MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghệ nhân Lê Đình Nghiêm với dòng tranh dân gian Hàng Trống. Ảnh: Lê Bích

Cần quảng bá sâu rộng hơn nữa các giá trị văn hóa dân gian

Việt Văn LDO | 22/07/2020 08:30

Văn hóa dân gian, trong đó có văn học, nghệ thuật dân gian, được nhân dân ta sáng tạo, lưu giữ, trao truyền trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc được GS Tô Ngọc Thanh gọi là “túi khôn trí tuệ” của quần chúng nhân dân.

Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội văn nghệ dân gian Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2020-2025) diễn ra từ 18 đến 20.7 tại Hà Nội với sự tham dự của trên 300 đại biểu chính thức. Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư - đã đến dự và phát biểu tại đại hội. 

Giải cứu nguy cơ đứt gãy mạch truyền thống văn hóa dân tộc

Trong bài phát biểu khai mạc, GS-TS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội nhiệm kỳ VII - nhấn mạnh: Đại hội diễn ra trong năm có nhiều ngày lễ lớn của dân tộc như kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác Hồ, 66 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 45 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (Hội VNDGVN) đã thực hiện tốt 2 nhiệm vụ chiến lược mà Đảng và Nhà nước giao phó là sưu tầm để bảo tồn vốn văn hóa văn nghệ dân gian của các dân tộc Việt Nam và phát huy những giá trị VNDG trong đời sống hôm nay.

GS Tô Ngọc Thanh tập trung nói về chương trình “Tầm nhìn 2010” (2000-2010) để tránh nguy cơ đứt mạch truyền thống văn hóa dân tộc giữa các thế hệ, tổng kiểm kê các giá trị VNDG cả nước, phục dựng nhiều loại hình VNDG tiêu biểu, phổ biến cho thế hệ trẻ, thực hiện nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu các giá trị VNDG như thi pháp dân gian…; Tiến hành phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian cho 659 hội viên kể từ năm 2001 (để tri ân những “người thày vĩ đại của nhân dân”). Đặc trưng của VNDG là việc sưu tầm các giá trị thông qua trí nhớ của các nghệ nhân. Và chính những nghệ nhân dân gian theo chữ dùng của UNESCO là “Báu vật nhân văn sống” (Living Human Treasures).

Một trong những thách thức quan trọng với hội là làm sao bảo quản gần 4.000 công trình sưu tầm, nghiên cứu trong khoảng 30 năm qua của các hội viên. Với sự quan tâm, đầu tư kinh phí 230 tỉ đồng, Hội đã in được 2.500 công trình tiêu biểu trong dự án “Công bố và phổ biến tài sản văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam” (2008-2017). Nội dung các công trình mô tả, nghiên cứu trên tất cả các lĩnh vực của VHVNDG các dân tộc Việt Nam như văn hóa ngôn từ, văn hóa phong tục tập quán, văn hóa tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật diễn xướng, các nghề thủ công, làng nghề, các tri thức dân gian và văn hóa ẩm thực. Các tác phẩm của dân tộc thiểu số được in thêm nguyên bản tiếng dân tộc phiên âm bằng chữ cái tiếng Việt và bản dịch.  

Đại hội nghe một số tham luận của các đại biểu đề cập tới thực trạng sưu tầm, bảo tồn các giá trị VNDG ở địa phương, trong đó có đại biểu đề xuất chọn một ngày trong năm làm  ngày truyền thống của những người làm công tác sưu tầm, nghiên cứu và quảng bá các giá trị VNDG.  

Một số ý kiến góp ý cho đại hội, đáng chú ý như hội viên Nguyễn Thụy Loan - Chi hội VNDG cụm Văn hóa nghệ thuật: Hội cần có ý kiến bảo vệ quyền tác giả của các nghệ nhân dân gian, các cộng đồng chủ nhân của di sản dân gian.

Tiếp tục phổ biến, quảng bá các giá trị VHVNDG

Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư - phát biểu, đánh giá cao việc hội đã động viên hội viên tập trung sưu tầm, biên soạn, dịch thuật gần 4.000 công trình về văn hóa, văn nghệ dân gian trong đó có công trình với quy mô lớn, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát triển văn hóa, du lịch ở các địa phương. Số công trình này đã xuất bản một phần lớn trong Dự án “Công bố và phổ biến tài sản văn hóa-văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam”, được dư luận xã hội và hội viên đánh giá cao. Hội cũng đã tập trung đầu tư các công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian biển đảo nhằm góp phần khẳng định chủ quyền, lãnh thổ biển đảo của Việt Nam như: “Văn hóa dân gian biển đảo miền Trung”, “Hải trình Nam - Bắc, Bắc - Nam”, “Vè các lái”…

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị Ban chấp hành hội trong nhiệm kỳ tới tập trung thực hiện 3 nội dung quan trọng. Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật như Nghị quyết 23-NQ/TW, Nghị quyết 33-NQ/TW, Kết luận 76-KL/TW, tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng và phát triển bền vững văn hóa, con người Việt Nam, hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc với phát triển kinh tế, du lịch bền vững, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam; Chú trọng việc đổi mới phương thức hoạt động hội gắn với đặc trưng, đặc thù của hội, huy động các nguồn lực để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian, dân tộc... Và hội tập trung biên soạn, chọn lọc trong số hơn 1.500 bản thảo công trình chưa xuất bản, bổ sung những công trình mới có chất lượng, có giá trị để đề xuất tiếp tục thực hiện Dự án “Công bố và phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam”, nhằm bảo tồn và phát huy đầy đủ những giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc.

Kết thúc đại hội đã bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ mới, GS-TS Lê Hồng Lý được bầu làm chủ tịch Hội VNDGVN.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn