơ quan báo chí, văn hóa…

Trước đó là các Hội đồng ngành cấp cơ sở. Qua những vòng xét tặng như vậy, dù tiêu chí khách quan, đủ chuẩn, công tâm luôn được đề cao, nhưng vẫn có thể có những sai sót nhất định bởi lẽ không phải thành viên nào cũng nắm rõ được hết những thông tin về hồ sơ nghệ sĩ, nhất là trong trường hợp nghệ sĩ hoạt động khác lĩnh vực, chưa kể còn bị những quy định nghiêm ngặt về xét tặng “trói tay trói chân” nên phải bỏ ra những trường hợp rất đáng tiếc.

Nên chăng cần có cơ chế xét tặng thoáng hơn?

Quy định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT có từ nhiều năm nay đã không còn theo kịp với thực tiễn của đời sống nghệ thuật. Một quy định mang tính cởi mở hơn, đồng thời chuẩn hóa hơn nữa những tiêu chí để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là điều cần thiết. Hội đồng xét tặng hoạt động theo quy định tại Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú"và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú".

Nghị định số 40/2021/NĐ-CP đã quy định “thoáng hơn” khi mở rộng tiêu chí phong tặng cho cả những cá nhân không đủ chuẩn về giải thưởng, với điều kiện họ phải là những nghệ sĩ cao tuổi có nhiều cống hiến trong nghệ thuật, hay là nghệ sĩ có những hoạt động tích cực đóng góp cho những nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương và đất nước, nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo chuyên nghiệp về văn hóa nghệ thuật, giảng dạy nhiều thế hệ sinh viên đạt các giải thưởng trong các cuộc thi chuyên nghiệp quốc tế.

Tuy vậy, nếu chiếu theo hai Nghị định trên thì để trở thành NSƯT phải có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp tối thiếu 15 năm (có thể cộng dồn), NSND là 20 năm. Nên chăng cần bỏ thời gian hạn chế hoạt động về nghệ thuật, bởi vẫn có thể có những nghệ sĩ tài năng, có đạo đức tốt, và có những thành công sớm hơn so với những nghệ sĩ cùng thế hệ. Việc ghi nhận thành quả của các nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo nghệ thuật là một bước tiến, song cần mở rộng hơn, không chỉ tính việc sinh viên của họ có giải thưởng quốc tế, vốn là điều rất khó đạt, mà cũng nên tính cả những giải thưởng cấp quốc gia.

Cơ chế xét tặng cũng nên chấp nhận những ngoại lệ, không chỉ căn cứ vào đơn xin xét tặng của cá nhân nghệ sĩ mà còn cần có chế độ “đề cử” hay “cử tuyển” do các đơn vị nghệ thuật mà nghệ sĩ đã và đang hoạt động đưa lên. Các Hội đồng cấp ngành cơ sở cũng có thể chủ động đề cử không chỉ các nghệ sĩ hoạt động trong các đơn vị nghệ thuật nhà nước, mà còn với cả các nghệ sĩ tự do.

Nhiều nghệ sĩ tuổi cao sức yếu và không có đủ thời gian, sức khỏe để làm hồ sơ xin xét tặng, nhiều người đã ngừng hoạt động, lui vào hậu trường. Sự chủ động đề cử của các đơn vị sẽ giúp cho những thành quả nghệ thuật của họ được ghi nhận.

Dĩ nhiên đã là xét tặng thì bao giờ cũng có những tiêu chí, thủ tục, cũng như cần sự đề đạt từ cá nhân và đơn vị. Song việc xét tặng như thế nào để không bỏ sót những tài năng, vinh danh được những nghệ sĩ xứng đáng, tránh những tranh cãi cứ “đến hẹn lại lên” sau mỗi dịp xét tặng, thì vẫn là một trách nhiệm lớn của những người cầm cân nảy mực, cũng như cần sự xây dựng, sửa đổi các quy định cho ngày một hoàn thiện hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn