MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cát-xê nghệ sĩ: Lương 3 triệu đồng/tháng và sự nhọc nhằn của các nữ vũ công

Hương Mai LDO | 19/10/2022 06:19
Để theo đuổi đam mê và sống được với nghề mùa, không ít nghệ sĩ phải đánh đổi nhiều thứ. Phóng viên Lao Động đã có cuộc gặp với những nữ vũ công đang bám trụ với sàn tập, theo đuổi nghề múa.

Không có bữa cơm gia đình

Trong các loại hình nghệ thuật, múa là bộ môn đòi hỏi diễn viên phải hội đủ nhiều tiêu chuẩn, rất khắt khe. Bên cạnh việc luyện tập vất vả, để theo đuổi đam mê và sống được với nghề nhiều người phải đánh đổi cả tuổi trẻ, sức khỏe.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học Tự nhiên, nghệ sĩ múa Trần Lệ Thanh (Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam) bất ngờ chuyển hướng sang học múa.

Bỏ qua những lời khuyên bảo, ngăn cấm từ người lớn trong gia đình, nghệ sĩ Lệ Thanh quyết tâm theo đuổi nghệ thuật múa bằng tất cả đam mê.

Sau nhiều năm vào nghề, trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp, Lệ Thanh vẫn còn nhiều trăn trở với nghề.

Nghệ sĩ múa Trần Lệ Thanh trong buổi biểu diễn. Ảnh: NSCC

Theo chia sẻ của nghệ sĩ Lệ Thanh, trong nghề múa, điều mà khó khăn nhất có lẽ là không ổn định và thu nhập không cao.

Mức lương của nghệ sĩ Lệ Thanh hiện tại chỉ được 3 triệu đồng/tháng, những bạn trẻ hơn vào sau lương chỉ được khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng. Một số cộng tác viên tập buổi nào tính tiền buổi đó, thu nhập bấp bênh, nhất là trong thời gian dịch COVID-19.

Là nghệ sĩ trẻ, vừa kết hôn, nghệ sĩ Lệ Thanh dành phần lớn thời gian để tập trung phát triển công việc, kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình.

Ngoài thời gian tập luyện tại nhà hát, Lệ Thanh mở thêm trung tâm dạy múa, nhận thêm những chương trình nhỏ, múa phụ hoạ cho các ca sĩ để tăng thu nhập.

Theo chia sẻ của Lệ Thanh, mỗi một buổi diễn bên ngoài theo bài sẽ khoảng từ 700.000-900.000 đồng tùy nơi. Nếu 1 tháng đi diễn nhiều, thu nhập sẽ khoảng tầm 10 triệu đồng.

Nghệ sĩ múa Trần Lệ Thanh. Ảnh: NSCC

Công việc bận rộn khiến vợ chồng nghệ sĩ Lệ Thanh từ lâu không có bữa cơm tối ở nhà.

"Vợ chồng chúng tôi ăn uống tự túc. Tôi thường ra khỏi nhà lúc 7h sáng và về nhà lúc 10h tối. Kết thúc công việc tại Nhà hát, tôi đi dạy thêm hoặc diễn thêm bên ngoài nên vợ chồng tôi thống nhất với nhau là không ăn cơm cùng nhau tại nhà" nghệ sĩ Lệ Thanh bộc bạch.

Những cơn đau trong quá trình tập luyện

Đồi với những nghệ sĩ múa, nếu được gia đình phát hiện năng khiếu ngay từ lúc lên 5, lên 10 tuổi, chưa muốn nói là con nhà nòi, phải có một thời gian dài học múa với chế độ tập luyện, ăn uống hà khắc.

So với các bộ môn nghệ thuật khác, múa có nhiều bài tập khắc nghiệt. 

Theo học hơn 6 năm tại trường Trung cấp Múa sau đó tiếp tục học lên Học viện Múa Việt Nam, Lê Thị Linh (22 tuổi) chia sẻ:

"Theo đuổi nghệ thuật múa là một hành trình khắc nghiệt, người học sẽ mất nhiều công sức, mồ hôi nước mắt bởi những cơn đau đớn trong những bài tập cần độ dẻo, ép xoạc... Mỗi ngày, quá trình này lặp đi lặp lại, đau đớn thể xác nhiều hơn tinh thần vì vận động cơ bắp rất mệt mỏi".

Lê Thị Linh (phía trong cùng) trong một buổi dạy thêm tại trung tâm múa. Ảnh: Hải Minh

Theo lời kể của Lê Thị Linh, ngoài giờ học trên trường, Linh còn dạy thêm ở một số trung tâm múa để trang trải cuộc sống.

Có những lần đi tập trên trường vất vả, đến đêm về không kịp ăn uống, lên giường đi ngủ với chiếc bụng đói. Sáng hôm sau, Linh phải dậy sớm để đi diễn thêm. Thế nhưng, thu nhập vẫn không thấm vào đâu so với công sức nhọc nhằn của cô.

"Cũng có chán nản vì cảm thấy công sức mình bỏ ra nhiều nhưng không được nhận lại đúng như thế. Vì thế, nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật múa đã khó càng thêm khó" - Linh chia sẻ.

Không chỉ riêng Lê Thị Linh hay nghệ sĩ Trần Lệ Thanh, chắc hẳn nhiều nghệ sĩ khác cũng sẽ có đôi khi tự an ủi rằng, hãy diễn hết mình, múa như thể chỉ còn hôm nay. Mồ hôi đẫm áo, trầy tay bầm chân sẽ không còn đau nữa, chỉ còn lại sự thăng hoa...

Tuy khó khăn vất vả, nhưng do tình yêu nghề đến quên tất thảy mệt nhọc, nên các nghệ sĩ múa vẫn can đảm, dẻo dai bám trụ sàn diễn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn