MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Câu like” cũng vừa vừa thôi!

Trần Việt LDO | 06/06/2023 06:34
Thời công nghệ số, ai chả muốn bài mình được đọc nhiều, like nhiều, share nhiều. Nhưng cái gì cũng vừa phải thôi, nhiều khi gây ra những “cơn bão trong chén trà” không cần thiết.

Vài ngày trước, cư dân mạng xôn xao vì một cô nhà văn trẻ bảo nhà văn phải là những người mà tỉ phú như Elon Musk muốn ăn tối cùng.

Tưởng như đó là phát ngôn “gây sốc” của cô gái để tạo cớ cho nhiều cư dân mạng lao vào “ném đá” cho rằng, đó là biểu hiện của thói ham danh lợi, và ảo tưởng sức mạnh của bản thân. Có facebooker nói hàm ý rằng, nhiều nhà văn cứ nghĩ sứ mệnh của mình là giải cứu thế giới nhưng thực sự đó phải là các lĩnh vực khoa học, công nghệ… còn “văn chương làm gì có cửa”!

Tuy nhiên, một số người chứng kiến cuộc giao lưu của cô nhà văn nọ bảo,  đây là người viết giật tít để “câu view” chứ thực sự cô ấy không nói như thế. Mà chỉ nói đại ý là viết văn không giàu nhưng có thể kết nối được nhiều người, biết đâu có 1 tỉ phú nào muốn ngồi trò chuyện cùng.  

Thực ra thì “tại anh, tại ả, tại cả hai bên”, người viết cũng hơi quá và cô nhà văn cũng bộc lộ ước mơ ngồi ăn tối cùng tỉ phú là có thật. Và dù sau này, cái tít trên đã được thay đổi nhưng mà nội dung bài thì vẫn thế thôi.

Chuyện giật tít để hấp dẫn độc giả là cần thiết, chả thế mà báo chí phương Tây có những bài viết về công nghệ giật tít. Nhưng cái gì cũng nên vừa phải thì hay hơn.

Những cái tít kiểu như “một đàn chó xông vào cắn xé nạn nhân, không biết con chó nào là thủ phạm”, “ông già 70 tuổi đập vỡ đầu tình địch 60 tuổi vì ghen”… hay nhiều năm trước, từng có một cái tít khiến người xem phải dụi mắt nhiều lần vì tưởng mình mơ ngủ, khi bài phỏng vấn một cô ca sĩ mới nổi được trong tít bài có câu “Trong váy ngắn có gì?”… (sau thì trong bài cô ấy trả lời: Trong váy ngắn có quần đùi!”; thì cũng nên tránh dùng.

Một cái tít hiền lành quá, tròn trịa quá thì ít người đọc, nhưng một cái tít gây sốc cũng cần cân nhắc. Giờ dân mạng hay có câu “cái miệng đi quá xa” để chỉ sự không kiểm soát được lời nói của nhân vật. Trong nhiều trường hợp, phải dùng câu: Cái tít đi quá xa, để chỉ sự quá đà, nhất là những cái tít nhiều khi còn khiến người đọc hiểu sai lệch đi bản chất của vấn đề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn