MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ đôi NSND Thanh Vân - Trần Chí Thành đã giành giải Cánh diều vàng đạo diễn xuất sắc nhất. Ảnh: V.V

Cánh diều bay cao, hâm nóng tình yêu điện ảnh

Việt Văn LDO | 15/09/2022 06:05
Dấu ấn đổi mới của giải Cánh diều 2021 là rất rõ rệt. Từ nỗ lực của Ban chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam trong việc thay đổi địa điểm truyền thống (Hà Nội, TPHCM) đưa Cánh diều vào Nha Trang, tạo sự kết nối du lịch và điện ảnh, cho đến lễ trao giải hiện đại và ấn tượng, với sự kết hợp của “trên trời” và “dưới đất” tạo sự khác biệt.     

Ấn tượng

Lần đầu tiên thảm đỏ được diễn ra một không gian phóng khoáng của gió biển, của những âm thanh và màu sắc hòa quyện, với 19 con diều to tung bay trên trời mang cờ Tổ quốc và các biểu tượng của giải, của tỉnh Khánh Hòa cùng sự kết hợp của ánh sáng, của âm nhạc. Và lễ trao giải với nhiều điểm nhấn ấn tượng như màn múa hát thể hiện sự kết nối 3 miền Hà Nội - Nha Trang- TP.Hồ Chí Minh, tiết mục hát sôi động của Nhật Kim Anh từ ngoài vào khán phòng, hay sự xuất hiện bất ngờ và trình diễn điêu luyện của hai diễn viên xiếc Quốc Cơ - Quốc Nghiệp đã đem lại sự hào hứng, phấn khích cho khán giả.

Có thể nói đêm trao giải Cánh diều năm nay là ấn tượng nhất từ trước tới nay, và nhiều người đã nhận xét quy mô và sự hấp dẫn của nó vượt xa nhiều cuộc trao giải thưởng điện ảnh khác. Trước đó, Ban tổ chức đã chiếu giới thiệu tới khán giả TP.Nha Trang 12 tác phẩm phim truyện điện ảnh dự Cánh diều với 36 buổi chiếu cho hơn 4.000 khán giả, tổ chức giao lưu đoàn làm phim “Bình minh đỏ” với Bộ đội Hải quân tỉnh Khánh Hòa, đoàn làm phim “Đêm tối rực rỡ” với sinh viên khoa Nghệ thuật trường ĐH Khánh Hòa tạo nên không khí sôi động cho thành phố biển.

Vì sao “Đêm tối rực rỡ” thắng rực rỡ?

Ban giám khảo phim truyện điện ảnh với sự kết hợp các thế hệ làm phim già-trẻ, truyền thống- đương đại do đạo diễn Bùi Thạc Chuyên làm trưởng ban đã đồng thuận cao khi chọn “Đêm tối rực rỡ” cho Cánh diều vàng.

“Đêm tối rực rỡ” là 1 phim độc lập, không có những diễn viên ngôi sao đóng phim nhưng lại thu hút khán giả và có doanh thu phòng vé tốt. 

Phim đã khai thác được nhiều vấn đề xã hội, trong đó chủ đề bạo hành gia đình được thể hiện khá mạnh mẽ với một thông điệp nhân văn. Trao giải cho phim cũng là một sự khuyến khích những phim làm về đề tài đương đại - vốn luôn thiếu vắng trong điện ảnh Việt. 

Đó là sự tưởng thưởng cho sự dũng cảm của đạo diễn nước ngoài Aaron Toronto khi làm phim về Việt Nam, nhưng dĩ nhiên không thể quên công sức của người vợ Việt Nam, Lý Nguyễn Nhã Uyên vừa là biên kịch, vừa là diễn viên trong phim. Và chính vai diễn xuất sắc của Nhã Uyên đã góp phần vào thành công của phim, và giúp cá nhân cô đoạt giải nữ chính xuất sắc nhất ngoài ra Uyên còn thắng luôn cả giải biên kịch xuất sắc nhất.

Cánh diều bạc cho “Bình minh đỏ” của cặp đạo diễn NSND Thanh Vân và Trần Chí Thành - một phim đề tài chiến tranh lấy cảm hứng từ những chiến công và gương chiến đấu anh dũng của Trung đội nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn.

Bộ đôi NSND Thanh Vân - Trần Chí Thành đã giành giải Cánh diều vàng đạo diễn xuất sắc nhất. Với đạo diễn Thanh Vân đây là một cảm xúc đặc biệt khi ông đã ở U60. Ngoài ra “Bình minh đỏ” còn thắng 4 giải Cánh diều Vàng cá nhân và bằng khen cho diễn viên trẻ triển vọng…

Cánh diều bạc thứ hai dành cho một phim thiếu nhi “Maika, cô bé đến từ hành tinh khác” của Hàm Trần - Nguyễn Phan Quang Bình… Tuy nhiên, nếu Cánh diều bạc dành cho “Chìa khóa trăm tỷ” hay “Nghề siêu dễ” hoặc “Nhà không bán” cũng không phải là không xứng đáng.

Phim remake sánh đôi phim thuần Việt

Ở lĩnh vực phim truyện truyền hình nhiều tập, “Thương ngày nắng về” (Đạo diễn: Bùi Tiến Huy - NSƯT Vũ Trương Khoa) kề vai nhau đồng Cánh diều vàng cùng với “11 tháng 5 ngày” (Đạo diễn: Nguyễn Đức Hiếu - Lê Đỗ Ngọc Linh) - cả hai phim đều của Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) cho thấy sự áp đảo hoàn toàn của VFC.

Trong số hai Cánh diều bạc còn có thêm “Hương vị tình thân” (Đạo diễn: NSƯT Nguyễn Danh Dũng) của VFC, bạc còn lại thuộc về phim “Cây táo nở hoa” (Đạo diễn Võ Thạch Thảo) do Công ty Vie Channel, HTV2 sản xuất.

Điều đáng chú ý là “Thương ngày nắng về” và “Hương vị tình thân” đều là phim remake mua kịch bản từ Hàn quốc, với chủ đề về gia đình. Điều đó cho thấy không chỉ phim truyện điện ảnh mà ngay cả phim truyện truyền hình cũng thiếu trầm trọng những kịch bản thuần Việt hay, đặc biệt là về cuộc sống đương đại.

Đạo diễn Bùi Tiến Huy (phim “Thương ngày nắng về” - phần 1) đoạt giải cá nhân đạo diễn là sự khẳng định một thế hệ đạo diễn trẻ đang lên của VFC.

Giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất dành cho Thanh Sơn, vai Đăng, phim “11 tháng 5 ngày” và giải Nữ diễn viên chính xuất sắc cho Khả Ngân, vai Tuệ Nhi, phim “11 tháng 5 ngày” là sự ghi nhận xứng đáng, không gây nhiều bàn cãi.

Mảng phim tài liệu, Công ty TNHH 1 thành viên Hãng phim Tài liệu Khoa học T.Ư (từng được coi là “anh cả”) tái hiện lại ngôi vị hàng đầu sau mấy năm trời chật vật với bộ phim “Phim “Hai bàn tay” - Đạo diễn: Đặng Thị Linh và đạo diễn cũng giành Cánh diều vàng giải đạo diễn xuất sắc nhất.

Lần hiếm hoi làm phim tài liệu và đem dự thi, phim “Không sợ hãi” của đạo diễn: Bùi Thạc Chuyên - Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam đã giành Cánh diều bạc. Đồng Bạc là phim “Con đường đã chọn” -Tổng đạo diễn: NSND Lê Thi và Nhóm tác giả do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn