MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cảnh trong phim "Đất rừng phương Nam". Ảnh: Nhà sản xuất

Cần nhìn nhận "Đất rừng phương Nam" là sản phẩm mang tính hư cấu, sáng tạo

Nhóm PV LDO | 25/10/2023 16:14

Thời gian qua, có nhiều tranh luận trong lĩnh vực điện ảnh. Mới đây nhất là bộ phim "Đất rừng phương Nam" với những luồng ý kiến tranh luận trái chiều như làm sai lệch lịch sử, trang phục và bối cảnh chưa "thuần Việt"...

Cần nhìn nhận phim ảnh là các sản phẩm mang tính hư cấu, sáng tạo

Sau khi bộ phim "Đất rừng phương Nam" được công chiếu, không ít khán giả đặt câu hỏi: "Tại sao phim Việt Nam mà lại lẫn bối cảnh, trang phục nước ngoài?", "Tại sao phim dã sử nước ngoài họ làm hay thế?", "Tại sao lại để văn hoá, nghệ thuật nước ngoài xâm chiếm?"...

Nêu quan điểm về những ý kiến này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội cho rằng: Cần phải hiểu phim ảnh là nghệ thuật chứ không phải lịch sử.

"Nếu cần biết rõ lịch sử thì mở sách sử. Vì vậy, cần nhìn nhận phim ảnh là các sản phẩm mang tính hư cấu, sáng tạo. Nếu chúng ta chỉ đưa cách nhìn cứng nhắc, không tôn trọng sự sáng tạo của nghệ sĩ thì chúng ta sẽ tạo ra sản phẩm văn hóa nghệ thuật khô cứng, không nhận được sự quan tâm của xã hội.

Chúng ta sẽ tiếp tục rơi vào vòng "luẩn quẩn", từ đó thông điệp của quá khứ không được kể ra một cách hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện nay" - đại biểu Sơn nói.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, cần phải có cách nhìn công bằng, ủng hộ với các sản phẩm văn hóa nghệ thuật để động viên tinh thần, khuyến khích sự sáng tạo, khai thác yếu tố lịch sử trong làm phim.

Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, hiện chúng ta chưa có tư duy kết nối giữa sản xuất, phát hành với nhu cầu thị trường trong làm phim.

"Luật Điện ảnh đã được ban hành, tuy nhiên tư duy vẫn chưa theo được với tinh thần của luật đề ra. Ví dụ như trong năm 2023, Việt Nam có 2 phim đặt hàng của Nhà nước, đó là "Đào, phở và Piano" và "Hồng Hà nữ sĩ". Hai sản phẩm này được đầu tư khá nhiều tiền nhưng đến với thị trường rất khó khăn" - ông phân tích.

Theo ông, để phát hành phim, đầu tiên nhà sản xuất phải trả phí phát hành là 1 tỉ đồng mà chưa biết "thắng thua" thế nào. Trong khi đó, nếu phim có lợi nhuận thì chia sẻ lợi nhuận nhà sản xuất và rạp là 50-50%.

Như vậy, nếu tiếp tục như thế này thì khó cho văn hoá nghệ thuật. "Cần thay đổi tư duy về công nghiệp văn hoá, tạo ra thị trường ủng hộ cho sản phẩm văn hoá nghệ thuật của người Việt Nam", đại biểu phân tích.

Mong muốn tranh luận không làm nản chí các nghệ sĩ, nhà làm phim

Đại biểu Bùi Hoài Sơn mong muốn những tranh luận vừa qua không làm nản chí các nghệ sĩ tâm huyết khai thác đề tài lịch sử, khiến cho họ không còn dám làm dòng phim quan trọng đối với đất nước.

"Khai thác chất liệu từ đề tài lịch sử sẽ giúp chúng ta kể được lịch sử, đưa những hình ảnh đẹp, câu chuyện truyền cảm hứng của Việt Nam cho khán giả trong nước và quốc tế, khẳng định vị trí và tầm vóc của dân tộc, hình thành nên sức mạnh mềm cho đất nước" - ông nói.

Ông Bùi Hoài Sơn mong muốn khán giả sẽ ủng hộ "Đất rừng phương Nam" nói riêng, điện ảnh và nghệ thuật Việt Nam nói chung, nhất là các tác phẩm văn học, nghệ thuật khai thác chất liệu lịch sử.

Đồng thời, ông Sơn cũng nói đến vấn đề "xâm lăng văn hóa", khi nhiều sản phẩm văn học, nghệ thuật nước ngoài tràn vào Việt Nam, khiến cho một bộ phận công chúng say mê lịch sử nước ngoài, lãng quên sử Việt.

Nhiều bộ phim, bài hát, truyện tranh không phù hợp với văn hóa và các giá trị đạo đức, truyền thống dân tộc đã tiếp cận nhiều khán giả, độc giả, làm hình thành nhận thức, suy nghĩ, lối sống xa lạ.

Đại biểu Sơn lo ngại nguy cơ người Việt, đặc biệt là giới trẻ sẽ lãng quên lịch sử, khiến văn hóa dân tộc trở thành bản sao mờ của các nền văn hóa khác.

Ông Sơn kỳ vọng các nghệ sĩ sẽ tiếp tục có những sản phẩm văn học, nghệ thuật của người Việt Nam, dẫn lối cho sự tự tin, niềm tự hào dân tộc, hội nhập vững chắc với thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn