MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chợ nổi Cái Răng là một trong những điểm nhấn du lịch của TP.Cần Thơ. Ảnh: T.P

Cần Thơ bảo tồn Di sản Văn hóa phi vật thể Chợ nổi Cái Răng

Mai Hương LDO | 16/07/2022 06:45

Tại Hội nghị Tổng kết 5 năm kết quả thực hiện đề án “Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng”, nhiều ý kiến đánh giá, tham mưu từ các cơ quan đưa ra góp phần hoàn thiện Chợ nổi Cái Răng. 

Vẫn còn nhiều vấn đề bất cập

Năm 2016, Chợ nổi Cái Răng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là “Di sản Văn hóa phi vật thể”. Sau đó, UBND Thành phố Cần Thơ có Đề án “Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng”, kinh phí hơn 63 tỉ đồng, nhằm bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng theo hướng trở thành chợ đầu mối, trung chuyển hàng nông sản của vùng ĐBSCL, phục vụ phát triển du lịch sinh thái, bảo đảm vệ sinh môi trường và các vấn đề an sinh xã hội.

Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế ở riêng từng hạng mục. Đại diện lãnh đạo Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh quận, các phòng, doanh nghiệp đã có các tham luận nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn Chợ nổi Cái Răng.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng - đại diện người dân thương hồ tại chợ nổi Cái Răng, hiện nay chợ nổi Cái Răng vẫn gặp nhiều vấn đề bất cập về xây dựng cầu tàu chợ nổi, trạm dừng chân chợ nổi chưa hiệu quả cao và nhà hàng chợ nổi trên sông chưa thực hiện. Đa số khách du lịch tập trung vào quận Cái Răng nhiều hơn, tuy nhiên về cơ sở vật chất chưa có đủ chỗ nghỉ ngơi, ăn uống đạt chuẩn cho du khách.

Bên cạnh đó, hiện số lượng rác thải trên sông giảm 20% theo thống kê của hợp tác xã là do tất cả hộ dân sống trên bờ kè đã được di dời đi, vì vậy nếu cứ tăng cường việc vớt rác, thêm vài điểm nữa, chợ nổi Cái Răng sẽ thành công hơn trong việc thu hút du khách. Bờ kè xây xong cũng góp phần thuận lợi cho việc quản lý lượng rác có thể giảm lượng rác thải đến 40%.

Cũng theo ông Dũng, hiện nay hợp tác xã có liên kết với khoảng 20 thương hồ bán trên sông, 19 tàu du lịch và khó khăn chung là chưa có chỗ neo đậu. Về đưa đón khách tham quan phần lớn là chưa có bến bãi nên thương hồ mong các cấp lãnh đạo quan tâm, hỗ trợ. Bởi mỗi Thứ 7, Chủ nhật, chợ nổi đón từ 700 đến 1000 khách nhưng chưa đảm bảo được chỗ neo đậu để đưa đón khách, vì thế cần một chỗ neo đậu để quản lý lượng khách ra vào và bảo đảm an toàn và giữ được khách.

Tìm phương án tháo gỡ

Trước những băn khoăn trong việc bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng, ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ - cho biết, việc xây dựng Chợ nổi Cái Răng trở thành trung tâm trung chuyển các mặt hàng nông sản tại TP.Cần Thơ nói riêng là ĐBSCL nói chung là điều hết cần thiết. Xây dựng cao tốc trong tương lai chính là tiền đề để Chợ nổi Cái Răng trở thành điểm kết nối vùng, đưa chợ nổi ngày một phát triển, mang đậm dấu ấn Miền Tây. Đối với ngành nông nghiệp, nông sản, cần xác định vùng trồng, thổ nhưỡng ở từng năm. Đặc biệt là nâng cao giải pháp đảm bảo môi trường cho chợ nổi để phát triển du lịch.

Khi phát triển chợ nổi phục vụ phát triển du lịch cần đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa nhưng không phá vỡ không gian, tập tục, mua bán tự nhiên đã có từ ngày đầu hình thành chợ nổi nhằm bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước ĐBSCL.

“Sau hội nghị, chúng ta nên tổ chức hội thảo đánh giá, mời các chuyên gia trên mọi lĩnh vực nhằm tác động thực tế đến việc bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng. Phải liên kết các điểm chợ nổi tại ĐBSCL như Chợ nổi Cái Răng, Chợ nổi Sóc Trăng, Chợ nổi Ngã Bảy… để phát triển văn hóa đặc trưng của đồng bằng” - ông Nguyễn Thực Hiện cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Khánh Tùng - Viện trưởng Viện Kinh tế Cần Thơ, vấn đề e ngại là về Dự án Kè sông Cần Thơ chậm trễ gây ảnh hưởng đến thương hồ trên chợ nổi, mong muốn tìm giải pháp đôn đốc để bà con thuận tiện trong việc vận chuyển, mua bán.

Theo ông Tùng, mục tiêu của đề án là bảo tồn chợ nổi Cái Răng, cũng là bảo tồn Di sản Văn hóa phi vật thể. Chợ nổi Cái Răng là đầu mối trung chuyển hàng hóa nông sản của vùng, phát triển chợ nổi phục vụ phát triển du lịch sinh thái, bởi vậy UBND quận Cái Răng không thể thực hiện được mọi công tác. Ông Tùng cho rằng, cần đề cao trách nhiệm của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và các thành phần tham gia khác trong đề án này.

Ông Tùng cũng đánh giá cao đề án “Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng”. Nhờ đề án được phê duyệt này mà chợ nổi Cái Răng vẫn còn duy trì đến ngày hôm nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn