MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà nước từng đầu tư những bộ phim triệu USD nhưng không bán được vé cũng là một sự lãng phí.

Chấn hưng văn hóa: 350.000 tỉ đồng cần dùng hiệu quả để tránh thất thoát, tham nhũng

Hiền Hương (Thực hiện) LDO | 27/10/2023 14:07

Phóng viên Lao Động có cuộc trò chuyện với PGS. TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ -  nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương - xoay quanh những bàn tán, tranh cãi về dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa với 350.000 tỉ đồng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

350.000 tỉ đồng để chấn hưng văn hóa nếu không biết cách tiêu, sẽ rất nguy hiểm

Chúng ta cần bắt đầu từ đâu nếu bắt tay vào đề án chấn hưng văn hóa, theo ông? Đầu tư cho kế hoạch chi tiền, hay đầu tư cho những nhân sự biết cách tiêu tiền hiệu quả?

- Với văn hóa, đầu tư cho con người vô cùng quan trọng. Bởi thế, chúng ta cần một chương trình mục tiêu quốc gia để chấn hưng văn hóa thật công phu, bài bản, khoa học; từ đó chia thành các đề án, công trình, kế hoạch cụ thể, khả thi, phải tính toán kỹ lưỡng, nên lấy ý kiến các nhà khoa học, giới chuyên môn am hiểu sâu rộng về văn hóa, ở mọi lĩnh vực, cả về vật thể và phi vật thể.

Dù là 350.000 tỉ đồng hay 400.000 tỉ đồng... cũng đều phải cần một chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình, đề án thành phần, cho từng lĩnh vực, từng nhóm hạng mục, phải làm sao sử dụng đồng tiền cho hiệu quả, hạn chế thấp nhất sự lãng phí, thất thoát, tham nhũng. Trong đó, kinh phí đào tạo ngồn nhân lực thực sự quan trọng, từ vi mô đến vĩ mô, từ quản lý đến các ngành chuyên môn, nhất là những ngành khó, hiếm, mang tính đặc thù, tài năng.

Ngành quản lý văn hóa hiện không ít nhân sự, nhưng nhân sự có tư duy, tầm nhìn, tầm chuyên gia thì đang hiếm, đang thiếu.

Tôi lấy ví dụ, để có Đặng Thái Sơn vang danh thế giới, cũng phải đi học rất nhiều năm ở nước ngoài. Muốn vươn tầm quốc tế, phải đưa người ra quốc tế học hỏi, thi thố.

Ở mọi lĩnh vực đầu tư công nghiệp hóa văn hóa hay chấn hưng văn hóa, con người giữ vai trò mấu chốt. Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước phải đưa người đi ra nước ngoài học tập, nghiên cứu, trải nghiệm để có thể xây dựng và phát triển nền công nghiệp văn hóa hùng mạnh như hôm nay.

Đạo diễn, biên kịch, họa sĩ, nghệ sĩ, nhạc công, ánh sáng... đều phải đào tạo công phu. Đào tạo và đào tạo lại, đào tạo nâng cao, chuyên biệt. Hành trình đào tạo lại, đào tạo nâng cao rất kỳ công. Đưa 20 người đi học, có thể chỉ được 2-3 người xuất sắc, cống hiến lâu dài cho nghề.

Văn hóa nghệ thuật là một lĩnh vực rất quan trọng và đặc biệt tinh tế của văn hóa. Phải hiểu các chữ “rất quan trọng” và “đặc biệt tinh tế” để đầu tư đào tạo, bố trí, sử dụng, đãi ngộ con người, bố trí nguồn lực chất lượng cao cho văn hóa.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Việc đầu tư vào lĩnh vực nào, xây bảo tàng nghìn tỉ bỏ không, hay xây phim trường để hỗ trợ điện ảnh - khi điện ảnh đang có doanh thu tốt hơn, cũng là những tranh cãi xoay xung quanh con số 350.000 tỉ đồng. Quan điểm của ông thế nào?

- Xây bảo tàng hay phim trường cũng đều phải đi học, phải nhìn vào thế giới cách quản lý ra sao cho hiệu quả.

Chúng ta từng nhìn thấy những vụ việc nhãn tiền, bảo tàng nghìn tỉ xây xong bỏ không, vắng khách, hay những bộ phim được đầu tư hàng chục tỉ đồng không bán nổi vé.

Dù xây trung tâm chiếu phim, nhà hát biểu diễn nghệ thuật, thư viện, phim trường, bảo tàng... đều cần một chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể đính kèm với số tiền đầu tư xây dựng công trình đó. Cần cả chương trình đào tạo cán bộ, đưa những người có tài năng, năng lực vào để điều hành hoạt động cho hiệu quả.

Phim trường Cổ Loa đã tốn bao nhiêu tiền xây dựng, nhưng chẳng có đoàn phim nào sang quay. Phải nhìn vào đó để có bài học, phải thuê chuyên gia, phải đưa người đi học cách quản lý, khai thác một phim trường hiệu quả thì cần phải làm thế nào, sử dụng ra sao.

Trong du lịch, khi khách quốc tế đến Việt Nam, người ta thích ở homestay, hòa mình với thiên nhiên, chúng ta lại ra sức xây khách sạn, nhà hàng ở nơi núi cao sông thẳm làm phá vỡ cảnh quan, phá hoại môi trường thiên nhiên.

Theo tôi, đề án chấn hưng văn hóa phải cần một hệ thống giải pháp liên thông nhiều ngành nghề, nhiều lực lượng. Từ nghệ thuật, môi trường, xây dựng, quy hoạch... đều phải được bàn bạc kỹ lưỡng, liên kết, hỗ trợ cho nhau.

Sử dụng người có phẩm chất, năng lực để thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả cao. Đưa người đi học để biết cách quản lý, xây dựng. Đề án phải thiết thực, phải khoa học, có tầm nhìn xa rộng.

Đồng tiền chỉ sinh lời, chỉ mang đến hiệu quả khi được đặt vào tay những người có tài, có tâm, có tầm, có bản lĩnh.

Nếu đưa tiền cho những người chỉ nhăm nhăm để… tiêu tiền, sẽ vô cùng nguy hiểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn