MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thanh Sơn phim "Đấu trí". Ảnh: ĐPCC

Cát-xê của nghệ sĩ: Thu Quỳnh, Thanh Sơn về nhà hát vẫn diễn 150.000 đồng/đêm

Mi Lan LDO | 14/10/2022 06:45
Nói về cát-xê của nghệ sĩ sân khấu kịch ở Nhà hát Tuổi Trẻ, nguyên giám đốc nhà hát – NSƯT Chí Trung từng chia sẻ: “Những bạn thành danh như Thu Quỳnh, Thanh Sơn dù có là ngôi sao ở đâu đi chăng nữa, về đến nhà hát vẫn nhận cát-xê 150.000 đồng/suất diễn”.

UBND Thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến đề xuất tăng tiền bồi dưỡng cho các NSND, NSƯT. Theo đó, NSND được hỗ trợ thêm 80.000 đồng, NSƯT được thêm 40.000 đồng/buổi tập, tương đương mức bồi dưỡng của diễn viên chính trong vở diễn sân khấu, opera, ballet, ca sĩ hát chính, nhạc công độc tấu.

Với các buổi biểu diễn, NSND được hỗ trợ 200.000 đồng và NSƯT được hỗ trợ 100.000 đồng/buổi diễn, tương đương mức bồi dưỡng cho các diễn viên, nhạc công chính, người chỉ đạo chương trình, vở diễn.

Sân khấu kịch nói khó khăn kéo dài

Ở lĩnh vực sân khấu mảng kịch nói, theo nguồn tin của phóng viên Lao Động, cát-xê cho mỗi buổi biểu diễn của nghệ sĩ nói chung được tính theo mức 150.000-200.000 đồng cho vai chính, 70.000-80.000 đồng cho một vai phụ. Mức cát-xê này đã được áp dụng trong nhiều năm ở Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ.

NSƯT Sĩ Tiến – Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho biết, mức cát-xê cho các NSND, NSƯT có nhỉnh hơn thế một chút, nhưng không đáng kể.

Với một vở diễn kéo dài 2-3 giờ đồng hồ, nhận cát-xê 150.000-200.000 đồng cho một vai chính được đánh giá là thấp, đặc biệt, nếu đặt trong phép so sánh với nhiều loại hình biểu diễn khác, đơn cử như sân khấu âm nhạc. Mỗi ca sĩ mảng nhạc nhẹ có thể nhận cát-xê hàng trăm triệu đồng cho một tiết mục.

Sân khấu kịch nói khó khăn trong nhiều thập kỷ, kể từ cuối thập niên 1990. Khi đi qua thời hoàng kim, sân khấu đứng trước sự cạnh tranh của nhiều lĩnh vực giải trí thời thượng như điện ảnh, âm nhạc, truyền hình... thậm chí cả các nền tảng số, mạng xã hội.

Sân khấu đã đi qua thời hoàng kim, giờ phải tìm cách kéo khán giả đến rạp. Ảnh: NHCC

Khán giả bỏ dần thói quen đến sân khấu xem kịch. Trong cả thập kỷ qua, sân khấu vắng khách, nhà hát xuống cấp. NSƯT Xuân Bắc từng kể: “Nhà hát Kịch Việt Nam xuống cấp nghiêm trọng. Cơ sở vật chất ở nhà hát cũng từng là vấn đề để nghệ sĩ đau đáu và bàn luận. Nhà hát tôi hiện có 182 ghế, cũng đã xuống cấp nhiều, có lần diễn viên đang diễn, bêtông rơi xuống phòng hóa trang, khán giả đang xem bỗng thấy bụi bay ra mù mịt...”.

Đặc biệt trong 2 năm COVID-19 hoành hành, sân khấu hoàn toàn tê liệt, phải đóng cửa triền miên.

Chia sẻ về khó khăn của sân khấu sau dịch, NSƯT Chí Trung nói với phóng viên Lao Động: “Năm 2021, chúng tôi sản xuất 7 chương trình nhưng không diễn được buổi nào. Ở thời kỳ hoàng kim của Nhà hát Tuổi Trẻ, mỗi năm chúng tôi có khoảng 400 đến 600 suất diễn. Năm 2021, số suất diễn chỉ còn là 30.

Nhà hát hiện có 150 nhân sự đang hoạt động và 54 cán bộ tuổi hưu. Trong 150 nhân sự, 80 người là biên chế, được hưởng lương ổn định theo tháng. Những nhân sự tôi lo lắng nhất là những người làm hành chính, hậu đài... Họ không có nguồn thu nhập nào khác ngoài công việc chính”.

Nghệ sĩ sân khấu bám trụ với nghề, đồng thời phải làm thêm nhiều việc khác để mưu sinh. Ảnh: NHCC

Bám trụ với nghề bằng đam mê

Khi sân khấu khó khăn, nhiều diễn viên sân khấu đổ xô đóng phim truyền hình. Trong đó, có thể kể đến những cái tên đã vụt sáng, trở nên đắt show quảng cáo sau khi tham gia phim truyền hình như Thu Quỳnh, Thanh Sơn, Lương Thu Trang (Nhà hát Tuổi Trẻ), Diễm Hương, NSND Lan Hương, NSND Trung Anh...

Thế nhưng, NSƯT Chí Trung nói, dù truyền hình có hấp dẫn đến bao nhiêu, dù có thể mang đến cho các nghệ sĩ nhiều cơ hội để nổi tiếng, có tiền, nhưng họ sẽ vẫn quay về với sân khấu.

“Thu Quỳnh, Thanh Sơn, Lương Thu Trang, Vân Dung... dù có là sao ở đâu, nhà hát chỉ cần gọi một tiếng là quay về, vẫn đam mê cháy dưới ánh đèn sân khấu với mức cát-xê 150.000 đồng/đêm diễn” – NSƯT Chí Trung nói.

Thu Quỳnh, Thanh Sơn, Lương Thu Trang... và nhiều nghệ sĩ sân khấu đang nổi tiếng nhờ phim truyền hình. Ảnh: NHCC

Theo NSƯT Chí Trung: “Diễn viên của nhà hát đều là nghệ sĩ có tâm, đức. Họ có khát vọng và yêu sân khấu. Dù đi đâu, làm gì, chỉ cần sân khấu sáng đèn sẽ lại vội vã quay về. Bạn cứ đi hỏi Thu Quỳnh, Thanh Sơn mà xem, họ yêu sân khấu như thế nào.

Có nhiều bạn sinh viên trẻ khi đến xin việc ở sân khấu, tôi nói với các bạn: “Nếu đến với sân khấu để làm giàu, tìm kiếm sự giàu sang, tôi khuyên các bạn nên chuyển việc. Ở sân khấu, tôi chỉ có thể cho các bạn khát vọng, tình yêu với nghệ thuật, và cơ hội để phát triển bản thân”.

Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội đều tìm nhiều cách để khắc phục khó khăn sau dịch. Ngoài diễn kịch, dựng vở, các nhà hát đều năng động tìm kiếm nhiều dự án hợp tác, xã hội hóa đầu tư để có việc thường xuyên.

NSƯT Sĩ Tiến – Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho biết: “Hiện nhà hát chúng tôi có nhiều kế hoạch, vừa lên lịch diễn, cho thuê rạp... Chúng tôi cũng không cần phải tăng cường thật nhiều suất diễn, mà tập trung suất diễn nào cũng bán hết vé. Hiện kịch mục Nhà hát Tuổi trẻ rất phong phú đa dạng, từ kịch thiếu nhi, kịch Lưu Quang Vũ hay những vở diễn khác đang được dần dần giới thiệu với khán giả. Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, chúng tôi cũng sẽ lên kế hoạch đi diễn tỉnh”.

Nhà hát Kịch Việt Nam có chương trình hợp tác với Hiệp hội các nhà sản xuất chương trình biểu diễn Hàn Quốc (KAPAP) dàn dựng vở diễn “Bến không chồng”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn